Hôn nhân gia đình những năm 60 - 75

'Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà', nó giống như những sự kiện khẳng định sự trưởng thành và sự độc lập, tự chủ trong cuộc sống mỗi người.

Đám cưới xưa ở Hà Nội. Ảnh: ST.

Hôn nhân là phương thức để xây dựng, duy trì và phát triển gia đình, vì vậy thông thường người ta luôn gắn gia đình với hôn nhân và hình thành khái niệm “hôn nhân gia đình”.

Hôn nhân gia đình là thiết chế xã hội hết sức đa dạng và phức tạp phản ánh các mối quan hệ sinh học và văn hóa, vật chất và tinh thần, tư tưởng và tâm lý.

Gia đình dựa trên cơ sở hôn nhân nhưng không chỉ giới hạn ở đó, gia đình bao gồm nhiều mặt trong mối quan hệ huyết thống giữa các thế hệ, giữa gia đình với dòng họ, giữa gia đình với xã hội…

Nên gia đình liên quan chặt chẽ tới toàn bộ hệ thống xã hội. Một mặt, gia đình trực tiếp hoặc gián tiếp phản ánh những điều kiện kinh tế - xã hội, những biến đổi đang diễn ra trong một xã hội cụ thể, mặt khác nó tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội.

Gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc tái sản xuất con người để duy trì lực lượng lao động xã hội, là môi trường xã hội hóa cơ bản nhất đối với mỗi cá nhân, là nơi tổ chức cuộc sống bình thường hàng ngày, đem lại sự thỏa mãn cho cá nhân về mọi mặt, là nơi hỗ trợ và ổn định cho mỗi cá nhân khi môi trường xã hội xung quanh bị xáo trộn.

Các hình thái hôn nhân gia đình biến thiên theo lịch sử và khác nhau ở các xã hội khác nhau. Sự chuyển biến của nó là kết quả những mối tương tác không chỉ giữa các thành viên bên trong hôn nhân - gia đình mà quan trọng hơn nữa là sự tương tác giữa hôn nhân gia đình với các yếu tố xã hội bên ngoài. Các hình thái hôn nhân - gia đình vừa thể hiện đa dạng phức tạp, vừa có những nét đồng nhất định trong quá trình phát triển, thể hiện tính qui luật, tính thống nhất của nhân loại.

Cuộc sống gia đình sau kết hôn

Việc tổ chức, sắp xếp cuộc sống gia đình sau khi kết hôn là vấn đề quan trọng không chỉ của cặp vợ chồng mới cưới mà nó còn là của cả gia đình lớn, thậm chí là của cả gia đình họ hàng hai bên (bên vợ và bên chồng). Mô hình chung sống sau hôn nhân của cặp vợ chồng mới có 3 loại hình: ở nhà chồng, ở nhà vợ và ở nơi mới.

Theo truyền thống văn hóa Việt Nam, sau khi kết hôn, phần lớn các cặp vợ chồng sẽ ở cùng với gia đình chồng, có thể là một thời gian, cũng có thể là lâu dài. Điều này phụ thuộc vào nhiều chiều cạnh, điều kiện kinh tế, văn hóa, hoàn cảnh gia đình và mong muốn của người trong cuộc.

Ảnh tư liệu.

Giai đoạn lịch sử những năm 1960 - 1975, trong phần lớn các gia đình vùng đồng bằng sông Hồng, việc chăm sóc con cái trong những năm đầu kết hôn dù đã được hợp tác xã hỗ trợ một phần, nhưng cha mẹ, nhất là người mẹ vẫn là người chăm sóc chính và dành nhiều thời gian hơn cho con cái. Những áp lực về sinh con sau hôn nhân, sinh con trai để nối dõi là có và điều này vẫn duy trì được giá trị của con cái đối với mỗi cuộc hôn nhân.

Khó khăn chung trong giai đoạn này với các cặp vợ chồng trẻ chủ yếu là về kinh tế, đa phần do thiếu việc làm và thu nhập thấp kém, mức sống ở nghèo và rất nghèo chiếm tỷ lệ lớn. Điều này dẫn đến họ ít có điều kiện vui chơi giải trí và chăm sóc con cái.

Hơn nữa, trong giai đoạn đất nước vừa phải lao động sản xuất, vừa phải chiến đấu bảo vệ tổ quốc, tập trung mọi nguồn lực cho tiền tuyến, bởi vậy không có nhiều hoạt động giải trí diễn ra các các địa phương, điều kiện chăm sóc con cái cũng gặp nhiều khó khăn. Cuộc sống của các gia đình trong giai đoạn lịch sử này ít có sự khác biệt, chênh lệch nhưng lại có xuất phát điểm thấp “chia đều cái nghèo”, khó khăn là khó khăn chung của cả xã hội.

“Nói chung cái nét gia phong là cái quan trọng đấy, mặc dù thời điểm đó là nghèo như nhau hết thôi, nói chung là đói và nghèo khổ lắm, con cái nhà bác cũng phải khổ lắm đấy”, bà Bình ở Quỳnh Phụ (Thái Bình) cho biết.

Bà Hà ở huyện Giao Thủy (Nam Định) kể rằng: “Chăm con cái là chủ yếu là đàn bà làm, còn đàn ông là đi ra ngoài xã hôi, mặc dù có thể năng lực của người đàn ông là không làm được như người đàn bà đâu, có người họ phong kiến lắm, quần áo là họ không giặt, phơi quần áo lúc mưa là họ chỉ dọn đồ của họ thôi ý chứ, có những trường hợp như thế. Chăm sóc con, và trông con thì chỉ là chơi với con tí thôi, còn con ốm đau vẫn chỉ là vợ là chủ yếu”.

Hoàn cảnh chung của nông thôn gặp nhiều khó khăn, từ đời sống vật chất đến các điều kiện chăm sóc gia đình con cái, tuy nhiên họ vẫn luôn đề cao nề nếp gia phong và sự chia sẻ trong chăm sóc gia đình .

Cuộc sống gia đình trong những năm đầu hôn nhân phụ thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế xã hội của từng thời kỳ lịch sử và có ý nghĩa quan trọng trong xây dựng và giữ gìn sự bền vững của mỗi gia đình.

Từ bức tranh cuộc sống gia đình những năm đầu sau kết hôn nông thôn miền Bắc giai đoạn 1960 - 1975, một giai đoạn lịch sử đặc thù, vừa xây dựng miền Bắc XHCN, vừa kháng chiến chống xâm lược, giúp chúng ta hiểu được một giai đoạn lịch sử và những biến đổi của các gia đình so với hiện nay.

Hải Nam

To Top