Ký sự:Giải phóng Trường Sa - 'cánh quân thứ sáu' trong mùa xuân toàn thắng

Đã 46 năm trôi qua kể từ ngày Trường Sa, quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, phần máu thịt được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là 'những mảnh đất xa xôi, chập chờn trên sóng gió Biển Đông' được hoàn toàn giải phóng. Chiến dịch lịch sử ấy đã diễn ra như thế nào, gợi mở gì cho hôm nay? Những người Trường Sa 1975 thầm lặng viết nên chiến công vĩ đại ấy đã chiến đấu ra sao và nay ở đâu? Báo Quân đội nhân dân Điện tử xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt ký sự lịch sử kèm những hình ảnh tư liệu quý hiếm về một chiến dịch đặc biệt còn rất nhiều bí mật cần 'giải mã'.

Ý tưởng giải phóng Trường Sa có từ khi nào? Một trong những tướng lĩnh từng chứng kiến và hiểu rõ câu chuyện này là Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Phó cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu, người từng có mặt ở “Tổng hành dinh” trong suốt những năm quyết liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau này, ông cũng là một trong những người đầu tiên được giao nhiệm vụ tham gia đoàn tiếp quản quần đảo Trường Sa sau giải phóng.

Ở tuổi 92, vị tướng già vẫn nhớ như in sự hình thành của quyết định lịch sử ấy: “Tháng 10 năm 1974, Bộ Tư lệnh Hải quân và một số tướng lĩnh nữa đề đạt với Đại tướng Võ Nguyên Giáp kế hoạch giải phóng Trường Sa, Đại tướng đồng ý...”. Cuối năm 1974, Cục Tác chiến phối hợp Cục Quân báo đánh giá tình hình ngụy quyền Sài Gòn, địch đã suy yếu rõ rệt trên mọi hướng, trong đó có cả hướng biển.

Nhưng phải đến cuối tháng 3-1975, ý tưởng này mới trở thành chủ trương chiến lược. Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh cho biết: Sau giải phóng Buôn Mê Thuật, ngày 24-3-1975, đồng chí Lê Hữu Đức lúc đó đang là Cục trưởng Cục Tác chiến đã báo cáo lên Bộ Tổng tham mưu chủ trương đề nghị nhanh chóng giải phóng quần đảo Trường Sa do quân Ngụy đang chiếm giữ. Bộ Tổng Tham mưu nhất trí và đề nghị lên Quân ủy Trung ương, Bộ Chính trị.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh trả lời phỏng vấn Báo QĐND Điện tử.

Ngày 25-3-1975 là một ngày lịch sử, khi chiến dịch Trị - Thiên và chiến dịch Nam - Ngãi còn chưa kết thúc, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp, nhận định: Địch dù quyết “tử thủ” vẫn không thể giữ nổi Đà Nẵng, thời cơ chiến lược đã tới, trong suốt 20 năm chống Mỹ cứu nước, chưa bao giờ thuận lợi bằng lúc này. Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975. Cũng tại cuộc họp này, Quân ủy Trung ương đưa ra một kiến nghị đặc biệt, được Bộ Chính trị ghi bổ sung vào nghị quyết: "Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo quân ngụy đang chiếm giữ".

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, trước và sau quyết định lịch sử ấy, có tầm nhìn và vai trò rất quan trọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngay sau cuộc họp, theo chỉ thị của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Cục Tác chiến đã cử cán bộ sang Bộ Ngoại giao xin cung cấp tài liệu, bản đồ về các đảo, quần đảo Việt Nam và chuyển lệnh của Bộ Tổng tham mưu cho Bộ Tư lệnh Hải quân phái ngay sở chỉ huy tiền phương vào Đà Nẵng, vừa tiếp quản căn cứ hải quân ngụy, vừa chuẩn bị sẵn sàng phát triển chiến đấu trên biển, giải phóng các đảo của ta.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh. ảnh: PHAN THANH HÀ

