Khơi dòng cho nguồn lực nội sinh

Thủ đô Hà Nội là nơi lắng đọng những giá trị văn hóa ngàn năm. Con người Hà Nội vốn thanh lịch, hào hoa. Hà Nội cũng tích hợp nhiều giá trị văn hóa của nhân loại. Từ nền tảng ấy, Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 17 đã xác định văn hóa là nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô. Đây là một nhận thức mới, một chiến lược mới. Do đó, để hiện thực hóa chủ trương này, đòi hỏi những tư duy, những chính sách đột phá nhằm phát huy tối đa nguồn lực này.

Khách du lịch trải nghiệm hái hoa sen tại dòng sông cổ trong Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long.

Bài 1: Bước đột phá chiến lược

Hà Nội đã và đang khai thác giá trị di tích, di sản, làng nghề, ẩm thực... cũng như các loại hình nghệ thuật khác để phát triển kinh tế - xã hội. Song tầm ảnh hưởng của nhân tố văn hóa - con người trong phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế. Trước những biến đổi của thế giới, trước mặt trái của nhiều ngành công nghiệp sản xuất và nạn ô nhiễm môi trường..., Hà Nội tìm hướng mới trong xây dựng, phát triển. Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 17 đã đưa ra quan điểm chỉ đạo xuyên suốt cả nhiệm kỳ: Văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững. Đó chính là bước đột phá về tư duy, để Hà Nội phát huy giá trị riêng có của mình, hòa nhịp với sự phát triển của thế giới.

Tìm hướng đi mới trong quá trình phát triển

Hà Nội bước vào giai đoạn phát triển mới với những thành tựu hết sức to lớn. Thủ đô chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% dân số, nhưng đóng góp tới 16% GDP, 18,5% thu ngân sách của cả nước. Nhưng thành phố cũng đứng trước những thách thức về ô nhiễm môi trường, quá tải về hạ tầng, một số ngành kinh tế còn dựa vào lao động giản đơn... Về mặt xã hội, các quan hệ gia đình có xu hướng rạn nứt; nhiều hành vi xuống cấp về đạo đức xuất hiện; nếp ứng xử thanh lịch, văn minh có chiều hướng phai nhạt... PGS, TS Nguyễn Thị Hương (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) thừa nhận, nét thanh lịch Hà Nội hôm nay không còn dễ thấy như trước đây. Không ít hiện tượng lệch chuẩn xuất hiện như: Nói tục, chửi bậy, xả rác bừa bãi, chen lấn nơi thờ tự, “chặt chém” khi mua bán... Thực tế ấy, đòi hỏi Hà Nội cần tìm một hướng đi mới trong quá trình phát triển.

Những thập niên gần đây, bên cạnh ưu tiên những ngành công nghiệp sản xuất ít ô nhiễm, sản xuất thông minh, nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển tập trung vào khai thác công nghiệp văn hóa. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2019, ngành công nghiệp văn hóa thu hút 2,21% tổng lao động thế giới, nhưng lại chiếm tới gần 4,04% tổng doanh thu. Điều đó cho thấy, ngành công nghiệp văn hóa cho thu nhập trung bình rất cao. Những quốc gia có nền kinh tế phát triển thì các lĩnh vực du lịch văn hóa, thủ công mỹ nghệ, điện ảnh, truyền hình... càng phát triển. Văn phòng đại diện Cơ quan nội dung sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA) tại Việt Nam cho biết: Trước thời điểm xảy ra dịch Covid-19, doanh thu hằng năm của ngành công nghiệp văn hóa Hàn Quốc lên tới khoảng 100 tỷ USD.

Những con số nêu trên là những gợi ý để Hà Nội điều chỉnh định hướng phát triển, nhất là khi Thủ đô sở hữu 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, 1.350 làng nghề; Hà Nội cũng là nơi có hàng chục nhà hát, đoàn nghệ thuật; là trung tâm thời trang, nhiếp ảnh, hội họa, quảng cáo... là địa chỉ du lịch văn hóa hàng đầu cả nước. Thế nhưng đó mới là bề nổi. Nhìn vào bề sâu, con người chính là chủ thể sáng tạo những giá trị văn hóa. Từ bao đời nay, hiền tài bốn phương đều tụ hội về Thăng Long - Hà Nội, hun đúc thành những phẩm chất mới, vừa mang sắc thái chung của con người Việt Nam, vừa có những đặc thù riêng. Nổi bật là chất bác học, là sự tinh tế trong lối sống, là sự tế nhị, nền nã trong ứng xử... Bởi thế, Hà Nội không sao chép một hình mẫu phát triển nào, mà đề ra hướng đi riêng. Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã quyết định một định hướng lớn: Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô.

Nhận diện nguồn lực văn hóa

Từ quan điểm tại Nghị quyết Đại hội lần thứ 17, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025” (Chương trình số 06-CTr/TU), cụ thể hóa những mục tiêu, giải pháp về chiến lược phát triển nguồn lực văn hóa hướng tới phát triển bền vững. Theo quan niệm trước đây, phát triển kinh tế để xây dựng nền tảng vật chất, còn phát triển văn hóa để tạo dựng nền tảng tinh thần của xã hội. Song với định hướng mới, cần nhận diện đầy đủ; từ đó xác định vai trò, các giải pháp khai thác, phát huy, bồi dưỡng nguồn lực văn hóa. Theo PGS, TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), nguồn lực văn hóa gồm ba yếu tố cơ bản: Nguồn lực con người là những năng lực tinh thần thuộc chủ thể văn hóa, bao gồm nhận thức, năng lực, kỹ năng, đạo đức, ý chí... kết tinh trong mỗi cá nhân; nguồn lực quan hệ xã hội - văn hóa gồm những quy tắc, luật lệ, nguyên tắc ứng xử tạo thành môi trường nhân văn; thứ ba là nguồn lực sản phẩm văn hóa, gồm di tích lịch sử, văn hóa, các danh lam thắng cảnh, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các truyền thống, thị hiếu thẩm mỹ, nghệ thuật và bí quyết nghề nghiệp, thương hiệu sáng tạo... của xã hội. Dù cách thức diễn đạt khác nhau, nhưng về cơ bản, nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia khác cũng có quan điểm tương đồng. Nguồn lực văn hóa chính là nguồn lực nội sinh, gồm nguồn lực con người, các sản phẩm văn hóa do con người tạo ra và môi trường xã hội - nhân văn mà con người sinh sống.

Từ quan điểm này, để phát huy nguồn lực văn hóa, TS Trần Thị Tuyết Mai (Trường đại học Văn hóa Hà Nội) khẳng định: “Môi trường văn hóa là cái nôi hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người, cũng như hình thành lối sống của cá nhân và cộng đồng. Xây dựng môi trường văn hóa cũng là cải thiện và nâng cao chất lượng của môi trường sinh thái tự nhiên, môi trường xã hội nhân văn, hình thành và nuôi dưỡng nhân cách con người”. Nếu như con người, môi trường văn hóa là “giá đỡ”, thì phát triển công nghiệp văn hóa là mũi nhọn để chuyển hóa nguồn lực văn hóa thành giá trị kinh tế. Vì thế, phát triển công nghiệp văn hóa là yếu tố then chốt đem lại các giá trị kinh tế, đồng thời, giúp Hà Nội khẳng định thương hiệu văn hóa - thương hiệu Thành phố sáng tạo.

(Còn nữa)

GIANG NAM

To Top