Giữ lại bằng chứng lịch sử, thách thức trong thời đại số

Các tác phẩm điện ảnh Việt Nam, bao gồm: Phim truyện, phim tài liệu, tư liệu điện ảnh về chủ quyền, các sự kiện lịch sử, danh nhân đất nước... chính là di sản quý của quốc gia cần được bảo tồn.

Tuy nhiên, theo thời gian, dù trong điều kiện bảo quản lý tưởng nhất, các tác phẩm điện ảnh cũng không thể tồn tại lâu dài. Đây cũng là thách thức không nhỏ đặt ra đối với các đơn vị lưu trữ phim trong công tác lưu trữ, bảo quản và số hóa phim trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay.

Những bằng chứng lịch sử không thể để mất

Chúng tôi đến Viện Phim Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đúng thời điểm kho phim của viện đang được sửa chữa, đầu tư nâng cấp hệ thống dàn lạnh. Kho phim này được xây dựng hiện đại với 4 tổ dàn máy lạnh do Cộng hòa Liên bang Đức sản xuất, đạt các thông số kỹ thuật ổn định (với nhiệt độ 10 +- 2oC; độ ẩm 30 +- 5%RH). Vừa kiểm tra thực tế và sắp xếp lại các hộp phim trong kho, bà Đinh Thị Thúy Chinh, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Bảo quản (Viện Phim Việt Nam) vừa giới thiệu cho chúng tôi về công tác lưu trữ và bảo quản phim của viện. Là cơ quan lưu trữ hình ảnh động quốc gia, hiện kho phim ở hai địa điểm Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, lưu trữ gần 80.000 cuốn phim nhựa các loại và một số lượng lớn băng đĩa ở nhiều dạng khác nhau. Trong số này có những phim thời sự, tài liệu, phóng sự quý hiếm như: Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại biểu Chính phủ Việt Nam sang thăm Pháp (1946), Bác Hồ ở Việt Bắc (1951), Bạch Long Vĩ anh hùng (1964)... Ngoài những bản phim cỡ 16mm và 35mm thông dụng, Viện Phim Việt Nam cũng đang lưu trữ khoảng hơn 100 cuốn loại phim cỡ 8mm.

Cầm một cuốn phim cỡ 8mm để phân loại cho chúng tôi với phim cỡ 16mm và 35mm, bà Chinh cho biết: “Đây là những thước phim rất quý hiếm. Hiện nay, những máy móc để trình chiếu cho phim cỡ 8mm gần như không còn vì đã quá cũ và cổ. Những thước phim này là hành trình lịch sử hình ảnh động của dân tộc, nếu hỏng sẽ không thể làm lại được. Vì vậy, chúng tôi luôn ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của kho phim”. Tuy nhiên, dù là đơn vị lưu trữ tư liệu điện ảnh quy mô và lớn nhất cả nước nhưng công tác bảo quản và khai thác phim hiện nay ở Viện Phim Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, nhất là việc in chuyển phim nhựa sang định dạng khác để lưu trữ. Trong khi đó, trang thiết bị, máy móc dùng cho tu sửa, phục hồi phim nhựa và nhân lực có tay nghề vững rất hạn chế.

“Kho tư liệu của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương là di sản thế giới đang có nguy cơ không sử dụng được, nếu tình trạng lưu trữ không được cải thiện thì các cuốn phim có tuổi thọ hơn 60 năm, trong tương lai sẽ bị hỏng hoàn toàn”, những nhận xét của một chuyên gia người Bỉ trong chuyến công tác sang Việt Nam để khảo sát thực tế tại kho phim nhựa của hãng phim này vào năm 2013 là lời cảnh báo về tính cấp thiết và trách nhiệm cần phải bảo quản nghiêm ngặt kho di sản điện ảnh mà hãng đang lưu trữ. Được thành lập từ năm 1956 tới nay, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đang lưu trữ gần 12.000 cuốn phim nhựa cỡ 35mm, 16mm. Trong đó có nhiều mảng tư liệu về chiến tranh, ghi lại trong những năm tháng chiến đấu hào hùng của dân tộc. Đây là những tư liệu vô cùng quý giá cho muôn đời sau qua tiến trình phát triển của đất nước.

Cán bộ Viện Phim Việt Nam kiểm tra thực tế tại kho bảo quản phim với nhiệt độ 10 +- 2oC; độ ẩm 30 +- 5%RH (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Đặt giá trị của di sản lên hàng đầu nên thời gian qua, hãng phim rất coi trọng việc lưu trữ, bảo quản. Theo bà Đặng Thị Kim Sơn, Trưởng phòng Tư liệu, Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, hằng năm, Phòng Tư liệu lập hồ sơ danh mục phim xuống cấp và đưa ra giải pháp, đồng thời báo cáo với ban lãnh đạo hãng sớm có biện pháp để cứu vãn tư liệu lưu trữ rất quý, có giá trị lớn kể trên. Từ năm 2014, hãng đã được phê duyệt dự án nâng cấp, tu sửa và số hóa một số phim nhằm hạn chế sự xuống cấp và hỏng hẳn. “Quá trình làm còn mang tính thủ công, chưa khoa học và bài bản nên chúng tôi rất mong nhận được những chia sẻ kinh nghiệm của các đơn vị lưu trữ khác”, bà Sơn bộc bạch.

