Ia Grai phát triển tiềm năng du lịch

Là huyện biên giới của tỉnh Gia Lai, Ia Grai được đánh giá là địa phương giàu tiềm năng và rất đa dạng trong phát triển kinh tế nhờ có những lợi thế lớn về sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghiệp, nhất là nguồn năng lượng. Trong giai đoạn 2020-2025, huyện Ia Grai tiếp tục quan tâm đến khai thác tiềm năng lợi thế của vùng đất trù phú về nông nghiệp hữu cơ, đa dạng về sinh thái, chiều sâu về văn hóa để tạo ra những sản phẩm du lịch giá trị, kích cầu phát triển kinh tế - xã hội...

Lễ hội Đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô. Ảnh: Thái Kim Nga

Lợi thế từ chiều sâu văn hóa truyền thống

Năm 2020, lần thứ hai huyện Ia Grai tổ chức thành công hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô và liên hoan văn hóa cồng chiêng, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh. Đây là sự kiện văn hóa, thể thao để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách.

“Qua phương tiện truyền thông, chúng tôi biết được sự kiện độc đáo hội đua thuyền độc mộc và liên hoan văn hóa cồng chiêng của người bản địa. Sự độc đáo ở đây là trên bờ tiếng cồng, tiếng chiêng hòa vào điệu xoang mượt mà, đằm thắm của người bản địa. Vòng quanh không gian cồng chiêng là những gian hàng ẩm thực trưng bày sản phẩm đặc trưng của vùng biên giới. Còn dưới sông, một không khí vô cùng sôi động của hội đua thuyền độc mộc. Những chiếc thuyền không quá cầu kỳ, được chế tác từ chất liệu núi rừng, mang đậm nét văn hóa của người Tây Nguyên” - Một du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ.

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô do huyện Ia Grai tổ chức nhằm bảo tồn nét đẹp văn hóa độc đáo của cư dân bản địa. Từ bao đời nay, các nghệ nhân chế tác ra phương tiện độc đáo này là để làm phương tiện đi lại trên sông. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, những chiếc thuyền độc mộc của bà con được trưng dụng làm phương tiện vận chuyển lương thực, vũ khí, đưa bộ đội vào chiến trường miền Nam, trong đó có Anh hùng A Sanh được nhiều người biết đến qua bài hát “Người lái đò trên sông Pô Cô” của nhạc sĩ Cầm Phong.

Tham gia cuộc thi đua thuyền độc mộc, anh Rơ Châm Duy, làng Tung Chruc, xã Ia Khai, huyện Ia Grai (Gia Lai) cho biết: “Thuyền độc mộc ông bà tổ tiên chúng tôi thường xuyên sử dụng để đi đánh bắt cá và bơi qua sông làm nương làm rẫy. Hai năm qua, chúng tôi rất vui khi được huyện phục hồi và tổ chức Lễ hội đua thuyền độc mộc để thanh niên các làng có dịp thể hiện sức mạnh của mình”.

Ngoài nét độc đáo là chiếc thuyền độc mộc được đục đẽo bằng một thân cây gỗ lớn từ xưa còn lưu giữ lại, cộng đồng người dân tộc thiểu số Jrai ở huyện Ia Grai còn lưu giữ một kho tàng văn hóa phong phú đặc sắc, thể hiện chiều sâu trong hồn dân tộc.

Theo khảo sát mới nhất, khu vực này hiện đang sở hữu số lượng cồng chiêng lớn nhất tỉnh Gia Lai, với 1.116 bộ, trong đó có trên 500 bộ chiêng quý. Đây là cơ sở để hàng năm huyện Ia Grai tổ chức liên hoan văn hóa cồng chiêng thu hút 13/13 xã, thị trấn trên địa bàn tham gia. Sinh hoạt văn hóa cồng chiêng ở đây thực sự đã được xã hội hóa.

Không chỉ “thánh thót” trên đất làng mà ở một số trường phổ thông còn có các đội cồng chiêng nhí tham gia biểu diễn vào dịp lễ, Tết và những sự kiện quan trọng diễn ra tại địa phương. Đặc biệt là khi mùa Xuân về, hoa cà phê “bung trắng” sườn đồi cũng là lúc mùa lễ hội của người Jrai bắt đầu với các lễ lớn như lễ Pơ Thi, Cúng cầu mưa, Mừng lúa mới... lại ngân nga, gieo vào lòng người cảm giác được trở về với cội nguồn dân tộc, được đắm say trong không gian đại ngàn với những huyền tích nửa như thực, nửa như mơ.

