Huyện Bá Thước: Chú trọng hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở

Trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa nói chung, thực hiện các phong trào 'Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa', 'Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại' nói riêng, huyện Bá Thước xác định, từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở là một nội dung trọng tâm.

Nhà văn hóa bản Kho Mường (xã Thành Sơn).

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở có vai trò quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn huyện Bá Thước. Đó là từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch mức hưởng thụ văn hóa của người dân; tình trạng thiếu đồng bộ trong đầu tư cơ sở vật chất. Đồng thời, tạo tiền đề cho việc tổ chức phong phú, đa dạng các hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở; thu hút và tạo điều kiện thuận lợi để người dân được sinh hoạt, tập luyện, vui chơi. Qua đó, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân; xây dựng lối sống lành mạnh và tạo sự phát triển cân đối giữa kinh tế với văn hóa.

Theo đó, để từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống thiết chế quan trọng này, huyện Bá Thước đã chú trọng thu hút và lồng ghép các nguồn vốn, nhất là nguồn vốn từ chương trình xây dựng nông thôn mới, để đầu tư xây dựng các công trình. Điển hình như chỉ trong hơn 2 năm (2016-2018), từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, huyện đã xây mới, tu sửa, chỉnh trang được 40 nhà văn hóa - khu thể thao thôn; xây mới 13 hội trường đa năng thuộc Trung tâm văn hóa - thể thao xã... Đến nay, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở trên địa bàn đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng dân cư. Cụ thể, toàn huyện có 166/205 thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa (đạt 80,97%), trong đó có 140 nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 19/21 xã, thị trấn có trung tâm văn hóa, thể thao, trong đó có 7 trung tâm văn hóa, thể thao đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ngoài ra, các thiết chế thể thao cũng được xây dựng ở nhiều thôn, bản; trong đó có 5 sân bóng kích thước 90 x 120, 220 sân bóng đá mi ni, 305 sân bóng chuyền, 120 sân cầu lông... Đây là kết quả từ việc huy động người dân đóng góp kinh phí và ngày công đào đắp hàng vạn m3 đất đá, với tổng giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng. Các sân chơi thể thao sau khi xây dựng được chính quyền các cấp quan tâm bảo vệ, tu sửa, bảo đảm cho việc tập luyện thường xuyên của người dân và phục vụ thi đấu, giao lưu, hội thi ở các thôn, bản, đơn vị. Theo đó, tỷ lệ người dân tập thể dục, thể thao thường xuyên đạt 45% dân số. Đồng thời, vào ngày lễ, tết cổ truyền, ngày hội Đại đoàn kết..., nhiều hội thi văn hóa - thể thao sôi nổi đã được địa phương tổ chức, gắn với các trò chơi, trò diễn dân gian độc đáo, đậm đà bản sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Có thể nói, việc hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao đã tạo tiền đề cho các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” trên địa bàn huyện Bá Thước ngày càng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu và trở thành phong trào tự nguyện, tự giác của đông đảo tầng lớp Nhân dân. Để thúc đẩy các phong trào tiếp tục phát triển, huyện Bá Thước đặt ra mục tiêu giai đoạn 2021-2025, sẽ xây dựng, sửa chữa, tôn tạo và hoàn thiện đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Trong đó bao gồm 65 nhà văn hóa, khu thể thao thôn, bản, tổ dân phố; 2 trung tâm văn hóa, thể thao xã, thị trấn. Đồng thời, phấn đấu 100% thôn có nhà văn hóa, hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng (trong đó, 90% thiết chế đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); 100% xã, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao (trong đó, 50% trung tâm văn hóa - thể thao được đầu tư trang thiết bị và dành tối thiểu 30% thời gian sử dụng trong năm để tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí cho trẻ em)...

Để từng bước hiện thực hóa các mục tiêu, huyện Bá Thước tập trung quy hoạch quỹ đất xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở theo Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới và theo các tiêu chuẩn quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cũng như phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Kết hợp và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư công trung hạn, vốn chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, vốn chương trình xây dựng nông thôn mới khi triển khai thực hiện kế hoạch tổng thể xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính từ ngân sách Nhà nước, từ xã hội hóa, từ nguồn tài trợ. Đặc biệt, địa phương chú trọng thực hiện công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao vui chơi giải trí, nhằm huy động mọi nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Ngoài ra, địa phương cũng phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong việc huy động nguồn lực tham gia xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở... Từ đó, góp phần tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nhằm nâng cao mức hưởng thụ vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

Bài và ảnh: Hoàng Xuân

To Top