Sau mấy chục năm nhìn lại sự kiện này, Đại tá PGS, TS Trần Ngọc Long, nguyên Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự phân tích: Quần đảo Trường Sa có vị trí chiến lược rất trọng yếu cả về kinh tế và quân sự. Giải phóng quần đảo Trường Sa đúng thời cơ là nhiệm vụ chiến lược, nhưng rất nặng nề, phức tạp, đầy khó khăn, vì quần đảo quá xa đất liền, hải quân ta lúc đó chưa đủ mạnh; phương tiện vượt biển nhỏ; phương tiện đổ bộ cần thiết lại thiếu… Tuy nhiên, với ý thức đầy đủ về trách nhiệm đối với nhân dân và với Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Bộ Tổng tư lệnh, ngay từ đầu năm 1975, Bộ tư lệnh Hải quân đã tiến hành chuẩn bị và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ trên các hướng biển nhằm giải phóng các đảo và quần đảo khi có lệnh.

“Sau thắng lợi chiến dịch Huế-Đà Nẵng, đồng chí Lê Trọng Tấn, Tư lệnh chiến dịch được lệnh ra Thủ đô Hà Nội báo cáo. Trong buổi làm việc với đồng chí Lê Trọng Tấn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã dành thời gian truyền đạt kỹ hơn tinh thần chỉ đạo của Thường trực Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh về việc giải phóng các đảo trên Biển Đông, trong đó đặc biệt lưu ý việc giải phóng các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa” -Đại tá PGS, TS Trần Ngọc Long kể.

Trong cuốn hồi ký Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành riêng một chương “Giải phóng Trường Sa” với những phân tích hết sức sâu sắc về sự kiện. Đại tướng gọi việc xác định chủ trương giải phóng Trường Sa là “một sự kiện đặc biệt đã diễn ra ngoài kế hoạch chiến lược ban đầu”.

Đại tướng cho biết thêm, sau ngày 25-3-1975: “Quân ủy điều anh Hoàng Trà, Chính ủy Hải quân về làm việc cạnh Bộ Tổng Tham mưu, giúp theo dõi tình hình địch trên biển, kiến nghị về nhiệm vụ của Hải quân trong trận tổng giao chiến cuối cùng. Tôi cũng yêu cầu Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Ngoại giao cung cấp tài liệu về các đảo, quần đảo thuộc vùng biển của Việt Nam, đồng thời chỉ thị cho Cục Quân báo nắm tình hình địch ở Biển Đông”.

Đánh giá về vị trí chiến lược của Trường Sa, Đại tướng đã phân tích lịch sử quần đảo và nhắc lại sự kiện ta đã sử dụng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa làm nơi tạm dừng trên "đường Hồ Chí Minh trên biển", dựa vào chướng ngại thiên nhiên là các bãi san hô ngầm dưới nước để mở con đường chi viện lịch sử. “Sự kiện Trung Quốc tiến công quân ngụy, đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa ở phía bắc ngày 20-1- 1974, càng cho thấy tầm chiến lược của những mảnh đất xa xôi, chập chờn trên sóng gió Biển Đông. Nhãn quan chiến lược quân sự của Bộ thống soái tối cao, đã nhìn rõ vấn đề. Cần tổ chức giải phóng kịp thời phấn đất này. Nếu chậm, để quân đội nước khác xâm chiếm nơi đây, tình hình sẽ rất phức tạp” – Đại tướng viết trong hồi ký.

Đại tướng viết tiếp: “Ngày 2-4, tại Tổng hành dinh, sau khi nghe báo cáo về trận Đà Nẵng, tôi trực tiếp chỉ thị cho anh Lê Trọng Tấn: Ngoài nhiệm vụ truyền đạt mệnh lệnh cho Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân, tổ chức tiến công giải phóng các đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa…Theo thăm dò, triển vọng ở đây có dự trữ dầu lửa lớn. Với tầm nhìn chiến lược, có thể thấy biển và đại dương sẽ là nguồn tài nguyên chủ yếu của nhân loại kể từ thế kỷ XXI”.

