Kỳ diệu đá ong

Trong tâm thức người dân ở xã Bình Yên, huyện Thạch Thất (Hà Nội), từ thế hệ này sang thế hệ khác, đá ong vẫn luôn được lựa chọn để tạo dựng nên những ngôi nhà gợi nét đẹp làng quê. Không chỉ là vật liệu xây dựng, đá ong được thuốn lên từ ruộng vườn, đồng bãi, qua bao công sức nhọc nhằn mà nên khuôn, nên hình hài những tác phẩm mang tính thẩm mỹ cao.

Nghệ nhân tỉ mỉ điêu khắc cuốn thư.

Trong tâm thức người dân ở xã Bình Yên, huyện Thạch Thất (Hà Nội), từ thế hệ này sang thế hệ khác, đá ong vẫn luôn được lựa chọn để tạo dựng nên những ngôi nhà gợi nét đẹp làng quê. Không chỉ là vật liệu xây dựng, đá ong được thuốn lên từ ruộng vườn, đồng bãi, qua bao công sức nhọc nhằn mà nên khuôn, nên hình hài những tác phẩm mang tính thẩm mỹ cao.

Vỉa đá trong lòng đất

Bên những vạt đồi hay trong khu ruộng, vườn thôn Cánh Chủ, Yên Mỹ, Sen Chi (xã Bình Yên) có thể dễ dàng gặp những người thợ, mồ hôi lã chã, hì hục đào, gọt, vận chuyển đá ong. Họ dùng thó (dụng cụ giống cây xà-beng, sắc và cứng) để tìm những vỉa đá. Nhiều khu vực đá tốt đã trở thành công trường khai thác, như một khu mỏ lớn.

Anh Vương Đình Hải, giơ cho chúng tôi xem hai bàn tay chai sần, đen đúa nói: “Cầm thó cũng phải có cách để tay không bật máu. Qua nhiều năm làm việc, da bàn tay trở nên rất dày. Một người khỏe, dùng thó đánh vật cả ngày chỉ được 30 viên đá. Người yếu thì 15 viên. Nhưng đó vẫn chỉ là viên đá thô thôi. Sau khi khai thác xong thì khuân lên xe, chở về tập kết ở bãi trong thôn hoặc xưởng chế tác, để đó một thời gian cho cứng thêm rồi đẽo lại vuông thành sắc cạnh. Sau này, dùng công nghệ máy cắt, người dân mới có thể khai thác được những khối đá lớn, nặng vài tấn. Đá đó để điêu khắc các hình khối lớn như hổ, voi, gấu, cột nhà, cuốn thư… tùy nhu cầu sử dụng và yêu cầu của khách đặt hàng”.

Ở phía xa, một nhóm thanh niên đang hì hục vận chuyển đá. Anh Tăng Văn Tam, vừa xếp đá lên xe nói: “Khai thác là công việc nặng nhọc, đòi hỏi tính kiên nhẫn. Nếu làm vội, làm ẩu thì khó lấy được viên gạch vuông. Thợ thuốn khéo thì những viên gạch đều nhau”.

Qua tìm hiểu, đá ong là tài nguyên sẵn có ở các huyện Thạch Thất, Ba Vì nhưng chất lượng tốt nhất là ở Bình Yên. Nhưng, đá ong ở Bình Yên cũng có hai loại, lộ thiên và nằm trong lòng đất. Trước đây người dân thường tranh thủ khai thác đá lộ thiên, nay chỉ còn đá nằm trong đất. Ông Vương Văn Hùng, chủ cơ sở chế tác đá Hùng Châu, tâm sự: “Đá trong lòng đất có ba lớp là: sản, thăn, chân. Lớp sản ở trên cùng có đặc điểm kết cấu kém, dễ bở. Phần thăn ở giữa là tốt nhất, vì hoa của đá nhỏ, có độ kết cấu chắc. Loại chân ở dưới cùng cũng được khai thác, nhưng chủ yếu để làm những công trình đơn giản hơn. Ngày xưa dân chúng tôi thường tranh thủ ngày nông nhàn để thuốn đá, dùng xe bò cải tiến hoặc xe đạp thồ chở về. Các hộ tích cóp đến năm bảy tháng, có khi một hai năm mới đủ xây một ngôi nhà”.

Đá ong vốn xốp, lỗ chỗ như tổ ong. Do thành phần cấu tạo chủ yếu là ô-xít sắt và nhôm, nên lúc còn nằm sâu dưới lòng đất thì khá mềm, nhưng khi đào lên gặp không khí, càng để lâu càng cứng. Khi sử dụng làm vật liệu xây dựng, tường đá ong có khả năng cách nhiệt nên mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông, có độ bền cao và thân thiện môi trường.

