'Khơi mạch' cho âm nhạc dân gian

SPL - Ngay từ thời kỳ đầu của tân nhạc Việt Nam, Việc khai thác chất liệu âm nhạc dân gian nói chung, âm hưởng dân ca, dân nhạc của đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi đã được các nhạc sĩ coi trọng.

Âm nhạc dân gian như mạch nguồn trôi chảy

Từ xưa đến nay, việc khai thác, sáng tạo tác phẩm âm nhạc khởi nguồn từ chất liệu âm nhạc dân gian của đồng bào các dân tộc luôn được các nhạc sĩ coi trọng như một mạch ngầm trôi chảy cùng thời gian.

Chất liệu âm nhạc của đồng bào các dân tộc đã xuất hiện trong các tác phẩm âm nhạc có giá trị nghệ thuật, ghi dấu ấn trong lịch sử âm nhạc nước nhà như: nhạc kịch “Cô Sao”, “Người tạc tượng” của Đỗ Nhuận, “Bên bờ K rôngpa” của Nhật Lai, “Bài ca trên núi” của Nguyễn Văn Thương, “Người Mèo ơn Đảng” của Nguyễn Thanh Phúc,“Tình ca Tây Bắc” của Bùi Đức Hạnh, “Chiếc khăn Piêu” của Doãn Nho, “Chín bậc tình yêu” của An Thuyên, “Làng Chăm ơn bác” của A Mư Nhân, “Mưa bay tháp cổ”, “Tiếng trống Pa-ra-nưng” của Trần Tiến, và hàng loạt những sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Cương như: “Đôi mắt Pleycu”, “Em đẹp thế Pleycu ơi”! “Ơi Mand’rắc”, “Còn thương nhau thì về Buôn Ma Thuột”…; “Ngã sáu Ban Mê”,“ Nhớ tháng 3 Tây Nguyên” của Linh Nga Niek Đam…

Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào DTTS là chất liệu quý cho các nhạc sĩ sáng tác.

Với 54 dân tộc trải dài trên mảnh đất hình chữ S, mỗi dân tộc, mỗi địa phương lại tạo cho vùng đất của mình, đồng bào của mình ngôn ngữ, phong tục, tập quán và những nét văn hóa, âm nhạc mang đặc trưng bản địa.

Khi nói đến việc khai thác chất liệu cũng như âm hưởng của âm nhạc miền núi, chúng ta thấy có những bài hát có thể nhận biết được ngay âm nhạc của dân tộc nào. Tuy nhiên, có những sáng tác chúng ta không thể phân định rạch ròi đó là âm nhạc của dân tộc nào mà nó chỉ mang hơi hướng, phảng phất chất liệu của âm nhạc dân tộc. Việc khai thác, sáng tạo phụ thuộc nhiều vào trình độ thẩm thấu ngôn ngữ, âm nhạc dân gian cũng như sự am tường kiến thức, văn hóa nền tảng của mỗi tác giả. Từ thực tiễn hoạt động nghệ thuật cũng như kinh nghiệm sáng tác sẽ được tác giả vận dụng vốn cổ trong nhạc mới một cách sáng tạo, tạo nên sự khác biệt mang dấu ấn tác giả. Nhạc sĩ Nguyễn Cường là một ví dụ. Âm nhạc Tây Nguyên luôn hiện diện trong các tác phẩm của ông. Tuy nhiên, không phải nghe tác phẩm của ông ta là có thể phân định rạch ròi chất liệu của Bana, Ê đê, Gia Lai,… mà cái chất Tây Nguyên ngấm vào con người ông và được bật ra một cách tự nhiên qua các tác phẩm. Trong tác phẩm của ông khó có thể phân định rạch ròi đâu là âm nhạc Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk…

Làm cho âm nhạc miền núi đa sắc màu

Nhìn lại dòng chảy của âm nhạc qua các thời kỳ, chúng ta thấy có những sáng tác rất hay về đời sống, văn hóa của đồng bào, nhất là ở những vùng văn hóa rộng lớn và đậm đặc như: Tây Nguyên, Tây Bắc. Trong sáng tạo của mình, tác giả có thể khai thác chất liệu của một giai điệu, một làn điệu nào đó, nhưng cũng có thể họ chỉ khai thác âm điệu cơ bản của dân ca đó để phát triển, nhưng tác phẩm vẫn mang hơi hướng của dân ca. Cùng với đó là sự chắt lọc tinh hoa âm nhạc thế giới để cho âm nhạc về dân tộc và miền núi ngày một đa sắc với ngôn ngữ và bút pháp sáng tạo như: “Trai rừng” của Vũ Duy Cương, “Để mị nói cho mà nghe” của Hoàng Thùy Linh,“Nói thương nhau đừng làm trái tim em đau” của Bích Phương...

Với các nhạc sĩ trẻ hiện nay, việc tiếp cận với âm nhạc của đồng bào có nhiều thuận lợi. Cách thể hiện tác phẩm cũng đa dạng và trực diện hơn như: “Trai rừng - như cây thông mọc thẳng/Nói lời yêu cũng thẳng - tao thích mày…”; hay “Để Mị nói cho mà nghe/Tết năm nay Mị vẫn còn trẻ/Xuân đương tới rồi/Nên Mị cũng muốn đi chơi…”. Cùng với đó, phương tiện truyền tải thông tin và cách để đưa tác phẩm đến với công chúng cũng có những thuận lợi, nhất là ở thời đại công nghệ 4.0, mức độ lan tỏa nhanh như vũ bão nên nhiều tác phẩm vừa xuất hiện đã nhanh chóng trở thành hot, hit chỉ trong một thời gian ngắn.

Tóm lại, để có những sáng tác mang đậm dấu ấn vùng miền. tác giả phải có vốn văn hóa nhất định, sự hiểu biết về con người, về văn hóa của vùng đất ấy và nếu được sống với đồng bào để có thể hiểu được nhịp điệu, hơi thở của đồng bào… để cảm nhận cuộc sống nương rãy của đồng bào miền núi khác với đồng bào miền xuôi như thế nào: Cách họ lên nương chỉa ngô, trồng lúa nương ra sao?... Những điều đó tạo nên linh hồn của đồng bào, nó ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ và nếu tác giả không có thời gian thâm nhập thực tế để hiểu về ngôn ngữ, về đời sống hằng ngày, về văn hóa và lịch sử thì khó có những sáng tạo nghệ thuật có sức sống lâu bền trong lòng công chúng.

Khai thác, sáng tạo tác phẩm mới, dựa trên chất liệu âm nhạc dân gian cổ truyền của dân tộc hay vùng miền nào đó, thay vì việc phải ấn định chất liệu thì hãy cứ đề âm nhạc dân gian, dân tộc ngấm vào mình một cách tự nhiên và bật ra thành giai điệu một cách tự nhiên là điều tuyệt vời nhất./.

To Top