Hướng vê tháng bảy nghĩa tình

Làng tôi có phong tục vào những ngày cuối năm, những người đang sống đến nghĩa trang thắp hương mời những người thân đã khuất về ăn Tết cùng gia đình. Trong bóng tối, tôi cảm thấy tất cả những bia mộ cùng dâng hương đến quanh người mẹ…

Tổ quốc và nhân dân đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ, các mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương bệnh binh đã không tiếc máu xương và tuổi xuân vì độc lập, bình yên của quê hương đất nước.

Trân trọng cảm ơn nhà thơ đa tài Nguyễn Quang Thiều đã có thơ hay để tác giả và bạn đọc thưởng thức cảm nhận. Chân thành cảm ơn các anh chị, các bạn quan tâm đến với bài thơ sau:

TRONG CHIỀU NGHĨA TRANG

Mẹ ơi mẹ về đi, chiều phủ kín hết rồi

Sông ngửa mặt lên trời thở từng hơi trắng

Ai gọi đò bơ phờ bến vắng

Mẹ về đi, gió lạnh, cỏ đầy sương

Mẹ run run thắp những nén hương

Cắm trước từng bia mộ

Kìa khói lên... khói lên… lặng lẽ…

Những con đường cát trắng của làng quê

Hồn những chàng trai giờ ở đâu?

Nhìn thấy khói mà về với mẹ

Chim khách góc vườn mười mấy năm nói dối

Cau mười mấy năm trời vô ý trổ buồng đôi

Các anh về với mẹ một đêm thôi

Cho đèn khuya đỡ giật mình phụt tắt

Cho nồi cơm lại một lần đầy đặn

Cho đũa trong nhà một bữa được so thêm

Các anh về không hóa được thành người

Thì xin hóa ngọn lửa cười trong bếp

Hóa chú cá con dưới ao nhà đợi mẹ

Hóa thạch sùng thưa lời mẹ trong mơ

Chiều phủ kín hết rồi, gió lạnh đổ từng cơn

Trăm mắt hương trăm mắt người hoe đỏ

Trong hoàng hôn hàng trăm bia mộ

Cùng dâng hương lặng lẽ đến bên người.

1984 - Nguyễn Quang Thiều

LỜI BÌNH: “MẸ ƠI MẸ VỀ ĐI, CHIỀU PHỦ KÍN HẾT RỒI”

Nguyễn Quang Thiều (sinh 1957) - hiện giữ chức Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - là một nghệ sỹ đa tài: ông viết văn, làm thơ, sáng tác kịch, vẽ tranh và còn là dịch giả nổi tiếng. Riêng về thơ, ông đã gửi tới bạn đọc yêu quý hàng chục đầu sách. Với sự nỗ lực và tài năng xuất sắc, ông trở thành cây bút tiên phong trên thi đàn văn học hiện đại có phong cách nghệ thuật riêng, lạ lẫm đầy ấn tượng. Các sáng tác văn thơ của ông đã góp phần cách tân, đổi mới thơ ca rõ rệt. Bài thơ “Trong chiều nghĩa trang” của ông ra đời sau mười năm chiến tranh kết thúc, thời gian đủ làm lắng đọng những cảm xúc và suy tư. Gần bốn mươi năm đã qua nhưng đến nay, ai đọc lại bài thơ cũng rưng rưng xúc động.

Hình tượng bà mẹ trong bài gợi cho người đọc thật nhiều cảm xúc. Theo nhà thơ chia sẻ: Vào một ngày cuối năm, tôi về quê (Làng Chùa – Ứng Hòa – Hà Nội). Khi đi qua nghĩa trang liệt sĩ, lúc đó hoàng hôn đang buông xuống, tôi thấy một bà mẹ thắp hương trên những bia mộ. Tôi không biết đó là một bà mẹ của liệt sĩ đang yên nghỉ trong nghĩa trang đó hay chỉ là người nông dân đi thắp hương cho các liệt sĩ để mời họ về làng ăn Tết. Làng tôi có phong tục vào những ngày cuối năm, những người đang sống đến nghĩa trang thắp hương mời những người thân đã khuất về ăn Tết cùng gia đình. Trong bóng tối, tôi cảm thấy tất cả những bia mộ cùng dâng hương đến quanh người mẹ…

