Gây khó cho trường nghề và học sinh hệ 9+

Theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, từ năm học 2021 - 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) sẽ không thực hiện việc tuyển sinh vào lớp 10 giáo dục thường xuyên cấp THPT.

Tuy nhiên, Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 đã cho phép các cơ sở GDNN được dạy văn hóa. Điều này khiến các cơ sở GDNN lúng túng, khó khăn trong việc bố trí sắp xếp giáo viên; còn học sinh theo học chương trình 9+ có thể phải đi lại nhiều nơi để theo đuổi cả học nghề và văn hóa.

Các học sinh theo học mô hình 9+ tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa. Ảnh: Văn Lý

Hàng trăm nghìn học sinh, giáo viên bị ảnh hưởng

Theo thống kê, hơn 300.000 học sinh đang theo học song song văn hóa và kỹ năng nghề trong các trường trung cấp, cao đẳng hay còn gọi là mô hình 9+. Theo qui định mới của Bộ GD&ĐT, nếu muốn được dự thi tốt nghiệp THPT thì phải về các trung tâm giáo dục thường xuyên để học. Hiện nhiều trường nghề đã đầu tư, bố trí đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ để giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên bậc THPT theo luật từ nhiều năm trước Quy định mới này của Bộ GD&ĐT đã buộc các trường nghề phải đóng cửa và dừng các hoạt động dạy học văn hóa cho học sinh đang học nghề.

Tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa, sau học kỳ này, các em sẽ không còn học tại đây bởi trường sẽ dừng dạy văn hóa. Nhiều học sinh còn chưa biết sang năm lớp 12 sẽ học ở đâu?

Khi quyết định theo học tại đây, các em đều xác định ra trường có 2 bằng - văn hóa và học nghề để sớm có việc làm và tự lập. Em Hoàng Thị Giang (Lớp 11, hệ 9 cộng, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa) rất lo lắng khi được biết về chính sách mới của Bộ GD&ĐT.

Thầy Lê Văn Minh, Trưởng khoa Khoa học cơ bản, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa cho biết: Việc bố trí học văn hóa một nơi khác sẽ khó khăn trong bố trí chuyên môn. Từ 3 năm trước, để đảm bảo việc tốt nghiệp THCS qua vừa học văn hóa, vừa học nghề một cách tập trung, trường đã bố trí khu giảng đường riêng với đầy đủ phòng học, phòng chức năng và tuyển 50 giáo viên, mua sắm trang thiết bị để dạy hơn 1.000 học viên hệ 9+. Tuy nhiên, việc dừng dạy văn hóa sẽ đẩy nhiều giáo viên thất nghiệp và lãng phí cơ sở vật chất. Mô hình đào tạo 9+ cho phép học sinh tốt nghiệp THCS có thể học song song văn hóa và kỹ năng nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng nghề. Thế nhưng để được dự thi tốt nghiệp THPT, học sinh lại phải quay về các trung tâm GDTX để học. Quy định này khiến việc học tập sinh hoạt của các học sinh gặp nhiều khó khăn.

Ông La Ngọc Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa cho rằng: Thực hiện theo Công văn số 651/SGDĐT-QLĐT&GDTX ngày 10/3/2021 của Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa về "Việc dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp" sẽ khiến chúng tôi khó đạt chỉ tiêu tuyển sinh.Cùng một đối tượng học viên nhưng lại chịu sự quản lý của 2 đơn vị là trường cao đẳng dạy nghề và trung tâm giáo dục thường xuyên dạy văn hóa. Chưa kể hàm lượng học văn hóa sao cho phù hợp với định hướng học nghề cũng đang vướng mắc.

Cần đặt quyền lợi của học sinh lên hàng đầu

Cả nước có hơn 300.000 học sinh THPT đang vừa học văn hóa, vừa học nghề. Thay vì phải kéo dài thời gian học tập với 3 năm THPT và 2 - 4 năm cao đẳng hay đại học thì chỉ sau 3 năm vừa học văn hóa, vừa học nghề, các em có thể bước chân vào thị trường lao động với đầy đủ kỹ năng của người thợ trình độ trung cấp.

Một số trường nghề cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua cho thấy, học sinh học văn hóa tại trường nghề có kết quả cao do được bố trí đủ giáo viên, cơ sở vật chất. Trong khi đó, các trung tâm giáo dục thường xuyên rất khó đảm nhiệm dạy văn hóa có cả nghìn học sinh cùng lúc.

Điều 5 Chỉ thỉ số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ qui định rõ nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT như sau: Chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH thực hiện tốt công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ và có cơ chế đánh giá, giám sát việc thực hiện các hoạt động này tại các địa phương; ban hành quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT và hướng dẫn việc dạy học, cấp giấy chứng nhận đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN trong quý III/2020; nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho người học GDNN có nhu cầu liên thông lên giáo dục đại học."

Việc dạy văn hóa trong các cơ sở GDNN đang được thực hiện ổn định, thuận lợi cho học sinh học văn hóa và học nghề ngay tại trường nghề thì nay Bộ GD&ĐT qui định việc học văn hóa phải chuyển về các Trung tâm GDTX, trong khi hệ thống này hiện nơi đã sát nhập, nơi giải thể và nhiều trung tâm cơ sở vật chất không đảm bảo, năng lực quản lý yếu kém. Mặt khác, học sinh vừa tốt nghiệp lớp 9 vào học tại các cơ sở GDNN có thể lực còn nhỏ, tâm sinh lý chưa trưởng thành lại phải di chuyển giữa hai trung tâm để hoàn thành việc học nghề và văn hóa song song vừa bất tiện và nguy cơ không đảm bảo về an toàn giao thông (tại các địa phương, trung tâm giáo dục thường xuyên thường cách xa trường nghề).

Với quan điểm đặt quyền lợi của học sinh lên hàng đầu và gần đây nhất là Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép các trường trung cấp, cao đẳng đủ điều kiện được dạy dạy văn hóa cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề hệ trung cấp. Tuy nhiên đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT vẫn chưa ban hành được quy định về khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN theo quy định của Luật Giáo dục. Việc đặt quyền lợi của học sinh đang theo hệ đào tạo 9+ là quan trọng nhất và cần có sự linh hoạt để không thiệt thòi cho các em, ảnh hưởng đến việc đào tạo nguồn nhận lực có kỹ năng và tay nghề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

VĂN LÝ

To Top