I-rắc tối đa hóa nguồn thu ngân sách

Quốc hội I-rắc đã công bố ngân sách năm 2021, trong đó dự báo thâm hụt ước tính khoảng 20 tỷ USD. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và kinh tế do đại dịch, Chính phủ I-rắc nỗ lực tối đa hóa nguồn thu nhằm giải quyết những khó khăn trước mắt.

Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng ở I-rắc. Ảnh arabnews

Quốc hội I-rắc đã công bố ngân sách năm 2021, trong đó dự báo thâm hụt ước tính khoảng 20 tỷ USD. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và kinh tế do đại dịch, Chính phủ I-rắc nỗ lực tối đa hóa nguồn thu nhằm giải quyết những khó khăn trước mắt.

Dự báo tổng nguồn thu ngân sách năm 2021 của I-rắc ước đạt 69,9 tỷ USD, trong đó doanh thu dầu mỏ đóng góp tới 80%. Ngân sách này dựa trên mức giá dầu mỏ trung bình tại I-rắc là 45 USD/thùng, thấp hơn giá thị trường là 60 USD/thùng, và mức xuất khẩu dầu mỏ ước đạt 3,25 triệu thùng dầu/ngày. Ngân sách cũng ước tính các khoản đầu tư đạt 19,6 tỷ USD so với mức 27,8 tỷ USD hồi năm 2019, khi thâm hụt ở mức 23,1 tỷ USD. Năm 2019 là lần gần đây nhất I-rắc phê duyệt ngân sách. Năm 2020, nước này đã không thể thông qua ngân sách do phải đối mặt các cuộc biểu tình trên toàn quốc và sự thay đổi chính phủ.

Là nhà sản xuất dầu thô lớn thứ hai trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), I-rắc đang phải chật vật giải quyết những khó khăn về tài chính và kinh tế. Giá đồng nội tệ đi-na đã mất khoảng 25% trong vòng vài tuần, trong khi tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói gia tăng. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), mức độ nghèo đói tại I-rắc đã tăng gấp hai lần trong năm 2020, với nhóm đối tượng nghèo chiếm 40% số dân. WB cũng dự báo GDP của I-rắc sẽ giảm khoảng 10% trong năm nay. Nợ nước ngoài của I-rắc hiện lên tới khoảng 60 tỷ USD. Nhằm giúp Chính phủ I-rắc giải quyết những khó khăn trước mắt, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã kêu gọi hỗ trợ sáu tỷ USD sau khi chính quyền I-rắc đề nghị được nhận gói hỗ trợ khẩn cấp thông qua Công cụ hỗ trợ tài chính nhanh (RFI) và bày tỏ ý định đề nghị về một gói hỗ trợ nhằm thực hiện kế hoạch cải cách. Công cụ RFI cung cấp các gói hỗ trợ tài chính nhanh cho các quốc gia thành viên cần thanh khoản khẩn cấp. Các gói hỗ trợ thông qua công cụ này không yêu cầu các nước có chương trình cam kết đầy đủ.

Bộ trưởng Tài chính I-rắc cho biết, nước này có thể đề xuất vay lãi suất thấp thêm bốn tỷ USD thông qua một chương trình khác liên quan kế hoạch cải cách của chính phủ. Chính phủ I-rắc cũng lên kế hoạch các phương thức cấp vốn khác nhằm thu hẹp lỗ hổng ngân sách. Theo đó, ngay khi kế hoạch ngân sách được thông qua, Chính phủ I-rắc sẽ phát hành trái phiếu trong nước trị giá năm tỷ USD nhằm mở rộng nền tảng tài chính. I-rắc có kế hoạch thực hiện cải cách thuế để tối đa hóa nguồn thu từ các nguồn phi dầu mỏ. Sự mất giá của đồng nội tệ đi-na gần đây tác động mạnh tới cấu trúc của nền kinh tế. Bộ Tài chính I-rắc cho biết, việc thả nổi hoàn toàn đồng nội tệ có thể xảy ra trong tương lai, nhưng Ngân hàng Trung ương nước này cố gắng duy trì mức tỷ giá hối đoái hiện tại càng lâu càng tốt.

Chính phủ của Thủ tướng M.Ca-đê-mi đã tìm cách thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có sự hỗ trợ của các nước láng giềng A-rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) đối với lĩnh vực năng lượng và nông nghiệp. Thủ tướng I-rắc đã thăm A-rập Xê-út nhằm củng cố mối quan hệ thương mại chặt chẽ hơn giữa hai nước. Chuyến thăm diễn ra sau khi hai nước mở cửa lại biên giới trên bộ sau 30 năm, trong nỗ lực nhằm hồi sinh mối quan hệ từng băng giá. Trong chuyến thăm của Thủ tướng I-rắc tới UAE, hai bên đã nhất trí thúc đẩy hợp tác kinh tế và tăng cường trao đổi thương mại, đầu tư. Hai bên cũng tuyên bố thành lập Hội đồng Doanh nghiệp I-rắc - UAE để thúc đẩy hợp tác. Hai nước này có lợi ích chung trong các vấn đề an ninh, quốc phòng, cũng như hợp tác trong lĩnh vực năng lượng bền vững. UAE cho biết đang đầu tư ba tỷ USD vào I-rắc để tìm kiếm các mối quan hệ đối tác mới và giúp thúc đẩy sự phát triển của quốc gia láng giềng vốn nhiều năm bị chìm trong xung đột.

THANH VÂN

To Top