Hội đồng chuyên môn xem xét, trao đổi các phương pháp mới điều trị COVID-19

Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế vừa họp cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19; trong đó bàn đến việc sử dụng kháng thể đơn dòng, corticoid, thuốc chống đông, thuốc đông y trong điều trị COVID-19.

Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế họp cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19. Ảnh: Lê Hảo.

Ngày 7/7, Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã tổ chức họp Hội đồng chuyên môn cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 sau khi Tổ chức y tế thế giới ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng virus Corona mới (SARS-CoV-2) lần thứ 5.

Tại cuộc họp, Hội đồng chuyên môn đã xem xét và bàn luận các ý kiến về: Sử dụng kháng thể đơn dòng trong điều trị COVID-19; vấn đề sử dụng Corticoid; sử dụng thuốc chống đông; thuốc đông y (xuyên tâm liên) trong điều trị COVID-19 và tiêu chuẩn xuất viện của bệnh nhân COVID-19.

GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn khẳng định: Hiện cả thế giới chưa có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh COVID-19, chủ yếu điều trị triệu chứng, theo dõi sát bệnh nhân, hạn chế để tình trạng từ bệnh nhẹ chuyển thành bệnh nặng.Việc điều trị bệnh nhân luôn cần cá thể hóa vì diễn biến lâm sàng ở mỗi bệnh nhân khác nhau.

Theo đó, đối với việc sử dụng thuốc đơn dòng trong điều trị COVID-19, Bộ Y tế luôn tiếp cận các phương pháp điều trị, các phương pháp mới trên thế giới để điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Đối với những trường hợp đặc biệt, sau khi được Hội chẩn quốc gia, Hội đồng chuyên môn sẽ cân nhắc chỉ định thuốc đơn dòng hay không. (Thuốc đơn dòng, hiểu một cách đơn giản nhất là một dạng kháng thể đưa vào cơ thể người, để chống lại một loại tác nhân gây bệnh nhất định mà thuốc đã "ghi nhớ").

Theo đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đối với việc sử dụng thuốc đơn dòng trong điều trị COVID-19, Hội đồng chuyên môn cân nhắc vì ngoài vấn đề tài chính y tế, việc cấp phép lưu hành, thì việc sử dụng thuốc đơn dòng cũng chỉ trong được sử dụng dưới dạng thử nghiệm lâm sàng ở rất ít quốc gia.

Hội đồng chuyên môn cũng xác định đối với các tiêu chuẩn bệnh nhân ra viện vẫn tuân theo Quyết định 2008/QĐ-BYT.

Về các trường hợp tái dương tính với SARS-CoV-2 sau khi ra viện, theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, biểu hiện đó chỉ là biểu hiện của xác virus, không có khả năng lây lan. Bệnh nhân chỉ cần được tiếp tục cách ly và theo dõi tại nhà 7 ngày, không đưa bệnh nhân vào bệnh viện để hạn chế sự kỳ thị của người dân tại cộng đồng đối với người bệnh. Các chuyên gia cũng khuyến cáo, người bệnh không nhất thiết phải xét nghiệm lại vì virus không còn khả năng lây lan dịch trong cộng đồng.

Các góp ý của các chuyên gia tiếp tục được Hội đồng chuyên môn xem xét để sớm được ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 trên toàn quốc.

Cũng trong ngày 7/7, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tổ chức họp góp ý Tiêu chí cơ sở an toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban An toàn toàn tiêm chủng, Bộ Tiêu chí được xây dựng xây dựng trong bối cảnh Bộ Y tế tổ chức Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 quy mô lớn nhất từ trước đến nay và đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Bộ Tiêu chí cơ sở an toàn tiêm chủng giúp các cơ quan quản lý lập danh sách, theo dõi, giám sát được các cơ sở, điểm tổ chức tiêm chủng trên toàn quốc và công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng tại các cơ sở, điểm tổ chứctiêm chủng, đồng thời giúp các cơ sở tiêm chủng tự đánh giá, rà soát, khắc phục các nguy cơ chưa an toàn.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng đề nghị Bệnh viện Bạch Mai xây dựng video hướng dẫn quy trình tiêm chủng, hướng dẫn sơ, cấp cứu, theo dõi sau tiêm chủng… để hướng dẫn trên toàn quốc. Bên cạnh đó, các cán bộ, nhân viên y tế trực tiếp tham gia tiêm chủng vaccine COVID-19 phải được tập huấn về tiêm chủng, tập huấn về an toàn tiêm chủng bao gồm: Công tác xử trí cấp cứu, xử trí phản vệ. Công tác sàng lọc, phân loại đối tượng tiêm chủng tiếp tục phải thực hiện để sớm triển khai trên toàn quốc.

PV

To Top