Hà Giang: Con trâu trong đời sống văn hóa người La Chí

Con trâu – con vật hiền lành, chăm chỉ, gắn liền với cuộc sống của những người nông dân cần cù, chịu khó ở các làng quê Việt Nam. Đối với người La Chí ở Hà Giang, con trâu còn là sợi dây liên kết giữa đồng bào với các đấng thần linh.

Vai trò trong sản xuất

Đồng bào La Chí sinh sống chủ yếu tại Hà Giang. Ảnh tư liệu

Cộng đồng người La Chí ở Hà Giang hiện có khoảng gần 14 ngàn người (chiếm tỷ lệ khoảng 92% trong tổng số người La Chí tại Việt Nam), phân bố ở các huyện: Hoàng Su Phì, Quang Bình, Bắc Quang và Xín Mần. Về nguồn gốc lịch sử tộc người của dân tộc La Chí hiện có rất ít tư liệu đề cập đến một cách chi tiết. Theo ông Ly Chính Thanh, nghệ nhân ưu tú dân tộc La Chí hành nghề thầy cúng hiện sinh sống thôn Cum Pu, xã Bản Phùng của huyện Hoàng Su Phì và theo nội dung các bài cúng tế trong Lễ hội Cu cù tê và lễ cúng mở kho xin giống trên miếu thờ Hoàng Vần Thùng tại thôn Lủng Cẩu, xã Bản Phùng, huyện Hoàng Su Phì thì các nhóm người La Chí di cư đến nước ta được chia làm nhiều đợt, trong đó khu vực phía tây tỉnh Hà Giang gồm các huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần là nơi định cư đầu tiên của họ. Đợt thứ nhất cách nay khoảng 800 năm, đợt sau cùng cách đây khoảng hơn 200 năm.

Do cư trú trên địa bàn có địa hình phức tạp, hầu hết là khu vực núi cao, độ dốc lớn nên hoạt động sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu kinh tế của người La Chí. Qua tìm hiểu quá trình hình thành ruộng bậc thang trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì và tại các hộ người dân tộc La Chí trên địa bàn tỉnh Hà Giang cho thấy cách đây trên dưới 200 năm người La Chí đã biết khai phá và canh tác lúa nước.

Con trâu có vai trò quan trọng trong đời sống người La Chí

Trâu (người La Chí gọi là Co) là loại vật nuôi quan trọng nhất, đồng thời cũng là tài sản lớn nhất của người La Chí. Bình quân mỗi nhà phải có ít nhất từ 1 - 2 con để làm sức kéo, những nhà khá giả thì có từ 5 - 7 con và hầu hết là do đàn trâu của gia đình sinh sản và phát triển thành đàn. Trong mỗi hộ gia đình dân tộc La Chí thường có một đôi trâu gồm trâu đực và trâu cái để vừa phục vụ cày kéo vừa để sinh sản. Đối với những hộ mới tách hộ thì được bố mẹ cho một trâu cái để làm giống và cày kéo. Trước đây, hầu hết đàn trâu của người La Chí được chăn thả tự do theo đàn trên các bãi cỏ hoặc sườn đồi, đến cuối buổi chiều mới dắt về chuồng hoặc gầm nhà.

Nhưng khoảng hơn 10 năm trở lại đây các hộ gia đình người La Chí đã biết tận dụng những khoảng đất trống để trồng cỏ và chuyển từ hình thức chăn thả tự nhiên sang chăn nuôi nhốt. Vì vậy đã giúp bảo vệ được đàn gia súc trong những ngày đông giá rét.

Khác với các dân tộc khác cùng sinh sống trên địa bàn là chỉ mới biết sử dụng phân chuồng trong vài chục năm trở lại đây và đa số là phơi khô phân rồi đốt thành tro sau đó mới đem bón, ngược lại, người La Chí đã biết sử dụng phân chuồng (phân trâu) cách đây hàng trăm năm và họ biết ủ phân cho hoai mục rồi mới đem bón nhằm diệt các loại hạt cỏ dại và các loại sâu bệnh khác có trong phân. Do vậy hầu hết năng suất cây trồng của người La Chí đều cao hơn so với các dân tộc khác canh tác trên cùng địa bàn.

Giá trị là vậy nên cùng với nhà cửa, ruộng vườn, tiền bạc thì theo phong tục của đồng bào La Chí, con trâu còn là một tài sản lớn được nhiều người để lại cho con cái …

Con trâu trong đời sống văn hóa

Người La Chí mổ trâu trong lễ cúng rừng. Ảnh Hoàng Tính (tư liệu)

Không chỉ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, con trâu còn gắn liền với văn hóa, tín ngưỡng của người La Chí ở Hà Giang. Là nguồn sức kéo chủ lực phục vụ sản xuất nông nghiệp nên người La Chí rất coi trọng trâu cũng như các sản phẩm từ con trâu như thịt, da, sừng trâu... đều được người La Chí sử dụng làm món ăn và đồ cúng tế trong các dịp lễ tết, nghi lễ, cưới hỏi, trong đó món thịt, gân và lòng trâu được dùng để nấu thắng cố hoặc xào, xương trâu để nấu món canh với rau, củ quả, một phần da trâu được nấu thắng cố cùng với thịt, gân và lòng...