Những sản phẩm du lịch đặc sắc đến từ thiên nhiên

Huyện Ia Grai có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của tỉnh Gia Lai, khi có 3 hướng tiếp giáp hết sức quan trọng, đó là phía Đông giáp thành phố Pleiku, phía Bắc giáp tỉnh Kon Tum và phía Tây giáp Campuchia với 12km đường biên giới. Quê hương của Anh hùng A Sanh hiện có 13 xã, thị trấn với diện tích tự nhiên 1.157,3km2, dân số trên 97.000 người, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 48%. Trên địa bàn có một số di tích lịch sử nổi bật của một thời lửa đạn như Đồi chiến thắng Chư Nghé, bến đò A Sanh được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Huyện Ia Grai có địa hình khá đa dạng “lên thác, xuống ghềnh”, đan xen giữa những sườn đồi cà phê, cao su bạt ngàn là những thung lũng, cánh đồng trù phú. Hệ thống sông, suối, hồ, đập phân bổ đều trên địa bàn huyện đã tạo nên khí hậu mát mẻ, trong lành quanh năm. Một trong những “điểm nhấn” đó là sông Pô Cô (Sê San) gắn liền với những chiến công huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước giờ đã trở thành dòng sông năng lượng. Những công trình thủy điện như Sê San 4, Sê San 4A, Sê San 3A... không chỉ cung cấp nguồn năng lượng lớn cho đất nước mà còn tạo ra khu vực lòng hồ rộng lớn, bao la để đầu tư nuôi trồng thủy sản và phát triển du lịch sinh thái.

Từ bãi bồi làng Dăng, xã Ia O (nơi tổ chức hội đua thuyền độc mộc), du khách có thể đi thuyền, ca nô của người dân ở làng chài, trải nghiệm vô vàn điều thú vị của vùng sông nước với lòng hồ thủy điện Sê San 4, diện tích trên 50km2.

Ông Nguyễn Mạnh Huỳnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gia Lai CTC, một doanh nghiệp chuyên kinh doanh du lịch nhận xét: “Qua khảo sát lòng hồ thủy điện, chúng tôi nhận thấy, đây là một địa điểm rất đẹp, có thể sánh ngang với nhiều địa điểm du lịch lòng hồ nổi tiếng trên thế giới. Với cá nhân tôi nhìn nhận, huyện Ia Grai là địa phương có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch. Và đương nhiên, trong lĩnh vực của mình, chúng tôi sẽ nghiên cứu để đầu tư, nhằm khai thác hiệu quả những lợi thế đó...”.

Thác Mơ làng Ếch, xã Ia Khai kiệt tác thiên nhiên ban tặng. Ảnh: Thái Kim Nga

Chòng chành với “nhịp sóng” trên mặt hồ mênh mông, du khách tiếp tục được trải nghiệm cảm giác gần gũi với thiên nhiên, lắng đọng giữa đại ngàn với hệ thống thác tự nhiên như thác Mơ, thác Lệ Kim, thác Chín tầng. Tại đây, du khách sẽ dừng chân để khám phá, lưu lại những hình ảnh đẹp cùng người thân, bạn bè trong tấm màn khổng lồ của bụi nước.

Ông Lê Ngọc Quý, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết: “Huyện Ia Grai đã và đang nỗ lực mời gọi các nhà đầu tư dự án phát triển du lịch. Chúng tôi xác định chiến lược sản phẩm du lịch, định hướng chung của du lịch Ia Grai là đa dạng hóa sản phẩm, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch để có thể kết nối với vùng miền, tăng khả năng thu hút khách du lịch.

Bên cạnh đó, Ia Grai cũng chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, có nét độc đáo riêng. Để đạt được mục tiêu trên, huyện đưa ra các giải pháp lớn như: Hoàn thiện hạ tầng giao thông, bảo bảo vệ môi trường và các vấn đề liên quan đến phát triển du lịch bền vững, quan tâm xây dựng con người bản địa năng động, thân thiện làm du lịch”.

Với tiềm năng du lịch dồi dào cùng sự nỗ lực của chính quyền địa phương, tin tưởng rằng, du lịch Ia Grai sẽ ngày càng phát triển, là điểm đến hấp dẫn trong lòng du khách thập phương.

Thái Kim Nga

To Top