Hố đen 'nuốt chửng' con mồi

Hố đen hút những sợi bụi được cho là dài vài trăm năm ánh sáng và rộng chưa đầy mười năm ánh sáng. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận định, hố đen không thực sự 'ăn' thường xuyên.

Hình ảnh hố đen “nuốt chửng” vật chất xung quanh.

Sử dụng Kính viễn vọng không gian Hubble và Kính thiên văn Rất lớn (VLT) của Đài thiên văn phía Nam châu Âu (ESO) và Kính thiên văn Atacama Large Millimeter Array (ALMA) ở Chile, các nhà khoa học đã chụp ảnh ở trung tâm của thiên hà có tên là NGC 1566.

“Nhóm kính thiên văn này đã cho chúng tôi một góc nhìn hoàn toàn mới về một hố đen siêu lớn, nhờ vào hình ảnh ở độ phân giải góc cao và hình ảnh toàn cảnh của môi trường xung quanh nó.

Bởi, nó cho phép chúng tôi theo dõi sự biến mất của các sợi bụi khi chúng rơi vào lỗ đen”, Almudena Prieto, tác giả chính của nghiên cứu mới và là nhà thiên văn học tại Viện Nghiên cứu Instituto de Astrofísica de Canarias (IAC) ở quần đảo Canary cho biết.

NGC 1566 nằm cách Trái đất khoảng 40 triệu năm ánh sáng và có một hố đen siêu lớn ở trung tâm. Các nhà khoa học đã kết hợp những hình ảnh do Kính viễn vọng không gian Hubble, VLT và ALMA thu được. Nhờ đó, ghi lại ảnh chụp nhanh trực tiếp của hố đen này. Hình ảnh cho thấy, hố đen khổng lồ đang hút những hạt bụi về phía nó.

Theo nghiên cứu, trước khi được tiêu thụ, vật chất bụi sẽ tăng tốc về phía hố đen với tốc độ lên tới 50 dặm (80 km/giây). Khi đến gần, các sợi bụi tách ra thành những vệt dài quay vòng quanh trung tâm của hố đen.

Đường xoáy kéo những vệt dài này đến gần hố đen hơn bao giờ hết trước khi bị hút vào. Hình ảnh hố đen cuốn theo những sợi bụi dài khoảng vài trăm năm ánh sáng được đánh giá là rất hấp dẫn.

Hố đen hút những sợi bụi được cho là dài vài trăm năm ánh sáng và rộng chưa đầy mười năm ánh sáng. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhận định, hố đen không thực sự “ăn” thường xuyên.

“Một hố đen không cần “ăn” nhiều để hoạt động. Theo tính toán của chúng tôi, tỷ lệ vật chất biến mất vào hố đen này mỗi năm nhỏ hơn nhiều so với 1/100 khối lượng của Mặt trời (tương đương khối lượng của 3.300 Trái đất)”, Prieto chia sẻ.

Theo Prieto, đây là lần đầu tiên hoạt động này của hố đen được chụp lại một cách trực tiếp.

“Chúng tôi đang chứng kiến sự ăn mòn này trong các hố đen khác, nhưng bằng chứng rõ ràng như vậy thật đáng kinh ngạc”, nhà thiên văn chia sẻ.

Nghiên cứu không chỉ tiết lộ thói quen “ăn uống” của hố đen ở trung tâm NGC 1566. Kết quả của nghiên cứu cũng cho thấy, các sợi bụi xoáy có thể gây ra sự tối đen ở trung tâm của nhiều thiên hà khi các hố đen ở lõi của chúng hoạt động.

Các nhà thiên văn bày tỏ hy vọng rằng, những phát hiện này sẽ giúp họ hiểu thêm về hoạt động của các hố đen siêu lớn, từ khi mới xuất hiện đến lúc trở thành vật thể mạnh nhất trong vũ trụ.

To Top