Thân thương nét quê

Xã Bình Yên là vùng đồi thấp, thanh bình, còn giữ được nhiều nét đẹp văn hóa cổ truyền. Vùng quê này cũng được tôn thêm vẻ đẹp bởi những công trình nhà, cổng, tường bao, giếng… thậm chí đình, chùa xây dựng bằng chất liệu đá ong giản dị, mộc mạc nhưng rất đỗi thân thương.

Gặp gỡ, trao đổi với những người thợ làm trong các xưởng chế tác và điêu khắc, càng thấm thía sự bền bỉ, tỉ mỉ của họ. Ngay như việc đẽo những viên gạch sao cho vuông thành, sắc cạnh, mỗi người thợ cũng phải dùng thước đo, dùng dao đẽo để viên gạch đẹp nhất. Khó nhất là từ những khối đá đục thành những con giống, những chiếc cột nhà, chùa hoặc cột cổng. Bởi trên đó còn có hình long, phượng và nhiều nét văn hoa phức tạp với chi tiết rất nhỏ.

Hiện nay, ở xã Bình Yên có 15 hộ mở xưởng chế tác và điêu khắc đá. Họ không chỉ cung cấp vật liệu cho người dân, chủ công trình khi có nhu cầu mà còn chịu trách nhiệm thi công những công trình ấy. Để tạo điều kiện cho thanh niên, thợ đá trong làng có việc làm, thu nhập cao, những chủ xưởng thường tổ chức các đội sản xuất của mình gồm vài chục người, như: đội khai thác, đội đẽo đá đơn giản, đội điêu khắc mỹ thuật, đội thi công công trình. Ông Vương Văn Hùng, chủ cơ sở chế tác đá Hùng Châu chia sẻ: “Sản phẩm của chúng tôi đã được đưa về nhiều vùng trong cả nước, như Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, thậm chí được đưa vào miền trung, TP Hồ Chí Minh. Trong vòng 10 năm trở lại đây, nhu cầu về vật liệu xây dựng tự nhiên càng lớn. Có những nơi đặt chúng tôi điêu khắc cả một cái cổng chùa, cổng xóm hoặc một ngôi nhà. Để đáp ứng nhu cầu đó, bàn tay người thợ lại phải tự học, trở nên khéo léo và giỏi nghề hơn”.

Đá ong có thể làm được nhiều công trình kỳ vĩ. Nhiều người nhìn vào những công trình, với những bức phù điêu, con giống, hình tứ linh… lại cứ tưởng người dân nghiền đá ra, đóng hoặc nặn thành. Nhưng tất cả phải là khối đá tự nhiên, được điêu khắc bằng thủ công, với khối óc của người thợ đạt đến trình độ nghệ nhân, có khả năng “thổi hồn” vào tác phẩm. Với chiếc cổng phức tạp, các nghệ nhân làm từng bộ phận rồi chắp mối lại bằng kỹ thuật cao. Qua trò chuyện, được biết nhiều người có khả năng điêu khắc đá ong, nhưng để tạo thành tượng những con giống, tượng người có hồn, sức sống thì khó ai theo kịp ông Tăng Hữu Dũng. Hầu như các công trình ở miền bắc muốn có tượng đá ong ưng ý đều tìm đến đặt hàng ông Dũng.

Những thớt đá ong, những nếp nhà cổ hay công trình từ đá ong được người dân bao đời lưu giữ như câu chuyện của cụ Vương Văn Huệ và nhà văn Hà Nguyên Huyến, những người con xứ Đoài. Với họ, hàng trăm năm qua từ bước chân cho đến tâm hồn của người dân chốn này đã mặc nhiên “ngấm” cái cốt tủy của viên đá ong. Bao nhiêu nấc thang dẫn lên chùa Tây Phương là bấy nhiêu bậc xây bằng đá ong cổ kính. Gian nhà chính điện, hậu điện, hậu cung cho đến nhà sắp lễ chùa Tây Phương đều được đặt trên nền móng đá ong.

Rồi ngay cả cái tên Thạch Thất huyện cũng mang nét đặc sắc riêng biệt của văn hóa xứ Đoài, gắn với đá ong độc đáo. Bởi “Thạch” theo tiếng Hán có nghĩa là đá, “Thất” nằm trong cụm từ “gia thất”, chỉ đặc điểm của vùng đất xây dựng nhà cửa bằng đá ong.

Một cổng làng được xây dựng từ chất liệu đá ong.

NGUYỄN VĂN HỌC

To Top