Huy động mọi nguồn lực bảo đảm đủ SGK cho học sinh trong tình hình dịch COVID-19

Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống dân sinh, nhất là trong giáo dục. Hiện nay, các nhà trường, địa phương đang nỗ lực tìm giải pháp để bảo đảm đủ SGK cho học sinh, trong đó có các học sinh nghèo, trước thềm năm học mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: TL

Năm học 2021-2022, Trường Tiểu học- THCS Ea Trol (Sông Hinh, Phú Yên) có tổng số 620 học sinh, trong đó 165 học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông mới. Thầy Lê Xuân Thiều, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, số học sinh khó khăn cần hỗ trợ SGK của nhà trường lên tới khoảng 80%. Hiện tại với ảnh hưởng của dịch COVID-19, con số này có thể còn tăng lên.

“Với các học sinh học theo chương trình mới, nhà trường đang huy động sự đóng góp cả các tổ chức, cá nhân, hiện đã được khoảng 50 bộ. Với các học sinh học chương trình 2006, trường cho các em mượn sách từ thư viện, nguồn sách cũ học sinh đóng góp, cơ bản đáp ứng được 70% nhu cầu. Nhà trường đồng thời kêu gọi gia đình học sinh thuộc đối tượng được hỗ trợ 80 nghìn/tháng theo Nghị định 86 sử dụng số tiền này để mua SGK mới cho con em” - thầy Lê Xuân Thiều chia sẻ.

Trường THCS Thụy Liên, Thái Thụy, Thái Bình năm học tới có khoảng 20 học sinh khó khăn cần hỗ trợ SGK. Thông tin từ thầy hiệu trưởng Nguyễn Tiến Dũng, với học sinh khó khăn thuộc các khối 7, 8, 9, thầy cô vận động học sinh lớp trước tặng lại SGK đã sử dụng. Với khối 6, nhà trường đã đăng ký mua 6 bộ sách để hỗ trợ 6 học sinh có hoàn cảnh khó khăn, kinh phí do thầy cô trong trường ủng hộ.

Chia sẻ về tình hình chung trên địa bàn huyện Thái Thụy (Thái Bình), ông Đỗ Trường Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT cho biết: Theo khảo sát sơ bộ, năm học 2021-2022, các trường tiểu học, THCS, tiểu học và THCS trên địa bàn huyện có khoảng trên 400 học sinh hoàn cảnh khó khăn, là con em các gia đình hộ nghèo, cận nghèo, học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ cần được hỗ trợ SGK.

Phòng GD&ĐT, các nhà trường đã làm tốt việc tuyên truyền, tư vấn và hướng dẫn cha mẹ học sinh, học sinh trong việc lựa chọn và chuẩn bị SGK cho năm học mới. Các đơn vị trường học duy trì hiệu quả tủ SGK dùng chung để học sinh có hoàn cảnh khó khăn được mượn đủ SGK. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động kinh phí bổ sung sách cho thư viện, tủ SGK dùng chung, tủ sách phụ huynh của các trường. Thường xuyên tổ chức quyên góp SGK từ giáo viên và HS.

Phòng GD&ĐT đồng thời phát động cán bộ, giáo viên giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn bằng những việc làm thiết thực, trong đó có việc thầy cô tặng SGK cho học sinh khó khăn nhân dịp đầu năm học mới. Phát động học sinh lớp trên tặng SGK đã sử dụng cho học sinh lớp dưới. Sử dụng các nguồn kinh phí của nhà trường để tăng lượng SGK trong thư viện.

“Với những giải pháp đồng bộ, các trường học trên địa bàn bảo đảm 100% học sinh có đủ SGK khi bước vào năm học mới” - ông Đỗ Trường Sơn khẳng định.

Tại Quảng Nam, các địa phương trên địa bàn tỉnh sử dụng kinh phí ngân sách để hỗ trợ SGK cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh dân tộc thiểu số… Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Thanh Quốc, UBND tỉnh rất quan tâm đến vấn đề này. Với một số địa phương ngân sách hạn chế, UBND tỉnh giao Sở GD&ĐT phối hợp với lãnh đạo các địa phương này để rà soát, nếu thiếu kinh phí sẽ cùng Sở Tài chính tham mưu trình UBND cân nhắc ngân sách hỗ trợ, bảo đảm 100% học sinh có SGK để học.

Hiện nay, chính sách hỗ trợ SGK cho học học sinh có điều kiện khó khăn đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ và các bộ, ngành.

Cụ thể, đối với học sinh dân tộc thiểu số: Theo quy định tại Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT-BTC-BGDĐT: Nhà trường xây dựng tủ SGK dùng chung để cho mỗi học sinh mượn 1 bộ sách tương ứng với từng lớp học mà học sinh đó đang theo học. Trường có trách nhiệm tổ chức tốt việc cho mượn và bảo quản SGK để được sử dụng lâu dài, có hiệu quả; hàng năm trường được mua bổ sung số SGK bằng 10% số đầu SGK của tủ sách dùng chung.

Đối với học sinh người dân tộc học Tiếng dân tộc thiểu số, theo quy định tại Nghị định số 82/2010/NĐ-CP: Người dân tộc thiểu số học tiếng dân tộc thiểu số, HS học tiếng dân tộc thiểu số được nhà nước bảo đảm SGK, tài liệu tham khảo tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với từng đối tượng.

Đối với học sinh thuộc hộ nghèo: Theo quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP: học sinh thuộc diện hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ chi phí học tập với mức 100.000 đồng/HS/tháng để mua sách, vở và các đồ dùng học tập khác. Thời gian được hưởng theo thời gian học thực tế và không quá 9 tháng/năm học.

Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ./.

Hải Bình

To Top