Kiến tạo giá trị mới trên nền tảng di sản đô thị

Trong quá trình hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, nhiều thành phố trên thế giới đã đưa nhà máy sản xuất ra khỏi nội đô. Thay vì phá bỏ, họ giữ lại một phần hoặc toàn bộ nhà máy cũ để làm chứng nhân lịch sử kể chuyện một thời của thành phố hoặc chuyển đổi thành không gian hoạt động nghệ thuật, sáng tạo. Chiến lược này vừa làm giàu môi trường văn hóa vừa giúp cải tạo, làm mới không gian đô thị.

Tổ hợp công nghiệp mỏ than Zollverein (Đức) trở thành địa điểm thu hút hàng triệu khách du lịch mỗi năm.

Những nhà máy, xí nghiệp nằm trong khu vực nội đô vốn sử dụng công nghệ cũ, tiêu hao nhiều năng lượng hóa thạch, gây ô nhiễm môi trường nên việc bị đào thải khỏi quá trình sản xuất là một tất yếu lịch sử. Tuy nhiên, do những giá trị, ý nghĩa của di sản công nghiệp đó, nhiều chính quyền địa phương thay vì phá dỡ đã giữ lại nguyên trạng hoặc một phần để bảo tồn, cải tạo thành công trình mang giá trị văn hóa - kinh tế mới. Ðó có thể là công viên, vườn hoa, bảo tàng, khu triển lãm hoặc không gian sáng tạo nghệ thuật. Ý tưởng này thu hút đông đảo nghệ sĩ, nhà thiết kế tham gia và nhiều nhà máy cũ đã trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn. Ði đầu cho xu hướng tái tạo các di sản công nghiệp trở thành trung tâm văn hóa là các nước châu Âu. Anh, Ðức, Pháp, Hà Lan... đều là những quốc gia có nhiều di sản công nghiệp được tái tạo và được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Một điển hình của xu hướng này là tổ hợp công nghiệp mỏ than Zollverein (thành phố Essen, bang Nordrhein Westfalen, Ðức) được đưa vào hoạt động vào năm 1847. Các hoạt động khai thác, luyện than diễn ra tại đây trong gần 140 năm. Tháng 12-1986, mỏ than chính thức đóng cửa. Tuy mỏ dừng hoạt động nhưng người Ðức không “đoạn tuyệt” với quá khứ. Những tháp tải, lò giếng, băng tải than, kênh nhân tạo... vốn gắn bó với nhiều thế hệ người Ðức và là biểu trưng cho nhiều giai đoạn lịch sử, đã được chính quyền và người dân địa phương giữ lại rồi biến thành công viên văn hóa.

Ông Heinz Spahn, 80 tuổi, từng là công nhân tại mỏ than này cho biết, khi mỏ than bị đóng cửa, ông đã trở thành hướng dẫn viên giới thiệu về lịch sử nơi này cho khách du lịch. Từ một khu vực bụi bặm, ô nhiễm, Zollverein giờ đã khác hoàn toàn. Khoảng 8.000 thợ mỏ được "thay thế" bằng 1,5 triệu du khách mỗi năm. Năm 2001, mỏ than Zollverein đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Dù được xếp vào danh sách các quốc gia nghèo nhất Liên minh Châu Âu (EU), song Romania luôn khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng các nhà máy cũ bỏ hoang. Bảo tàng H33 tại thành phố Cluj-Napoca thường xuyên được người dân nước này nhắc tới như một mô hình chuyển đổi thành công một nhà máy sản xuất rượu cũ thành địa điểm trưng bày nghệ thuật. Dù mới chỉ đưa vào hoạt động từ năm 2017, song H33 đã trở thành địa điểm hỗ trợ tích cực cho các nghệ sĩ trong hoạt động nghệ thuật.

Tại Hy Lạp, mới đây, chính quyền đã thông qua kế hoạch tiếp tục chuyển đổi nhà máy thuốc lá cũ Public Tobacco thành không gian sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật. Nằm trên phố Lenorman (thủ đô Athens), Public Tobacco ghi lại những câu chuyện về thời kỳ kinh doanh nhiều lợi nhuận. Vì vậy, mặc dù đóng cửa sau 65 năm hoạt động, song địa điểm này vẫn được Bộ Văn hóa Hy Lạp công nhận là di tích lịch sử. Kế hoạch cải tạo nơi này bắt đầu khởi động vào năm 2000, tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nợ tài chính Hy Lạp năm 2009 đã làm chậm tiến độ vì không kêu gọi được các nguồn đầu tư. Hiện nay, một nửa nhà máy được sử dụng làm Thư viện Quốc hội Hy Lạp, phần còn lại phục vụ các hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Tổng chi phí cho quá trình cải tạo dự kiến khoảng 1,2 triệu USD.

Sau khi hoàn thành, sự kiện khai trương không gian nghệ thuật Public Tobacco sẽ là triển lãm mang tên “Portals”, gồm nhiều tác phẩm nổi tiếng nhằm tái hiện những sự kiện lịch sử đáng nhớ của Hy Lạp. Ông Konstantinos Tasoulas, Chủ tịch Quốc hội Hy Lạp cho biết, dự án này do Quỹ Neon đầu tư, dự kiến hoàn thành trong năm nay. Một phần của nhà máy được thiết kế trở thành bảo tàng trưng bày hình ảnh và mẫu vật trong quá trình sản xuất thuốc lá. “Chúng tôi hy vọng việc chuyển đổi mục đích sử dụng không gian này sẽ “trẻ hóa” tòa nhà và làm đẹp khu vực xung quanh. Thành công của dự án còn giúp giữ gìn linh hồn của một công trình lịch sử, nơi lưu lại nhiều kỷ niệm cho những người từng làm việc ở đây và người dân thành phố này”.

Theo các nhà quy hoạch, việc chuyển đổi các nhà máy cũ thành không gian sáng tạo có thể là một bài toán phức tạp vì cần nguồn vốn, ý tưởng và kinh nghiệm điều hành, song không thể bỏ qua. Đây là xu thế của nhiều đô thị trên thế giới và là cách thức kiến tạo những giá trị mới trên nền tảng di sản công nghiệp.

Quỳnh Dương

To Top