Hướng tới đa dạng giới trong sự phát triển của mỗi doanh nghiệp

Bình đẳng giới là một tiến trình và không thể làm trong một thời gian ngắn hoặc nhất định. Trong bối cảnh COVID-19, vấn đề bình đẳng giới lại càng quan trọng hơn. Song song, xu hướng thời đại đòi hỏi các công ty xây dựng văn hóa tôn trọng sự bình đẳng về giới hướng tới phát triển bền vững cho công ty và xã hội. Bình đẳng giới ở nơi làm việc ảnh hưởng trực tiếp đến thành công của doanh nghiệp.

Nhằm giúp các bạn trẻ tìm hiểu về văn hóa tôn trọng sự đa dạng giới tính trong doanh nghiệp, đặc biệt trong đại dịch COVID-19, Phong trào bình đẳng giới Việt Nam (VGEM), doanh nghiệp xã hội ECUE kết hợp với tổ chức tư vấn, điều phối các dự án Trách nhiệm Xã hội/ Bền vững của doanh nghiệp và các chương trình phát triển bền vững nói chung (ASSIST) và Tổ chức phi Chính phủ của thanh niên (AIESEC), Hội nữ doanh nhân TP Hồ Chí Minh (HAWEE) cùng tổ chức Tọa đàm “Giới – Văn hóa Doanh nghiệp – Phát triển Sự nghiệp”. Sự kiện mở ra cơ hội để các bạn trẻ trao đổi với những nhà lãnh đạo doanh nghiệp về kỳ vọng của họ đối với nhân viên và các nhà quản lý trong môi trường kinh doanh đương đại.

Ông Lê Quang Bình, Sáng lập và Tổng Giám đốc ECUE (Ảnh cắt từ màn hình Tọa đàm trực tuyến)

Tọa đàm trực tuyến diễn ra sáng 12/8 là một trong chuỗi hoạt động hướng tới thúc đẩy đa dạng giới trong các môi trường khác nhau. Lần này, Tọa đàm được tài trợ bởi Investing in women, một sáng kiến của Chính phủ Australia.

Nghiên cứu của ECUE năm 2021 cho thấy 88% các ý kiến của nam giới phàn nàn về văn hóa công ty nơi phụ nữ là đa số. Theo họ môi trường nhiều nữ gây bất lợi cho họ và môi trường “trai nhiều thì còn cởi mở hòa đồng anh em với nhau”, vì vậy sau một thời gian làm ở môi trường nhiều nữ họ đã phải nghỉ việc Phía bên kia, nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng chỉ ra phụ nữ làm việc trong những ngành chủ yếu là nam giới cũng gặp rất nhiều định kiến, nhiều người bị “hướng” vào những vị trí kém quan trọng hoặc “không quá kỹ thuật” để cuối cùng phải rời bỏ ngành nghề của mình.

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cũng đã chỉ ra phụ nữ chịu ảnh hưởng rất nặng về kinh tế, xã hội trong đại dịch COVID-19. Đặc biệt, phụ nữ nghèo phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm và tử vong cao hơn, mất sinh kế, gánh vác nhiều hơn những công việc chăm sóc không lương và bị bạo hành nhiều hơn. Phụ nữ cũng chiếm đa số trong những ngành bị ảnh hưởng do COVID-19 nặng nề nhất, như dịch vụ ăn uống, bán lẻ và giải trí.

Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Chủ tịch HĐQT L&A Holding chia sẻ tại Tọa đàm (Ảnh cắt từ màn hình Tọa đàm trực tuyến)

Trong bối cảnh COVID-19, vấn đề bình đẳng giới lại càng quan trọng hơn. Song song, xu hướng thời đại đòi hỏi các công ty xây dựng văn hóa tôn trọng sự bình đẳng về giới nhằm hướng tới phát triển bền vững cho công ty và xã hội. Bình đẳng giới ở nơi làm việc ảnh hưởng trực tiếp đến thành công của doanh nghiệp. Nghiên cứu của McKinsey (2017) cho thấy các công ty thuộc nhóm có sự đa dạng về giới tốt có 21% cao hơn về khả năng thành công về tài chính so với công ty thuộc nhóm cuối về sự đa dạng giới. Đây là một trong những lý do quan trọng để doanh nghiệp ngày càng đòi hỏi nhân viên và quản lý công ty coi trọng giá trị bình đẳng giới.

Tại Tọa đàm trực tuyến, ông Lê Quang Bình, Sáng lập và Tổng Giám đốc ECUE đã chia sẻ về khái niệm bình đẳng giới trong doanh nghiệp ở Việt Nam, đề cập tới bất bình đẳng giới trong đại dịch COVID-19 cũng như chỉ ra một số nguyên nhân khuôn mẫu giới dẫn đến bất bình đẳng trong đào tạo, lựa chọn nghề nghiệp, phát triển bản thân và sự nghiệp.

