Kết nối văn hóa dân gian vào chất liệu đương đại

Để lưu giữ văn hóa dân gian trong nghệ thuật truyền thống, Nguyễn Thanh Tùng một kiến trúc sư trẻ sống tại Hà Nội đã khéo léo sử dụng các họa tiết tranh Đông Hồ - hàng Trống sáng tạo tranh gỗ mang đậm phong cách dân gian đương đại.Để lưu giữ văn hóa dân gian trong nghệ thuật truyền thống, Nguyễn Thanh Tùng một kiến trúc sư trẻ sống tại Hà Nội đã khéo léo sử dụng các họa tiết tranh Đông Hồ - hàng Trống sáng tạo tranh gỗ mang đậm phong cách dân gian đương đại.

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Thanh Tùng, chủ xưởng vẽ Lucky Art cho biết: "Sau 2 năm làm quen với việc đưa chất liệu gỗ vào tranh trang trí, tôi có nghiên cứu kết nối các họa tiết đến dòng tranh dân gian truyền thống, cụ thể hơn là dòng tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống. Từ đó tôi hy vọng gìn giữ và duy trì nét văn hóa, giá trị truyền thống của dân tộc".

Theo nhiều nghiên cứu hội họa, dòng tranh dân gian gắn bó với đời sống của người dân Việt Nam và thể hiện sinh động xã hội nông nghiệp Việt cổ truyền, cuộc sống lao động của người nông dân bình dị, chất phác, phản ánh một cách sâu sắc phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân Việt. Chính vì vậy, để kết nối văn hóa dân gian vào chất liệu đương đại không hề đơn giản. Đồng tình với quan điểm này, anh Tùng nhận định, điều khó khăn nhất khi sáng tạo ra các tác phẩm là vừa phải giữ được những ý nghĩa thiêng liêng lâu đời vừa làm nổi bật lại từ họa tiết đến màu sắc trên chất liệu gỗ để phù hợp với toàn bộ không gian sống hiện đại ngày nay.

Đề cập đến hiệu quả trong việc kết nối văn hóa dân gian vào chất liệu gỗ, Tùng cho biết thêm: “Người họa sĩ có thể tạo sự tương phản mạnh mẽ bằng các đường nét, bên cạnh đó là cách sử dụng màu sắc, vừa mang tính dân gian vừa kết hợp thêm màu sắc hiện đại để làm sao thật hài hòa khi nằm trong một không gian nội thất đương đại, nhưng không kém phần ấn tượng”.

Các họa sĩ tại xưởng vẽ Lucky Art luôn có sự chuẩn bị kỹ nội dung những bản vẽ được phối màu tỉ mỉ, chi tiết trước khi họp nhóm lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất.

Theo anh Tùng, chất liệu gỗ có độ hút mầu khác nhiều so với các chất liệu khác, bề mặt bám dính có nhiều vân gỗ chính vì vậy người vẽ phải có sự tính toán kỹ lưỡng.

Từ những tâm huyết của người trẻ cùng với tiến bộ công nghệ, những họa tiết trang trí trên dòng tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống đã được tái hiện một cách hiệu quả trên gỗ.

Thời tiết miền Bắc thất thường, mùa hè thì quá nóng, mùa đông thì rất lạnh đặc biệt giai đoạn nồm ẩm rất dễ khiến đồ gỗ bị nấm mốc, cong vênh. Nhắc đến những khó khăn này, xưởng vẽ đã phải lựa chọn loại gỗ đã qua xử lý nguồn gốc đảm bảo an toàn hợp lý.

Gỗ sau khi được cắt bằng CNC tạo hình, người họa sĩ sẽ vẽ tỉ mỉ lại các họa tiết trên gỗ, hình càng lớn hoa văn nhiều thì thời gian càng lâu.

“Vẽ trên gỗ và trên giấy rất khác nhau, chính vì vậy việc tuyển dụng được người có thể vẽ trên gỗ đòi hỏi phải tỉ mỉ hơn nhiều. Các họa sĩ tại đây phải trải qua quá trình rèn luyện mới có thể vẽ được trên gỗ”, anh Tùng cho biết thêm.

Để tối ưu hóa công việc mang lại hiệu quả cao nhất, xưởng vẽ bố trí chia việc theo kỹ năng từng người, người tô mầu, người vẽ chì… Được biết mức giá của sản phẩm dao động từ 1-6 triệu đồng với bộ sản phẩm kích thước thông thường. Với sản phẩm được đặt hàng theo yêu cầu hoặc kích thướng lớn với độ khó của chi tiết hoàn thiện sẽ có giá thỏa thuận.

Họa sĩ Vũ Minh Trang chia sẻ: “Với chủ đề văn hóa dân gian truyền thống nên việc khai thác kết nối họa tiết rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên để làm ra một sản phẩm hoàn thiện mất rất nhiều công sức vì người họa sĩ phải làm thủ công tất cả các bước”.

Quá trình tô màu các họa tiết trên gỗ chính là khâu quan trọng đồng thời ngốn thời gian nhiều nhất.

Những mảng họa tiết và màu sắc mang âm hưởng hiện đại, phần điểm nhấn được dát vàng lên tạo sự sang trọng và tôn quý trên từng sản phẩm.

Bức tranh Đám cưới chuột sau khi hoàn thiện đang được lau chùi trước khi bàn giao đến khách hàng.

Đề cập đến thị trường tiêu thụ sản phẩm độc đáo này, chủ xưởng vẽ tiết lộ, với ưu điểm độc lạ, khai thác được nhiều chủ đề, vừa là tranh vừa là món decor trang trí, chính vì vậy thị trường vô cùng tiềm năng. Trung bình một năm có thể bán được 200-300 tranh, tuy nhiên từ khi ảnh hưởng bởi đại dịch Covid19, số lượng đơn hàng bị giảm 30% so với trước.

Bức tranh Trâu bằng gỗ mừng tết Tân Sửu 2021 được dát vàng- bạc với nhiều họa tiết màu sắc nằm trong bộ 12 con giáp sau khi hoàn thiện.

Diệu Vy

To Top