Khi dân bản làm du lịch

Du lịch hiện trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Quảng Ninh. Nhiều điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn trong tỉnh đã khai thác, thu hút đông đảo du khách. Ở không ít thôn, bản nơi đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, người dân làm du lịch không chỉ giúp nâng cao đời sống, mà còn góp phần quan trọng bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

Anh Hoàng Văn Sằn (ngoài cùng, bên phải) hướng dẫn du khách tham quan Cột mốc 1305 tại huyện Bình Liêu.

Về Bình Liêu xem đồng bào làm du lịch

Những năm gần đây, huyện Bình Liêu dần ghi dấu ấn trên bản đồ du lịch Việt Nam cũng như trong lòng du khách là một điểm đến mới lạ, độc đáo. Từ một vùng đất hoang sơ, thơ mộng ít người biết đến, Bình Liêu đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế. Với nhiều người dân nơi đây, du lịch đang từng bước trở thành hướng phát triển kinh tế chủ đạo, góp phần nâng cao đời sống.

Homestay Hoàng Sằn nằm trên mỏm đồi tại thôn Đồng Thanh, xã Hoành Mô, là nơi nghỉ ngơi quen thuộc của những người đam mê phượt, trải nghiệm Bình Liêu. Từ đây, du khách có thể hòa mình vào không gian rộng lớn và hùng vĩ của núi rừng, đặc biệt là ngắm những thửa ruộng bậc thang đẹp đến nao lòng. Chia sẻ với chung tôi về cơ duyên đến với du lịch, chàng trai người Tày Hoàng Văn Sằn, chủ Homestay Hoàng Sằn kể: Vốn là giáo viên vùng cao, nhưng anh luôn có đam mê với du lịch. Tranh thủ những ngày nghỉ không phải đứng lớp, anh thường xách ba lô rong ruổi khám phá các điểm du lịch trên địa bàn. Những chuyến đi đó anh đã làm quen với khá nhiều bạn bè trong nước. Khách đến Bình Liêu thấy anh Sằn nhiệt tình, hiếu khách và thuộc đường sá nên mời đi cùng. Dần dần, anh Sằn đã thành “hướng dẫn viên” của thôn lúc nào không hay.

Năm 2016, với số vốn dành dụm được, anh Sằn bắt đầu làm homestay mơ ước của mình. Anh bảo, làm homestay vì từng giao tiếp với nhiều du khách, họ rất thích được sống cùng với gia đình người dân tộc thiểu số để tìm hiểu về văn hóa, lối sống, cũng như cảm nhận sự gần gũi với cảnh quan thiên nhiên xung quanh. Với vị trí nằm cạnh Cửa khẩu Hoành Mô, du khách đến nghỉ ngơi tại Homestay Hoàng Sằn đều rất thuận tiện để tham quan các điểm du lịch khác. Từ 3 phòng nghỉ được xây dựng ban đầu, hiện anh Sằn đã đầu tư thêm 2 nhà sàn phục vụ ăn, uống, ngắm cảnh núi rừng tại khu đất của gia đình.

Anh Hoàng Văn Sằn mở homestay và tham gia làm hướng dẫn viên phục vụ du khách trải nghiệm Bình Liêu.

Ở Homestay Hoàng Sằn, khách có cảm giác như ở nhà, có thể ăn cơm cùng, nấu ăn cùng gia đình, hái rau ở vườn quanh nhà, vặt những ngọn rau su su ngọt lịm mọc đầy trên những hàng rào tre dọc đường lên núi. Thời điểm này đang là mùa lau, hoa sở nở rộ, lượng khách đến Bình Liêu tăng cao. Vào những ngày cuối tuần, hầu hết các phòng nghỉ được đặt. Anh Sằn cũng nhận hợp đồng làm hướng dẫn viên cho các đoàn khách tới tham quan các điểm du lịch trên địa bàn. “Mấy năm gần đây, du khách đến Bình Liêu nhiều hơn, đều hơn. Nhiều du khách đánh giá Bình Liêu có nét riêng, chưa bị thương mại hóa. Được làm nghề mình đam mê, lại được giới thiệu những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, quê hương mình tới du khách bốn phương, giữ gìn được bản sắc văn hóa của cha ông truyền lại, điều đó còn gì bằng…” - Anh Sằn chia sẻ.

Homestay A Dào tại thôn Phạt Chỉ, xã Đồng Văn, cũng là một trong những điểm lưu trú được nhiều du khách lựa chọn khi đến Bình Liêu. Anh Tằng Vằn Dào, chủ Homestay A Dào, cho biết: "Nhận thấy những tiềm năng về du lịch của vùng đất Bình Liêu, được sự động viên của chính quyền địa phương, gia đình tôi đã xây dựng Homestay A Dào với mong muốn vừa tăng thêm thu nhập, vừa giới thiệu, quảng bá với du khách thập phương những nét đẹp văn hóa dân tộc mình".

