Kiến nghị Thủ tướng cho giảng dạy văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Thời gian gần đây, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã phản ánh về những khó khăn trong việc tổ chức giảng dạy văn hóa THPT...

Ngày 26/3, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam, Hiệp hội các trường cao đẳng, trung cấp kinh tế - kỹ thuật đã gửi công văn lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc giảng dạy văn hóa THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.Trong công văn, hai Hiệp hội trên báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về việc thời gian gần đây đã nhận được nhiều thông tin của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trao đổi, phản ánh về những khó khăn trong việc tổ chức giảng dạy văn hóa THPT. Qua nghiên cứu, tìm hiểu, Hiệp hội thấy rằng việc giảng dạy văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN thực sự đang gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Cụ thể, theo quy định của luật Giáo dục nghề nghiệp, luật Giáo dục năm 2019 quy định người học tốt nghiệp THCS đi học nghề trình độ trung cấp có thể học thêm văn hóa THPT để được liên thông lên trình độ cao hơn. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm ban hành thông tư quy định về khối lượng kiến thức văn hóa THPT mà người học cần tích lũy. Tuy nhiên, đến nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa ban hành được thông tư này.

Học viên học nghề sửa chữa điện tử ở Trung tâm đào tạo nghề Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh (Ảnh minh họa: T.B)

2 Hiệp hội cũng báo cáo Thủ tướng việc trước năm 2018, tại nhiều địa phương, Sở GD&ĐT đã cho phép các trường (TC nghề, CĐ nghề, TC chuyên nghiệp, CĐ) được tổ chức giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT (học 7 môn văn hóa bắt buộc).

Người học, sau khi hoàn thành chương trình được tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT để nhận được Bằng tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, người học có bằng tốt nghiệp trung cấp nếu đã học xong khối lượng kiến thức văn hóa THPT (4 môn) theo quy định tại Thông tư số 16/2010/TT-BGDĐT thì cũng được tham dự kỳ thi đại học.

Tuy nhiên, kể từ năm 2019, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các sở GD&ĐT không cho phép các cơ sở GDNN được tổ chức giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT mà chỉ được giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 (tức là chỉ được dạy chương trình 4 môn học) để chỉ liên thông từ TC lên CĐ trong hệ thống GDNN, chứ không liên thông lên đại học (ĐH).

Thực tế ở nhiều địa phương, trong những năm gần đây, số học sinh tốt nghiệp THCS vào học GDNN ngày càng đông, trong số đó có đến trên 80% có nhu cầu học văn hóa THPT để tham dự kỳ thi quốc gia và lấy bằng tốt nghiệp THPT. Nhiều cơ sở GDNN ở các địa phương đã không được tiếp tục thực hiện giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT...

“Hiện nay, hàng trăm trường TC, CĐ có đủ điều kiện và đã được sở GD&ĐT ở các địa phương cho phép giảng dạy văn hóa THPT (bao gồm cả chương trình GDTX cấp THPT) trước đây vẫn không được giảng dạy chương trình này. Quan điểm này chưa đúng với quy định của Luật Giáo dục năm 2019 và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020, gây khó khăn cho cơ sở GDNN và nhất là cho người học” – 2 Hiệp hội khẳng định.

Từ tình hình trên, 2 Hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT cho phép các trường TC, CĐ đã được sở GD&ĐT các địa phương đồng ý cho giảng dạy chương trình GDTX cấp THPT được tiếp tục giảng dạy chương trình này cho người học đến khi có quy định mới.

Đồng thời, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT sớm ban hành thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT và việc giảng dạy văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN.

Hai Hiệp hội cho rằng kiến nghị này để thúc đẩy việc phân luồng người học sau trung học vào GDNN theo Chỉ thị số 10-CT/TƯ ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị và Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ, góp phần phát triển nguồn nhân lực qua đào tạo cho quốc gia./.

Tú Giang

To Top