Hồn của đá

Những viên đá vô tri trở nên có tình, có ý với những'tay săn' đá cảnh như ông Nguyễn Tấn Minh (65 tuổi), ở xã Đức Hiệp (Mộ Đức). Hơn 10 năm qua, ông Minh đã dành thời gian, tâm huyết để sưu tầm, khơi hồn cho đá.

Nghề chơi cũng lắm nhọc nhằn

Nói về cơ duyên đến với thú chơi đá cảnh, ông Minh chia sẻ: Ban đầu, tôi chỉ theo chân những người bạn xuống suối nhặt nhạnh vài hòn đá đem về nhà trưng bày. Dần dà, tình cảm dành cho đá ngày một lớn dần, như có sức hút mãnh liệt, khiến tôi quyết định đến với cuộc hành trình săn đá cảnh.

Ông Nguyễn Tấn Minh, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) đã sưu tầm gần 150 mẫu đá cảnh với nhiều hình thù, màu sắc độc lạ, ý nghĩa. Ảnh: H.Châu

“Trong một lần đi tìm đá, tôi nhìn thấy ý nghĩa của một viên đá qua hình thù của nó, nhưng khi nhặt lên, viên đá ấy đã không còn nguyên vẹn, khiến tôi rất xót xa. Với nhiều người không am hiểu, viên đá chỉ là vật vô tri vô giác, chẳng có giá trị gì. Muốn hiểu được đá, thì phải có thời gian thẩm thấu và một khi đã hiểu thì sẽ đam mê, dành mọi tâm huyết để tìm kiếm, khơi hồn, nâng niu những tác phẩm nghệ thuật của tạo hóa”, ông Minh bày tỏ.

Để sở hữu những mẫu đá cảnh tự nhiên, ông Minh đã lặn lội khắp núi rừng, sông suối săn tìm đá, bất kể trời nắng đổ lửa hay mưa tầm tã đều không khiến ông sờn lòng. Mỗi khi tìm được viên đá nào đó, ông Minh luôn tìm mọi cách bảo quản, nâng niu, không cho trầy xước trong quá trình vận chuyển về nhà.

Những tác phẩm vô giá

Với ông Minh, đá như người bạn tri kỷ, nhưng không phải ai cũng chơi được với đá. Muốn sở hữu được những mẫu đá tự nhiên đẹp, người chơi không những cần cái tình mà còn cần có duyên với đá. Bởi có những chuyến đi tốn thời gian, công sức, nhưng chỉ ra về tay không. Ông Minh cho biết: “Chỉ là những phiến đá tự nhiên, song trên đó lại ẩn chứa nhiều hình thù, màu sắc độc lạ, mang ý nghĩa khác nhau. Mỗi viên đá là một tác phẩm tạo hóa độc nhất vô nhị, mà không một bàn tay người họa sĩ, điêu khắc nào có thể nhào nặn, tỉa vẽ nên. Có tác phẩm như những dãy núi hùng vĩ, có tác phẩm lại gợi đến cho người xem hình ảnh thanh bình về bến nước, gốc đa. Không phải ai cũng dễ dàng nhìn ra những điều thú vị ấy, phải là người yêu đá và có duyên với đá mới có thể cảm nhận được những hồn cốt của đá, trở thành một tác phẩm nghệ thuật”.

Cũng theo ông Minh, tìm đá và khơi hồn cho đá, đặt cho đá một cái tên, đó là nghệ thuật chơi đá cảnh. Tên gọi phải phù hợp với những họa tiết, hoa văn trên tác phẩm, nhằm gợi nhiều liên tưởng cho người xem. Ngoài ra, cần làm đế gỗ để góp phần tôn thêm hình dáng của từng viên đá.

Hơn 10 năm sưu tầm đá, đến nay, ông Minh đã sở hữu gần 150 mẫu đá cảnh tự nhiên với những cấu tạo, hình thù và màu sắc khác nhau. Có những mẫu đá cảnh được nhiều người ngỏ ý mua với mức giá cao, ông Minh vẫn nhất quyết không bán, nhưng với người bạn tâm giao, yêu đá, ông sẵn sàng biếu không. “Đá như đứa con tinh thần mà tôi đã đặt trọn tâm huyết vào đó. Một khi đã yêu và đam mê đá, thì tôi không nỡ bán đi tâm huyết của mình”, ông Minh bộc bạch.

HẢI CHÂU

To Top