Người dân tộc Tày huyện Bình Liêu biểu diễn hát then phục vụ khách du lịch.

Chúng tôi có dịp đến Homestay A Dào. Không gian ở đây được bài trí bằng các vật liệu mang đậm màu sắc, giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Dao. Các du khách đến tham quan đều thích thú với những trải nghiệm mới mẻ: Được thưởng thức những món ăn do chính người Dao chế biến, xem cách tráng phở, trải nghiệm những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Dao, như xay thóc bằng cối đá, tìm hiểu kỹ thuật thêu hoa văn thổ cẩm. Đang là mùa đông, sương mù cuộn tràn xuống từng nếp nhà mái ngói âm dương, mang đến cho du khách cảm giác bình yên, thích thú. Vậy là với những ngôi nhà mái ngói âm dương, cối xay đá, sương mù... một thời gian khó, nay lại góp phần tạo thành sản phẩm du lịch hấp dẫn của xã, của huyện.

Bà con dân tộc thiểu số xã Đồng Văn chăm sóc hoa tại HTX Hoa Bình Liêu.

Vài năm gần đây, du lịch đã trở thành một trong những hướng đi trọng điểm của huyện Bình Liêu. Giờ đây những người làm du lịch như anh Sằn, anh Dào trên địa bàn huyện ngày một nhiều. Nhiều người dân đã tham gia vào các dịch vụ, dul ịch cộng đồng, như mở nhà hàng ăn uống, trình diễn các các tiết mục văn hóa dân tộc truyền thống (thêu thùa, may vá, trò chơi dân gian, hát then, đàn tính...). Du khách đến Bình Liêu cảm nhận được nét mộc mạc, gần gũi trong cách ứng xử, tiếp đãi của người dân nơi đây.

Anh Nguyễn Hà Trung, du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: "Tôi vô cùng thích thú khi đặt chân đến nơi này. Có 3 yếu tố hấp dẫn khi đến Bình Liêu. Trước tiên là cảnh vật núi rừng hoang sơ, trong lành; tiếp đến là phong tục, tập quán của bà con dân tộc vẫn còn giữ gần như nguyên vẹn; người dân bản xứ vô cùng thân thiện, dễ mến".

Du khách trải nghiệm kỹ thuật thêu họa tiết trên áo của đồng bào dân tộc Dao, xã Bằng Cả, TP Hạ Long.

Phát triển mạnh mẽ du lịch cộng đồng

Giờ đây, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương trong tỉnh như Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Hạ Long… cũng tích cực làm du lịch. Bằng việc khai thác các lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, ẩm thực đặc trưng và nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, những năm gần đây du lịch cộng đồng trong đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh đang được phát triển mạnh mẽ.

Điển hình như Khu Bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y xã Bằng Cả (TP Hạ Long) hiện trở thành một điểm du lịch văn hóa hấp dẫn du khách. Khu Bảo tồn nằm tại thôn Chín Gian, gồm 1 nhà sinh hoạt văn hóa truyền thống được làm theo lối kiến trúc nhà sàn và 2 nhà mẫu phục dựng, nhằm mô phỏng nhà ở của đồng bào Dao Thanh Y; ngoài ra còn có sân vận động để tổ chức lễ hội, vui chơi.

Những năm trở lại đây, TP Hạ Long đã dành ngân sách xây dựng các hạng mục bổ sung, duy trì các lễ hội truyền thống, nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa của nhân dân địa phương, đưa nơi đây trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, gắn với các hoạt động trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số để thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu. Đưa chúng tôi tham quan Khu Bảo tồn, bà Lý Thị Mai, một người dân thôn, chia sẻ: Nhiều du khách đến đây rất thích thú khi được trải nghiệm các hoạt động văn hóa, đặc biệt là Hội làng Bằng Cả tổ chức tại Nhà sinh hoạt cộng đồng trong Khu Bảo tồn vào các dịp lễ, Tết; hội ngày cấp sắc vào mùng 1 âm lịch các tháng 2, 4, 7, 10 và 12, trong đó hội làng vào đầu năm và cuối năm là lớn nhất.