Sau khi bàn bạc thống nhất với Quân ủy Trung ương và Tư lệnh chiến dịch Lê Trọng Tấn, 17 giờ 30 phút ngày 4-4-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký bức bức “mật điện” số 990B/TK sau đó tốc chuyển đến đồng chí Võ Chí Công, Chính ủy Quân khu 5 và đồng chí Chu Huy Mân, Tư Lệnh Quân khu 5. Cùng thời điểm này, Tư lệnh Hải quân Nguyễn Bá Phát đang có mặt tại Đà Nẵng cũng nhận được mật điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đồng chí Nguyễn Bá Phát nhanh chóng trao đổi với Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân và giao nhiệm vụ cho Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân Hoàng Hữu Thái, yêu cầu tổ chức lực lượng thực hiện Chỉ thị của Bộ Tổng tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, tranh thủ thời cơ giải phóng Trường Sa, kiên quyết không để lực lượng nào khác đến đánh chiếm trước.

Nội dung bức điện như sau:

“Điện đặc biệt 4-4-1975 gửi Khu ủy và Bộ tư lệnh Khu V và Bộ tư lệnh Hải quân.

Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, Thường vụ Quân ủy giao nhiệm vụ cho Khu ủy, Quân khu ủy và Bộ tư lệnh Khu V, Bộ tư lệnh Hải quân khẩn trương nghiên cứu kế hoạch tác chiến và tiến hành mọi công tác chuẩn bị để khi có thời cơ kịp thời giải phóng Quần đảo Trường Sa, coi đó là một nhiệm vụ rất quan trọng”.

Đây là bức điện đầu tiên của Quân ủy Trung ương chỉ đạo việc giải phóng các đảo và quần đảo Trường Sa vào tháng 4 năm 1975. Tiếp sau đó, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh tiếp tục chỉ thị những nhiệm vụ cụ thể, nhằm giải phóng đảo và quần đảo cho Bộ tư lệnh Quân khu 5 và Bộ tư lệnh Hải quân. Việc giải phóng quần đảo Trường Sa đã nhấn mạnh về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo.

Về tính chất “mật” của bức điện, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói thêm trong hồi ký: Chiều 4-4, Quân ủy Trung ương điện tiếp cho Quân khu 5: "Thực hiện kịp thời đánh chiếm các hòn đảo ở vùng Nam Hải... Việc này phải chuẩn bị gấp và bí mật, chỉ để cán bộ có trách nhiệm biết".

Theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Mệnh lệnh được thi hành tức khắc. Quân khu 5 cùng Bộ Tư lệnh Hải quân triển khai ngay kế hoạch tác chiến. Các lực lượng của Quân khu 5 cùng một biên đội tàu và lực lượng đổ bộ của Hải quân được tổ chức lại gồm: Các tàu vận tải của Đoàn 125 vừa từ Hải Phòng vào tiếp quản Đà Nẵng; những con tàu không số này vốn từng quen với "đường mòn Hồ Chí Minh trên biển", nhiều lần qua lại khu vực quần đảo Trường Sa nên đã quen nhận dạng, phân biệt các đảo, và cũng có kinh nghiệm tránh đá ngầm; Đội 1 Đoàn 126 đặc công là đơn vị có bề dày thành tích với cách đánh bí mật, bất ngờ, đã đánh chìm nhiều tàu địch ở chiến trường Cửa Việt. Chỉ huy trưởng là đồng chí Mai Năng.

Ngày 9-4, Cục Quân báo phát hiện địch rút quân khỏi các đảo ở biển Nam Hải. Quân ủy Trung ương điện "tối khẩn" cho các anh Võ Chí Công, Chu Huy Mân, đồng điện cho anh Hoàng Hữu Thái, Phó tư lệnh Hải quân ở Đà Nẵng: "Có tin quân ngụy chuấn bị rút khỏi đảo Nam Sa. Các anh cho kiểm tra lại ngay và chỉ thị cho lực lượng ta hành động kịp thời theo phương án đã định. Nếu để chậm, có thể quân nước ngoài chiếm trước, vì hiện nay một số nước ngoài đang có ý đồ xâm chiếm" – Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết trong hồi ký.