Khởi đầu của bài mở ra một không gian chiều muộn, thời điểm cuối ngày, con người ai cũng có nhu cầu về nhà nghỉ ngơi. Lúc này, "gió lạnh, cỏ đầy sương" giăng phủ khắp nơi, vậy mà người mẹ già cứ lặng lẽ thắp nhang lên từng bia mộ trong nghĩa trang rộng lớn. Tiếng gọi "Mẹ ơi mẹ về đi" thốt lên tự trái tim thi sĩ đầy thương cảm. Câu thơ như có nước mắt song chủ thể trữ tình cố nén lại:“Mẹ ơi mẹ về đi, chiều phủ kín hết rồi / Sông ngửa mặt lên trời thở từng hơi trắng / Ai gọi đò bơ phờ bến vắng / Mẹ về đi, gió lạnh, cỏ đầy sương”. Nghệ thuật nhân hóa khiến thiên nhiên dòng sông, bến đò cũng như những sinh thể biết thấu hiểu và đồng cảm với nỗi lòng của mẹ. Không gian phủ dần bóng tối, sông thở mệt nhọc, bến đò cũng vắng lạnh "bơ phờ". Cảnh ảm đạm, tương đồng với tâm trạng người mẹ đơn côi thương nhớ con vô hạn. Không gian yên tĩnh trong nghĩa trang tưởng như nghe được hơi thở của mẹ run run ngắt quãng. Nhưng mẹ vẫn mải miết "... thắp những nén hương / Cắm trước từng bia mộ / Kia khói lên… khói lên… lặng lẽ...". Con của mẹ không chỉ một mà là hàng trăm, hàng ngàn bia mộ, bàn tay mẹ đang gắng sức chở che. Không biết đã bao nhiêu chiều muộn mẹ thắp hương như thế? Mẹ dùng hơi ấm và hương thơm nhang khói thay lời vỗ về an ủi các con liệt sĩ nằm đây. Tác giả nhắn gọi rất thiết tha: "Hồn những chàng trai giờ ở đâu xa/ Nhìn thấy khói mà về với mẹ". Nhưng lời ấy vẫn chỉ là mong mỏi mà thôi. Mấy câu thơ tiếp lời thơ nhẹ nhàng mà ý tứ tiềm ẩn sâu xa: “Chim khách góc vườn mười mấy năm nói dối / Cau mười mấy năm trời vô ý trổ buồng đôi”. Hình ảnh thơ dân dã mà hàm chứa tư tưởng nhân văn sâu xa. Mẹ mong chờ biết mấy một tiếng chim khách kêu: người về. Mẹ mong chờ biết mấy cái ngày cau “trổ buồng đôi”, để mẹ được đón cô dâu về thêm ấm cửa êm nhà. Câu thơ cho thấy ước mơ sâu sắc và mãnh liệt nhất của tấm lòng người mẹ. Thế mà mười mấy năm trời chim khách “nói dối”; buồng cau “vô ý” khoe với đất trời sự viên mãn sinh sôi. Mẹ không trách ai, chỉ mơ thầm những điều sâu kín trong cõi lòng. Và hơn ai hết, nhà thơ thấu hiểu rõ nỗi lòng ấy nên đã viết thành lời thay mẹ. Tác giả như năn nỉ các hương linh dưới mộ: “Các anh về với mẹ một đêm thôi/ Cho ngọn đèn dầu đỡ giật mình vụt tắt/ Cho nồi cơm lại một lần đầy đặn/ Cho đũa trong nhà một bữa được so thêm...” Ai đọc được những câu thơ này cũng đều rưng rưng thương mẹ. Một lần nữa, những vật dụng thân quen trong nhà được nhân hóa: ngọn đèn, nồi cơm, đôi đũa, tất cả đều mong mỏi tha thiết người xa trở về. Điều kỳ diệu là khoảnh khắc giao cảm tâm linh dường như có thật. Mẹ là mẹ của hàng trăm đứa con. Phút giây này, hàng trăm “mắt hương”, hàng trăm đứa con yêu đang quây quần bên mẹ. Trong bài, nhà thơ sử dụng đắt giá các từ láy bơ phờ, run run, đầy đặn, hoàng hôn, lặng lẽ và các điệp ngữ: "chiều phủ kín hết rồi", "mẹ về đi", gió lạnh" khiến cho cảnh ấy mang đầy tâm trạng và cảm xúc thơ càng thêm lắng đọng. Những câu thơ cuối là sự vỡ òa cảm xúc: "Chiều phủ kín hết rồi, gió lạnh đổ từng cơn / Trăm mắt hương trăm mắt người hoe đỏ / Trong hoàng hôn hàng trăm bia mộ/ Cùng dâng hương lặng lẽ / đến quanh người…”. Hình ảnh thơ đăng đối tương đồng "Những mắt hương mắt người hoe đỏ" càng khơi gợi trong lòng người rung cảm mãnh liệt, sâu sắc về tấm lòng yêu thương bao dung ở người mẹ đối với các con liệt sĩ. “Những mắt hương mắt người hoe đỏ” cũng chính là nỗi lòng xúc động khôn cùng của tác giả trước sự cao cả của tình mẹ, của bao người mẹ Việt khác nữa.

Đúng như Dương Hương Ly đã viết: "Đất quê ta mênh mông / Lòng mẹ rộng vô cùng”. Bài thơ không có từ ngữ nào nói ra trực tiếp nhưng ẩn chứa trong đó là tấm lòng kính yêu, cảm phục và tri ân sâu nặng với các liệt sĩ, với các bà mẹ Việt Nam. Thi phẩm khép lại rồi nhưng tấm lòng yêu thương rộng lớn và cao đẹp của người mẹ còn lan tỏa mãi trong sâu thẳm tâm trí người đọc.

Theo Trái tim người lính

Nguyễn Thị Thiện

To Top