Giữ lửa nghề trên sân khấu xiếc

Dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến sân khấu biểu diễn cả nước, trong đó sân khấu tròn của nghệ thuật xiếc không phải ngoại lệ.

Nhiều hợp đồng diễn bị hủy, chương trình lớn được đầu tư chưa thu được vốn, nghệ sĩ xiếc một lần nữa lao đao với bài toán kinh tế.

Nỗ lực vượt khó
Những ngày cuối tháng 4, tranh thủ thời điểm dịch Covid-19 tạm lắng, cuộc thi Tài năng Xiếc toàn quốc năm 2021 được tổ chức tại Hà Nội. Ngay sau khi kết thúc cuộc thi, đã có một số ban tổ chức các cuộc thi và nhà tổ chức biểu diễn trong và ngoài nước hỏi han, tiếp cận. Theo Ban Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, nếu không vì dịch bệnh, Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ nhận được rất nhiều hợp đồng biểu diễn dài hạn ở nước ngoài.

Nghệ sĩ xiếc nỗ lực giữ lửa trên sân khấu tròn. Ảnh: Lại Tấn

Theo NSND Tạ Duy Ánh – Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam: Hiện nay, đời sống nghệ sĩ biểu diễn xiếc rất khó khăn, nhất là ở các đoàn địa phương. Đây là môn nghệ thuật rất đặc thù, nghệ sĩ không có các show biểu diễn thì vẫn phải tập luyện thường xuyên, nếu không sẽ khó giữ được nghề. Chỉ có tình yêu nghề tha thiết và quyết tâm cao thì nghệ sĩ mới gắn bó được với nghệ thuật xiếc, động viên nhau vượt qua khó khăn hiện nay.

Trong bối cảnh đó, để hỗ trợ các nghệ sĩ trẻ, từ năm 2020, Bộ VHTT&DL đã hỗ trợ cho 12 nhà hát trực thuộc Bộ sáng đèn nhằm thu hút khán giả trở lại thói quen tới sân khấu. NSND Tống Toàn Thắng - Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ: “Hiện, Liên đoàn Xiếc Việt Nam hợp đồng với 60 diễn viên trẻ bằng nguồn tự thu của đơn vị. Họ là lực lượng nòng cốt, nhân tố chủ lực để tạo nên sức bật cũng như sức sống mới cho các tiết mục và chương trình biểu diễn. Vì vậy, họ không thể rơi rụng được.

Hiện nay, Ban Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cố gắng duy trì căng tin ăn trưa cho diễn viên tập luyện. Một bữa ăn miễn phí không là bao nhưng hỗ trợ cho diễn viên trẻ có động lực đi tập. Điều đáng nói là mặc dù vô cùng khó khăn, đòi hỏi về nghề của nghệ thuật xiếc cũng rất khắc nghiệt, nhưng lớp nghệ sĩ trẻ vẫn luôn nuôi giữ ngọn lửa đam mê và tình yêu với nghệ thuật xiếc”.
Bắt tay với doanh nghiệp để làm nghệ thuật
Làm thế nào để lôi kéo được nhiều người đến với sân khấu, mở rộng địa bàn hoạt động là mục tiêu của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Năm 2021, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã kết hợp với Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng thành công vở “Cây gậy thần” và đang tiếp tục dựng vở “Thượng Thiên Thánh Mẫu”. Theo NSND Tống Toàn Thắng, vào dịp 20/10, Liên đoàn Xiếc Việt Nam dự định sẽ dựng một vở diễn kết hợp giữa rock và xiếc để thu hút giới trẻ. “Tôi còn muốn dựng bi kịch Hamlet với hình thức nhạc kịch - xiếc.

Xiếc có ngôn ngữ và ưu thế riêng để có thể kết hợp được nhiều loại hình nghệ thuật sân khấu cùng tham gia. Sự kết hợp đó sẽ làm phong phú hơn đối tượng khán giả của xiếc. Mục tiêu của tôi là biến rạp xiếc thành trung tâm biểu diễn nghệ thuật. Chính vì vậy, đòi hỏi phải có sự đầu tư về sân khấu, trang thiết bị, con người để làm sao đáp ứng được nhu cầu của thị trường giải trí đương đại” – NSND Tống Toàn Thắng cho hay.
Đồng thời, trong những năm qua, xiếc Việt Nam đã nâng tầm chuyên nghiệp và khẳng định tên tuổi ở nhiều cuộc thi quốc tế. Kỹ thuật xiếc ở đâu cũng giống nhau nhưng để làm nên bản sắc riêng thì xiếc Việt có cách đi riêng của mình. Bên cạnh việc hiện đại hóa các tiết mục theo xu hướng quốc tế, yếu tố truyền thống và văn hóa luôn được Liên đoàn Xiếc Việt Nam hướng tới, đó là phần âm nhạc, đạo cụ, trang phục phải thể hiện ra được chất liệu Việt.
Mới đây, một số DN có bày tỏ mong muốn đồng hành cùng Liên đoàn Xiếc Việt Nam trong những vở diễn mới như “Cây gậy thần”. Một DN khác cũng đặt đạo diễn Tống Toàn Thắng làm một vở cải lương - xiếc về bà Chúa Xứ như món quà nghệ thuật tặng cho một tỉnh miền Tây. Những tín hiệu vui đó khiến nghệ sĩ xiếc có thêm động lực để tìm mọi cách bảo toàn lực lượng, cùng nhau giữ nghề, cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Minh An

To Top