Phân tích về sự đa dạng giới tính và phát triển doanh nghiệp, bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Chủ tịch HĐQT L&A Holding đã nêu ra một số minh chứng về bình đẳng giới trong doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19.

Cùng nhau thảo luận về bình đẳng giới trong doanh nghiệp – lãnh đạo, thực hành và văn hóa, bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Chủ tịch HĐQT L&A Holding; GS. TS. Nguyễn Khánh Diệu Hồng, Hiệu trưởng Việt Nam hệ thống trường TH School và bà Phan Nam Trân, Giám đốc Nhân sự, FrieslandCampina Việt Nam đã nhất trí cao rằng, đâu đó vẫn còn định kiến giới và bản thân mỗi cá nhân dưới ảnh hưởng của giáo dục, của môi trường cũng tồn tại định kiến giới. Điều quan trọng là sự tôn trọng lựa chọn của từng người, cao hơn nữa là tôn trọng lẫn nhau giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tập thể, giữa tập thể với tập thể trong doanh nghiệp nói riêng và trong cộng đồng xã hội nói chung. Mỗi vai trò, vị trí đều có thể chủ động hành động trong phạm vi cá nhân cũng như thể hiện sự tôn trọng của mình với những khác biệt xung quanh đồng thời luôn duy trì “ngọn lửa đam mê” với công việc thì sẽ đạt hiệu quả như mong muốn.

Bà Phan Nam Trân, Giám đốc Nhân sự, FrieslandCampina Việt Nam trao đổi tại Tọa đàm (Ảnh cắt từ màn hình Tọa đàm trực tuyến)

Theo bà Trần Vũ Ngân Giang, Phó Giám đốc Khu vực Mekong, ASSIST, bình đẳng giới là một nội dung được quan tâm của đông đảo xã hội trong nhiều năm trở lại đây. Đặc biệt, vấn đề bình đẳng giới trong tuyển dụng, đánh giá công việc, thăng tiến và chính sách cụ thể thúc đẩy bình đẳng giới cũng như làm thế nào để thực hành văn hóa bình đẳng giới trong ứng xử giữa nhân viên với nhau và nhân viên với quản lý/ lãnh đạo càng trở nên quan trọng trong hoạt động của các doanh nghiệp khi xu hướng hội nhập sâu rộng và cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay. Văn hóa bình đẳng giới của doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19; mong đợi của lãnh đạo đối với nhân viên về vấn đề bình đẳng giới; tôn vinh giá trị bình đẳng giới để xây dựng năng lực cạnh tranh trong phát triển nghề nghiệp cũng nằm trong mối quan tâm đó.

Cá nhân bà Phạm Thị Mỹ Lệ chia sẻ thêm, từ trải nghiệm môi trường làm việc đa dạng giới, cách vượt lên các định kiến giới xung quanh. Bà Lệ nhấn mạnh, để đạt được bình đẳng giới, phải tạo điều kiện để cơ hội phải ngang bằng cho tất cả các giới, phải tôn trọng sự khác biệt, khi đánh giá cá nhân phải dựa trên đóng góp và kết quả công việc của mỗi cá nhân.

Nữ GS.TS Nguyễn Khánh Diệu Hồng, được công nhận chức danh giáo sư ở tuổi 38 bổ sung thêm, cần chú trọng tới giáo dục bình đẳng giới, riêng với ngành khoa học kỹ thuật, có thể chú ý tới các kỹ năng từ nhỏ, đặc biệt đối tượng nữ cần khuyến khích, động viên, truyền cảm hứng để họ tham gia tích cực hơn, chủ động hơn. Và quan trọng hơn cả, vẫn phải đánh giá dựa trên năng lực, có thể cân nhắc đặc điểm giới phù hợp nhưng trên hết vẫn phải đánh giá lựa chọn năng lực, hiệu suất lao động của mỗi cá thể.

Thiết nghĩ, sự đa dạng giới tính giúp doanh nghiệp gặt hái thành quả tốt hơn. Các doanh nghiệp còn dư địa để thu hút, giữ chân và tối ưu hóa nguồn nhân lực trong tổ chức bằng văn hóa đa dạng giới tính. Bình đẳng giới giúp phát triển nhân tài và phát triển lãnh đạo hiệu quả hơn. Trong doanh nghiệp, cũng có thể tổ chức những mô hình khắc phục theo doanh nghiệp và mang giá trị cho cổ đông và việc cổ vũ đa dạng giới trong doanh nghiệp cũng chính là góp phần vào lan tỏa rộng trong xã hội.

Về phía người lao động, chỉ cần: hiểu về những hành vi phân biệt giới tính, có tiếng nói ủng hộ bình đẳng giới; tìm hiểu về văn hóa và tính đa dạng về giới của công ty trước khi đồng ý nhận việc; cần hiểu rõ và đòi hỏi chính đáng quyền bình đẳng và đa dạng về giới trong công việc; tự tin thể hiện và đóng góp cho doanh nghiệp, bất kỳ thuộc giới nào, kết quả nói lên tất cả…

Lê Anh

To Top