Vào dịp này, du khách sẽ được thưởng thức các điệu múa trống trong lễ cấp sắc, múa lễ cầu mùa, hát sáng cố do các diễn viên, nhạc công đội văn nghệ xã Bằng Cả biểu diễn; thưởng thức ẩm thực với những món ăn truyền thống của người Dao, như bánh chưng gù, cá suối, thịt lợn bản, gà đồi, xem người dân địa phương nấu rượu Bâu, loại rượu chua đặc trưng của người Dao Thanh Y. Các hoạt động này trước kia là nét sinh hoạt truyền thống của bà con, nay đã trở thành một hoạt động du lịch để du khách trải nghiệm, bà con cũng có thêm nguồn thu nhập. Người dân thôn rất phấn khởi, ai cũng tích cực gìn giữ các nét văn hóa đặc trưng, vừa để bảo tồn truyền thống, vừa để làm du lịch.

Du khách tham quan rừng lim của già làng Triệu Tài Cao (xã Tân Dân, TP Hạ Long).

Già làng Triệu Tài Cao (xã Tân Dân, TP Hạ Long) là người nắm giữ rất nhiều văn hóa truyền thống của người Dao Thanh Phán, như lễ cấp sắc, hát đối, sách nôm Dao cổ. Già làng Triệu Tài Cao còn nổi tiếng với việc sở hữu rừng cây cổ thụ trên 12,5ha với các giống cây quý như lim, dó bầu, sến… Xung quanh khu vực rừng lim có những nếp nhà của đồng bào người Dao Thanh Phán, với văn hóa sinh hoạt đặc trưng. Nơi đây cũng đã trở thành một điểm du lịch phụ trợ của thành phố được UBND tỉnh phê duyệt. Hằng năm, điểm du lịch rừng cây cổ thụ của già làng Triệu Tài Cao đón hàng trăm lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.

Thông qua việc xây dựng các làng, bản văn hóa không chỉ tạo không gian sinh hoạt văn hóa, văn nghệ truyền thống cho đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn tạo ra những sản phẩm du lịch mới mẻ, độc đáo, thu hút du khách tham quan, khám phá, trải nghiệm, nhất là vào các dịp lễ hội, đầu xuân. Tiêu biểu như tại các xã Đồn Đạc, Nam Sơn, Thanh Sơn (huyện Ba Chẽ); Quảng An (huyện Đầm Hà); Hải Sơn (TP Móng Cái); Bằng Cả (TP Hạ Long); Thượng Yên Công (TP Uông Bí)...

Để đa dạng các sản phẩm du lịch, nâng cao khả năng cạnh tranh của “ngành công nghiệp không khói”, việc khai thác trên cơ sở bảo tồn, phát huy những giá trị độc đáo của văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số được coi là hướng đi quan trọng, mở ra nhiều triển vọng đối với Quảng Ninh nói chung, các địa phương tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nói riêng.

Tới khảo sát du lịch tại Quảng Ninh, ông Michael Croft, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, nhận định: Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng, văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đóng góp nhiều cho văn hóa Việt Nam. Du lịch ở đây dựa trên du lịch cộng đồng gắn với đời sống người dân. Khách du lịch được trải nghiệm những hoạt động quen thuộc của người địa phương, chứ người dân không phải thay đổi để làm hài lòng du khách. Vì vậy, phát triển du lịch phải có sự tham gia trực tiếp của đồng bào dân tộc thiểu số và họ phải được hưởng lợi thỏa đáng từ các hoạt động này. Từ đó họ thấy được những giá trị cụ thể của văn hóa truyền thống dân tộc mình, có những hành động thiết thực để bảo tồn những giá trị đó. Đây là cách làm du lịch bảo tồn vẻ đẹp tự nhiên, văn hóa của người bản địa, không làm mai một giá trị truyền thống. Tôi nghĩ đây là mô hình hay khi phát triển du lịch.

Du khách trải nghiệm dịch vụ bơi thuyền trên dòng Lang Cang (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ).

Các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong tỉnh đã và đang tập trung khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch. Thông qua việc xây dựng các làng, bản văn hóa không chỉ tạo không gian sinh hoạt văn hóa, văn nghệ truyền thống cho đồng bào dân tộc, mà còn tạo ra những sản phẩm du lịch mới mẻ, độc đáo, thu hút du khách. Một số địa phương đã chủ động xây dựng, ban hành những chính sách để phát triển du lịch. Nhờ đó, hoạt động du lịch, nhất là du lịch cộng đồng ở một số làng, bản của đồng bào dân tộc thiểu số bước đầu đem lại những kết quả tích cực, góp phần giảm nghèo, làm giàu, tạo nguồn thu ổn định cho người dân.

Các điểm du lịch cộng đồng trong tỉnh đã trở thành những điểm đến quen thuộc của du khách. Du lịch cộng đồng đi kèm các dịch vụ như cung cấp nhà nghỉ, hướng dẫn viên, thuyết minh viên, kinh doanh đồ lưu niệm, góp phần mang đến hàng nghìn cơ hội việc làm, cải thiện đời sống cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số.

Nguyễn Thanh

To Top