Số hóa kho phim-nhiệm vụ cấp thiết

Theo phân tích của bà Đinh Thị Thúy Chinh, nếu như trên thế giới không còn sản xuất những máy móc để rửa phim, chiếu phim cỡ 35mm, 16mm hay 8mm vì đã quá cũ và cổ thì giá trị của di sản điện ảnh sẽ được phát huy ra sao? Câu hỏi này khiến các đơn vị lưu trữ phim trong nước đang phải chuyển sang lưu trữ trên định dạng kỹ thuật số. Việc lựa chọn giải pháp này là xu thế tất yếu, đã được các nước trên thế giới áp dụng từ nhiều năm nay. Công nghệ số không chỉ làm thay đổi bản chất lưu trữ dữ liệu mà còn thay đổi cả phương thức trình chiếu và phát hành phim. Tuy nhiên, tại một số đơn vị lưu trữ, để số hóa toàn bộ kho phim với khối lượng phim đồ sộ như hiện nay không phải là việc dễ dàng. Bởi chi phí để lưu trữ phim bằng công nghệ số rất đắt, trong khi điều kiện kinh tế của các đơn vị lưu trữ lại hạn hẹp.

Kho phim cơ sở Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện nay đang lưu giữ hơn 3 vạn tư liệu phim ảnh gốc về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Để khối tài sản quốc gia này có tuổi thọ lâu dài, từ năm 2014 đến nay, bảo tàng đã thực hiện chuyển hình ảnh của 32.797 phim gốc sang định dạng số. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Hương Giang, Phó trưởng Phòng Kiểm kê, bảo quản của bảo tàng, để công tác quản lý, lưu trữ, bảo quản và phát huy giá trị của từng tư liệu hiệu quả nhất cần có phần mềm quản lý phù hợp. Đây là cách lưu giữ hiện đại nhất, phù hợp với thời đại công nghệ 4.0 hiện nay. Công việc này cần phải có định hướng dài hơi và xây dựng kế hoạch phù hợp với thực tế. Đặc biệt, trong công tác quản lý, bảo quản phim luôn cần sự quan tâm của các cấp quản lý, có sự đầu tư kinh phí hoạt động và đào tạo con người.

Nhân viên kỹ thuật Viện Phim Việt Nam thực hiện công tác số hóa phim (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

Từ năm 2015, Viện Phim Việt Nam được trang bị hệ thống máy quét phim sang file số độ phân giải tối đa là 2K. Đến nay, viện đã số hóa được khoảng 4.000 cuốn phim. Ông Lê Tuấn Anh, Phó trưởng phòng Kỹ thuật, Viện Phim Việt Nam thừa nhận rằng, con số này còn rất khiêm tốn mặc dù máy quét phim đã hoạt động hết công suất. Để đẩy nhanh tốc độ số hóa bộ sưu tập phim của mình, viện đã phải thuê dịch vụ kỹ thuật bên ngoài để quét phim sang file số độ phân giải 4K. Chi phí trên rất đắt đỏ, được trích từ nguồn ngân sách eo hẹp của viện nên việc làm này cũng không được thực hiện một cách thường xuyên. Trong khi trang bị máy quét phim độ phân giải tối đa 4K đang là mục tiêu phấn đấu của Viện Phim Việt Nam thì máy quét này đã được sử dụng khá phổ biến từ nhiều năm trước tại các nước trên thế giới. Tại thời điểm này, các hãng công nghệ đang chào bán những dòng máy quét phim có độ phân giải 5K-6,5K, thậm chí đã xuất hiện các dòng máy quét có độ phân giải tối đa lên đến hơn 10K. Điều này thể hiện sự tụt hậu rõ rệt về mặt công nghệ mà các đơn vị lưu trữ phim trong nước đang phải đối mặt.

Những nỗ lực trong công tác lưu trữ và bảo quản di sản điện ảnh của các đơn vị lưu trữ cho thấy vẫn chưa thấm vào đâu so với tiềm năng vốn có. Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó viện trưởng phụ trách Viện Phim Việt Nam cho rằng: “Dù gặp nhiều khó khăn nhưng mỗi đơn vị cần căn cứ vào điều kiện thực tế xây dựng chiến lược số hóa phù hợp để đạt đến đích cuối cùng là bảo tồn di sản điện ảnh bằng khai thác phục vụ cộng đồng một cách tối đa và chính thống vì lợi ích của quốc gia, dân tộc. Đây cũng là trách nhiệm của các đơn vị lưu trữ phim”.

Bài và ảnh: NGUYỄN HOÀI

To Top