Kiều 'thảm họa' và thách thức 'chuyển thể phim'

Bộ phim 'Kiều @' vừa ra mắt không lâu nhưng đang gây tranh cãi dữ dội. Trên mạng xã hội, nhiều người không tiếc lời chỉ trích bộ phim là 'siêu thảm họa', 'đồi trụy, phản cảm', 'phá nát Truyện Kiều'… Cộng với những ồn ào xung quanh một số phim chuyển thể thời gian gần đây, khiến nhiều người tự hỏi: Liệu việc làm phim dựa vào các tác phẩm văn học nổi tiếng có thực sự là 'miền đất hứa' với các đạo diễn?

Nhiều khán giả cho rằng nhiều phân cảnh trong “Kiều @” không khác gì phim khiêu dâm.

Phá nát nguyên bản

Nội dung bộ phim “Kiều @” xoay quanh chuyện cô gái trẻ tên Hương vì rơi vào nghịch cảnh mà chấp nhận bán mình. Lên thành phố làm việc, Hương sa chân vào con đường đen tối, cô làm “gái ngành” để kiếm tiền nuôi gia đình. Sau này, Hương bị phát hiện làm gái, bị gia đình ruồng bỏ và liên tiếp gặp trắc trở trong cuộc sống.

Khác xa với những lời quảng bá, dự án “Kiều @” sau khi ra mắt đã bị giới phê bình và rất đông khán giả nhận xét là "thảm họa" từ nội dung, diễn xuất đến kỹ thuật. Kịch bản bị chê là vụn vặt, thiếu logic và tâm lý nhân vật hời hợt, không thuyết phục. Trong phim có cảnh Hương bị gã đàn ông sỉ nhục bằng cách vứt tiền vào người. Hương tức giận nói rằng không cần đống tiền này rồi bỏ đi. Đáng lẽ cảnh quay đó sẽ phải khiến khán giả nhỏ lệ, nhưng cuối cùng lại… bật cười vì đống tiền chỉ toàn mệnh giá 20 ngàn đồng. Một khán giả hài hước bình luận: “Khả năng nữ chính bỏ đi vì ít tiền quá! Đạo diễn cứ thử thả toàn tờ 500 ngàn xem”.

Thêm nữa, dù được quảng bá là “bộ phim Việt Nam đầu tiên làm theo phong cách one-shot (chỉ một cảnh quay duy nhất) dài hơn 90 phút” nhưng “Kiều @” lại bị la ó vì khâu dựng phim, kỹ xảo dở tệ, nhiều cú máy chao đảo, tua nhanh đến chóng mặt. Phần nhạc nền rối rắm, thừa thãi và quá to khiến khán giả như bị tra tấn. Một khán giả còn chỉ ra bộ phim thực chất được chuyển thể từ vở cải lương "Nửa đời hương phấn" và chỉ mượn danh Truyện Kiều để quảng bá.

Diễn xuất cũng là một điểm trừ của phim. Mặc dù mời hẳn người đẹp vào vai nữ chính nhưng diễn xuất của Phan Thị Mơ bị chê nhạt nhẽo, không hợp vai. Dù người đẹp đã lên tiếng “kể khổ” khi phải khỏa thân 100% để tắm tiên và phải quay liên tục 8 tiếng đồng hồ nhưng khán giả vẫn nhận xét những cảnh quay đó thừa thãi, chẳng qua là “lạm dụng cảnh nóng để câu khách”.

Đạo diễn Đỗ Thành An thì thanh minh “Kiều @” chỉ "lấy cảm hứng" từ Truyện Kiều chứ không phải chuyển thể từ kiệt tác này. Theo anh, do đó êkip được tự do hơn so với việc chuyển thể hoặc phóng tác, thoải mái hơn trong việc kể câu chuyện theo cách nhìn của riêng mình. Còn việc chịu ảnh hưởng từ Truyện Kiều hay vở cải lương “Nửa đời hương phấn”, đạo diễn cũng khẳng định không có quy định nào, hoặc định nghĩa nào về việc phải lấy cảm hứng từ một tác phẩm duy nhất (?).

Những phát ngôn của đạo diễn không những không xoa dịu khán giả mà còn khiến cộng đồng mạng bức xúc hơn. Một làn sóng kêu gọi tẩy chay bộ phim đang bắt đầu nhen nhúm, dù phim mới chỉ ra rạp vài ngày.

Lưng chừng chuyển thể

Sau thành công vang dội của “Mắt biếc” (đạo diễn Victor Vũ), các nhà làm phim Việt như được thêm “cú hích” để tự tin hơn bước vào lãnh địa màu mỡ của phim chuyển thể từ tác phẩm văn học. Tuy nhiên, cùng “vác mai đi đào” nhưng không phải ai cũng có “khoai” ăn. Những lùm xùm tạo nên thất bại của các phim “Trạng Tý” và “Cậu Vàng” là ví dụ điển hình.

Một bộ phim nữa cũng lấy cảm hứng từ Truyện Kiều sắp sửa ra mắt là “Kiều” do Mai Thu Huyền làm đạo diễn kiêm nhà sản xuất. Được kỳ vọng nhiều nhưng ngay khi những hình ảnh quảng cáo đầu tiên công bố, bộ phim đã vấp phải nhiều tranh luận, như việc sử dụng chữ quốc ngữ thay cho chữ Nôm không phù hợp với thời gian và bối cảnh của Truyện Kiều trong phim. Tạo hình, trang phục của nhân vật cũng gây bức xúc, tranh cãi.

Còn “Số đỏ” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh (được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Vũ Trọng Phụng) đang trong giai đoạn chuẩn bị khởi quay nhưng đạo diễn không giấu giếm áp lực; bởi “người xem đã biết trước diễn biến câu chuyện nên khi chuyển thể luôn cần có sáng tạo mới, không thể bê nguyên xi nguyên tác lên màn ảnh rộng, nhưng cũng không thể lồng ghép vào đó những chi tiết quá xa lạ, lạc lõng so với tổng thể chung bộ phim”.

Đánh giá về những phản ứng tiêu cực của khán giả, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng: “Khán giả muốn chuyển thể trung thực và họ tin rằng đó là cách tốt nhất truyền tải đúng và đủ các bài học, giá trị nhân văn trong truyện. Trong khi đạo diễn lại muốn sáng tạo. Nên các nhà làm phim cần học cách chấp nhận và lường trước được những tình huống như thế này. Khán giả cũng cần tránh quá khích và tấn công những người khác quan điểm”.

Nhã Khanh

To Top