Uống rượu bằng sừng trâu trong dịp tết Cu cu tế: Ảnh: Triệu Tình (tư liệu)

Ngày Tết Cu cù tê (Khu cù tê) theo tiếng La Chí tức là "Tết uống rượu, đây là ngày tết quan trọng nhất trong một năm của người La Chí. Về nguồn gốc lễ thức, đây là tết cúng Hoàng Vần Thùng và cúng ông bà tổ tiên đã mất. Đồng thời đây cũng là dịp những người trong dòng họ có dịp gặp nhau, thể hiện tinh thần gắn kết cộng đồng, đồng thời cầu cho cuộc sống ấm no gia đình hạnh phúc. Tết Cu cù tê được tổ chức từ ngày 1 đến 14 tháng 7 âm lịch hàng năm. Đây là thời điểm sau khi bà con đã cấy xong, làm lễ để mong cho một mùa màng bội thu, cả làng bình yên và có được sức khỏe tốt. Trong lễ cúng thì thịt trâu là thực phẩm bắt buộc phải có để cúng tổ tiên. Con trâu được chọn để hiến tế, làm sợi dây liên kết với các đấng thần linh.

Cũng trong dịp lễ này, người La Chí chủ yếu uống rượu hoẵng, khi uống người ta đổ nước lạnh vào rồi chắt lấy rượu có màu trắng đục ra để uống. Về cách thức uống, nam giới dùng sừng trâu thay chén còn phụ nữ uống bằng bát.

Người La Chi quan niệm, sừng trâu là vật rất linh thiêng của dân tộc mình, là vật kết nối giữa con cháu với tổ tiên như: Thay lời mời gọi tổ tiên về quây quần bên con cháu trong các dịp lễ, tết, giúp con cháu gửi lời nhắn nhủ tới các tổ tiên rằng “trong thời gian tháng Bảy âm lịch này không được đi lang thang, không đi xin ăn mà hãy về quây quần bên con cháu trong ngày lễ, tết”... Trong lễ cúng tổ tiên dịp Tết Cu cù tê, trên mâm có mấy cái sừng trâu, đồng nghĩa là gia đình đó thờ mấy ông trong 3 đời. Tùy theo các dòng họ trong làng, nhà đông người nhất thì có 5 đến 6 sừng trâu, ít nhất có 3 sừng. Nên những chiếc sừng trâu trên bàn thờ của người La Chí chỉ được dùng uống rượu khi cúng tế, còn trong ngày thường ăn uống giao lưu không được dùng những chiếc sừng trâu trên bàn thờ.

Tết Cu cù tê đã được Bộ văn hóa thể thao & Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2684/QĐ - BVHTTDL ngày 25/8/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch.

Ngoài ra, theo truyền thống, người La Chí con có tục cúng đầu trâu cho người chết. Mặc dù việc cúng đầu trâu được thực hiện với quy mô hộ gia đình, song quá trình tổ chức lại có sự tham gia của cả cộng đồng. Khi có người thân trong gia đình chết đi, gia đình và bản làng sẽ mổ trâu cúng giỗ. Chiếc đầu của con trâu được cắm trên đầu cây gậy mang ra chôn trước mộ của người chết.

Trong nhà mỗi gia đình người La Chí đều treo đầy thịt trâu khô, da trâu khô trên gác bếp, mặc dù ngày nay đời sống cũng đã có nhiều thay đổi, song người La Chí vẫn giữ nguyên các tập tục này.

Hiện nay, do máy móc, dụng cụ sản xuất nông nghiệp phát triển mạnh nên nhu cầu về sức kéo đối với trâu đã giảm mạnh so với trước. Tuy nhiên con trâu vẫn là tài sản quan trọng và lớn nhất, là tiêu chí đánh giá mức độ giàu nghèo trong cộng đồng người La Chí. Vì vậy đàn trâu vẫn được các hộ gia đình đầu tư chăm sóc, mở rộng đàn và có xu hướng tăng trưởng.

Xã hội ngày càng phát triển nhưng con trâu vẫn là loài vật gắn bó và đã trở thành biểu tượng tốt đẹp trong đời sống sinh hoạt, văn hóa của đồng bào La Chí tại Hà Giang.

Lê Hoàn

To Top