Đưa tuồng vào trường học

Để gìn giữ lớp khán giả kế cận cho nghệ thuật tuồng, từ nhiều năm nay, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (TP Đà Nẵng) tổ chức nhiều chương trình biểu diễn tại các trường học.

Một trích đoạn tuồng được Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn tại các trường học.

Ngoài mong muốn loại hình nghệ thuật này không còn xa lạ với HS, đây còn là cách tạo nền tảng để nghệ thuật tuồng có khán giả trẻ.

Hiểu rồi mới yêu

Mỗi dịp Đoàn tuồng Nhà hát Nguyễn Hiển Dĩnh về biểu diễn ở các địa phương, bao giờ ông Trần Ngọc Tuấn – Giám đốc nhà hát cũng lặng lẽ quan sát xem trong số khán giả mãi mê theo dõi từng câu hát, từng cái phẩy tay của diễn viên, có bao nhiêu trẻ em.

“Họ đi cả gia đình, có cả già cả trẻ. Trẻ con khi xem không hiểu sẽ hỏi, đó là cách nghệ thuật để lại ấn tượng, và có thể len lỏi vào tâm hồn trẻ thơ, để sau này chúng quan tâm đến. Còn những suất diễn tổ chức ở nhà hát, chừng 50 - 100 khán giả thì chỉ có chừng 2 - 3 đứa trẻ con được cha mẹ chở đến, mua vé cho xem, hết giờ thì đón về.

Những điển tích, điển cố, những chi tiết mang tính ước lệ trong vở diễn, trẻ sẽ không biết nên chuyện đứa trẻ đó có yêu thích, có trở lại xem lần sau hay không rất khó nói”.

Tuồng không có xu hướng tả thực, không đi sâu vào những chi tiết vụn vặt khi những chi tiết đó không gây được hiệu quả nghệ thuật, qua thủ pháp khoa trương, cách điệu mang tính ước lệ, diễn viên sẽ thể hiện qua những điệu hát, điệu nói, điệu múa có nguyên tắc, niêm luật cụ thể. Do đó để xem được tuồng, cần một quá trình học hỏi, gần như là “thẩm thấu”, mới hiểu hết vở diễn.

Nên mỗi năm có chừng 60 - 80 vở diễn được tổ chức, hầu như Đoàn tuồng Nhà hát Nguyễn Hiển Dĩnh đưa về các vùng dân còn mê tuồng. Đó là những nơi cuộc sống còn mang đậm yếu tố làng xã, lễ hội, về đó tuồng mới có đất sống. Ở đó người dân hiểu biết về tuồng, họ không xem vở diễn mà xem tài năng của người nghệ sĩ, họ không xem tuồng mà nghe tuồng.

Đào tạo diễn viên kế cận là công việc thường trực của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Thế nhưng, đào tạo lớp khán giả trẻ cho nghệ thuật tuồng cũng được tính đến, để tuồng không bị mai một trong đời sống hiện đại.

Hai trích đoạn tuồng Lê Lai liều mình cứu chúa và Trần Quốc Toản ra quân được nhà hát đưa vào biểu diễn tại các trường học, vừa là cách để HS làm quen với loại hình nghệ thuật này, vừa là để cho HS nhớ những bài học lịch sử.

Một số tiết mục biểu diễn của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh được tạo hình gần gũi với HS.

Cần một dự án dài hơi

Hai trích đoạn của Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh khi đưa vào giới thiệu cho học sinh trong chương trình “Đưa tuồng vào học đường” rất được các em hưởng ứng.

“Đây là những buổi học ngoại khóa, là kế hoạch dài hơi để những người làm nghệ thuật tuồng quảng bá nghệ thuật vào tầng lớp trẻ. Qua nhiều buổi biểu diễn mới thấy, tuy nghệ thuật tuồng với phần lớn HS còn nhiều mới lạ, hầu như các em chưa biết gì về tuồng nên có phần bỡ ngỡ nhưng rất hào hứng đón xem.

Đặc biệt, với HS các trường THCS, THPT, sau buổi biểu diễn, các em còn giao lưu với các nghệ sĩ về những nhân vật tuồng tiêu biểu… Sự nhiệt thành đón nhận vở diễn của các em là niềm động viên tinh thần rất lớn đối với các nghệ sĩ.

Chúng tôi đang làm những gì có thể để có được khán giả, để tuồng duy trì được sức sống”, ông Tuấn nhấn mạnh. Tuy nhiên, cách làm hiện nay của nhà hát là phải chủ động phối hợp với các trường để sắp xếp thời gian biểu diễn theo yêu cầu, chứ không thuộc dự án nào, nên không thường xuyên và không phổ biến rộng khắp các trường.

Qua những chương trình liên kết với ngành Giáo dục tổ chức hay những lần đưa đoàn về các vùng nông thôn ở Hòa Vang, các huyện của Quảng Nam, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh phát hiện ra nhiều diễn viên tài năng bổ sung cho đội ngũ diễn viên kế cận của nhà hát.

Năm 2017, nhà hát tuyển mới 20 diễn viên và đã gửi 15 em đào tạo ở Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh trong thời gian 4 năm để lấy bằng trung cấp. 12 trong số 15 em này vừa được nhà hát tuyển dụng sau khi đã vượt qua kỳ sát hạch. Đội ngũ này được kỳ vọng là lớp diễn viên kế cận của nghệ thuật tuồng truyền thống xứ Quảng.

Thế nhưng, trong các loại hình truyền thống thì nghệ thuật tuồng là khó khăn hơn cả về tiếp cận công chúng. Thế nên, có nhiều ý kiến cho rằng, để giới trẻ biết, hiểu và yêu nghệ thuật tuồng không thể chỉ bằng vài buổi tiếp xúc với tuồng.

Trước đó, dự án Sân khấu học đường được triển khai ở các trường tiểu học, THCS trong các năm 2004, 2006, nhằm đào tạo lớp khán giả cho tuồng. 15 năm qua, dự án này không còn tổ chức cũng là một thiệt thòi cho nhà hát cũng như chính học sinh, bởi khi được đào tạo, các em sẽ hiểu hơn về nghệ thuật truyền thống, để có thể yêu thích và lựa chọn loại hình nghệ thuật nào để thưởng thức.

Chúng tôi rất kỳ vọng những buổi biểu diễn trong chương trình “Tuồng vào trường học”, nếu làm được tốt, sẽ giúp nhiều thế hệ HS yêu thích tuồng, trân trọng những giá trị nghệ thuật truyền thống nhằm tạo được những khán giả kế cận. Và biết đâu, trong số những em đang chăm chú ngồi xem, sẽ có em trở thành diễn viên tuồng trong tương lai. NSƯT Nguyễn Ninh (Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh).

To Top