EU muốn hợp lực với Mỹ trong vấn đề khí hậu và kinh tế số

Ủy ban châu Âu đã cam kết cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính ròng xuống 0 vào năm 2050, trong khi Tổng thống Joe Biden cũng đưa ra cam kết tương tự cho nền kinh tế Mỹ.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. Ảnh: AFP/TTXVN

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen mới đây đã phát biểu rằng châu Âu và Mỹ nên hợp lực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và đạt được một khuôn khổ mới cho thị trường kỹ thuật số, hạn chế quyền lực của các công ty công nghệ lớn.

Phát biểu trên được bà von der Leyen đưa ra tại Hội nghị An ninh Munich được tổ chức trực tuyến vào ngày 19/2. Tại sự kiện, bà khẳng định rằng một cam kết xuyên Đại Tây Dương về lộ trình không phát thải ròng vào năm 2050 sẽ làm cho tính trung lập về khí hậu trở thành một tiêu chuẩn toàn cầu mới.

EU đã cam kết cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính ròng xuống 0 vào năm 2050, trong khi Tổng thống Joe Biden cũng đưa ra cam kết tương tự cho nền kinh tế Mỹ.

Các nhà khoa học cho biết thế giới phải đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu lên 1,5 độ so với thời kỳ tiền công nghiệp và ngăn chặn những tác động thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, bà von der Leyen cũng đề cập rằng Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ có thể cùng tạo ra một bộ quy tắc về nền kinh tế kỹ thuật số có giá trị trên toàn thế giới.

Chủ tịch von der Leyen đề cập tới sự việc Facebook tạm hoãn tính năng chia sẻ tin tức tại Australia (Ôx-trây-li-a) để đáp lại dự luật yêu cầu mạng xã hội này và Google chia sẻ doanh thu với các hãng truyền thông địa phương. Bà cho rằng sự kiện nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm ra cách tiếp cận toàn cầu để đối phó với những “đại gia” công nghệ này.

Theo giới quan sát, bà von der Leyen đang đề cập đến một bộ dự thảo quy tắc được công bố vào tháng 12/2020 nhằm mục đích kiềm chế các công ty công nghệ kiểm soát hàng loạt dữ liệu và nền tảng trực tuyến, vốn được hàng nghìn công ty và hàng triệu người dân châu Âu sử dụng để làm việc và duy trì tương tác xã hội.

Chúng cho thấy sự nóng vội của EC đối với các vụ kiện chống độc quyền đối với những “gã khổng lồ” công nghệ, đặc biệt là Google của Alphabet Inc. Các nhà phê bình cho rằng những vụ kiện đó đã không giải quyết được vấn đề.

Song bộ quy tắc này cũng có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng giữa Brussels với Washington, vốn đã bị ảnh hưởng bởi nỗ lực tăng thuế áp lên các công ty công nghệ Mỹ của phía EU./.

H.Thủy (Theo Reuters)

To Top