Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam

8 tháng năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 77,7 tỷ USD. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 82,1 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 đạt 30,96 tỷ USD

Thông tin này được ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM Bộ Công Thương chia sẻ tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 8/2022 được tổ chức sáng nay (30/8) tại Hà Nội.

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2022 ước đạt 33,38 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021. Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 8 tháng năm 2022, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8/2022 ước đạt 30,96 tỷ USD, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 246,84 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 8 tháng năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 94%.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 77,7 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 82,1 tỷ USD.

Cán cân thương mại hàng hóa: tháng 8/2022 ước tính xuất siêu 2,42 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,52 tỷ USD).

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM phát biểu tại sự kiện

Ông Phú cho rằng, trong thành tích xuất nhập khẩu có sự đóng góp của hoạt động XTTM với sự tích cực, nỗ lực của hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc chủ động nghiên cứu, đánh giá thị trường và các cơ chế chính sách mới về kinh tế, thương mại, đầu tư của nước sở tại để kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động XTTM để mở rộng, phát triển, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng, đẩy mạnh xuất khẩu.

Thị trường Tây Ban Nha phục hồi

Tại sự kiện, ông Vũ Chiến Thắng - Tham tán, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha, cho biết kim ngạch XNK của Tây Ban Nha có xu thế gia tăng và trạng thái nhập siêu với thế giới trong 3 năm qua đang dần được cải thiện

Nhiều mặt hàng Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu khả quan và đã duy trì tốt về thị phần tại thị trường Tây Ban Nha, điển hình là: nhựa và các sản phẩm nhưa; hạt tiêu; thủy sản; giày dép các loại; cà phê; quần áo; và đồ nội thất. Trong khi đó mặt hàng bị sụt giảm kim ngạch nhưng không đáng kể là điện thoại các loại và linh kiện với nguyên nhân chủ yếu là do sự suy giảm chung của mặt bằng giá quốc tế.

Hàng Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh ngày càng lớn chủ yếu từ các đối thủ như: Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Thổ-Nhĩ-Kỳ, Bangladesh, các nước Trung Nam châu Mỹ . Đặc biệt nhóm nước nói tiếng Tây Ban Nha hay là thuộc địa cũ ở Trung Nam châu Mỹ lâu nay được hưởng quy chế tiếp cận thị trường đặc biệt ưu đãi nên các sản phẩm nông lâm thủy sản xuất khẩu từ các nước này sang Tây Ban Nha chiếm ưu thế cả chủng loại mặt hàng và giá trị XK. Một số mặt hàng cụ thể của Việt Nam cũng được hưởng mức ưu đãi thuế quan nhập khẩu 0% hay rất thấp theo chế độ GSP của EU như cà phê nguyên liệu, hạt điều, thủy sản, may mặc,… cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ tại thị trường Tây Ban Nha.

Ngành may mặc của Việt Nam đang phải cạnh tranh khốc liệt tại thị trường Tây Ban Nha

Cũng theo ông Thắng, việc duy trì vị thế cạnh tranh của hàng Việt tại thị trường này gặp nhiều thách thức do sự gia tăng cao chi phí logistics, vận tải và kho vận, và phải cạnh tranh với các nước đối thủ chính như châu Mỹ La tin và Bắc Phi, nơi có ưu thế về địa lý, chi phí/thời gian vận chuyển hàng hóa và quan hệ truyền thống đặc biệt với cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha đông đảo.

“Đáng lưu ý, việc duy trì chất lượng và thương hiệu hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tại thị trường TBN vẫn đang là một thách thức không nhỏ cần phải lưu ý. Cụ thể trong thời gian qua, tính riêng trong thời gian đầu năm 2022 đến nay, Thương vụ đã nhận được văn bản thông báo của Bộ Y tế TBN về phát hiện ít nhất 8 trường hợp lô hàng nông sản của các doanh nghiệp Việt Nam có chất gây bệnh/chất cấm vượt quá mức cho phép hiện hành của EU, bao gồm: cà phê, nước sốt tiêu, khô soài, dừa quả, vải thiều, hạt điều, gạo và bột cà ri, do đó phía bạn đã áp dụng biện pháp tăng cường kiểm soát với các lô hàng tiếp theo ngay tại cảng đến sở tại” – ông Thắng cho hay.

Vị chuyên gia này đề nghị các DN Việt cùng xây dựng "thương hiệu chung" cho hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam với bạn hàng sở tại để vừa đảm bảo đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật vừa đảm bảo chỗ đứng "lâu dài" của hàng Việt tại thị trường sở tại; Tiếp tục theo dõi sát và kịp thời cập nhật khuyến cáo về Nhà, các cơ quan và hiệp hội doanh nghiệp liên quan về các các yêu cầu kỹ thuật và các trường hợp có thông báo vi phạm các yêu cầu kỹ thuật, kiểm dịch, an toàn môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm của các lô hàng xuất khẩu của Việt Nam đến Tây Ban Nha.

Bảo Phương

Đài PTTH Hà Nội

To Top