Tư lệnh Quân khu 5 Chu Huy Mân giao nhiệm vụ cho Đại tá Nguyễn Chơn, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2. Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 2 giao cho Trung tá Nguyễn Thanh Thí, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 38 và Thiếu tá, Chính ủy Trần Dược trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 4 và một bộ phận của Trung đoàn pháo binh 368 phối hợp với biên đội 3 tàu hải quân 673, 674, 675 của Đoàn 125 do các đồng chí Nguyễn Văn Đức, Phạm Duy Tam, Nguyễn Xuân Thơm làm thuyền trưởng và Đoàn Đặc công 126 từ Hải Phòng vào hợp thành Đoàn C75 do đồng chí Mai Năng, Đoàn trưởng Đoàn đặc công 126 làm Tổng chỉ huy lực lượng giải phóng Trường Sa.

Cách đây vài năm, người viết bài này có may mắn được nhiều lần trò chuyện, viết bài và được Thiếu tướng Mai Năng, nguyên Tư lệnh Binh chủng Đặc công, cũng là người chỉ huy trung đoàn đặc công nước 126 tham gia giải phóng Trường Sa. Tôi còn có cơ duyên được ông tin tưởng trao cho nhiệm vụ chấp bút cuốn hồi ký về cuộc đời binh nghiệp sôi động của ông. Những lời ông kể về những ngày giải phóng Trường Sa vẫn như văng vẳng bên tôi:

“Nhiệm vụ đánh chiếm đảo rất khẩn trương, Bộ Tư lệnh Hải quân giao cho đồng chí Hoàng Hữu Thái, Phó tư lệnh Quân chủng phụ trách. Sở chỉ huy của quân chủng đặt tại Đà Nẵng.

Đoàn 125 cử một biên đội gồm 3 tàu: 673, 674 và 675 thực hiện nhiệm vụ chở quân đi đánh đảo và tham gia chiến đấu. Phân đội tàu do đồng chí Dương Tấn Kịch, Tham mưu trưởng và đồng chí Trần Phong, Tham mưu phó Đoàn 125 chỉ huy. Đơn vị đánh chiếm các đảo là Đội 1 (Đoàn 126) do đồng chí Đội trưởng Nguyễn Ngọc Quế chỉ huy.

Toàn bộ lực lượng đi giải phóng Quần đảo Trường Sa do tôi, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 126 chỉ huy; đồng chí Dương Tấn Kịch, Tham mưu trưởng Đoàn 125 chỉ huy phó; đồng chí Toản phụ trách công tác chính trị”.

Lực lượng giải phóng Trường Sa được thành lập lúc này quả là một đội hình “4 binh chủng…hợp thành” gồm: lực lượng thuộc trung đoàn đặc công 126, lực lượng của Tiểu đoàn Đặc công nước 471 (Quân khu 5) (đặc công), lực lượng thuộc tiểu đoàn 4, Trung đoàn 38, sư đoàn 2 (bộ binh), Quân khu 5, một bộ phận của Trung đoàn pháo binh 368 (số lượng ít), phối hợp với biên đội 3 tàu hải quân (vận tải) thành đoàn C75.

Khoảng 4 giờ ngày 11-4-1975, biên đội 3 tàu 673, 674, 675 (sau giải phóng Song Tử Tây bổ sung thêm tàu 641) của Đoàn 125 - Đoàn tàu Không số chở C75 bí mật rẽ sóng từ Đà Nẵng, thẳng tiến Trường Sa…

Ở trong bờ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn dõi theo từng cánh quân thần tốc trên bộ và canh cánh nghĩ về C75 trên biển. Ngày 13-4, Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện cho đồng chí Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5 dặn dò rất cụ thể: “Thời cơ cụ thể đánh chiếm là: a) Nếu địch đã rút toàn bộ hoặc rút đại bộ phận thì đánh chiếm ngay. Nếu quân nước ngoài đánh chiếm trước thì đánh chiếm lại; b) Nếu địch mới có triệu chứng rút hoặc bắt đầu rút thì theo dõi, kịp thời đánh chiếm khi địch rút đại bộ phận; c) Khi tình hình chung của địch nguy khốn, nhất là tình hình địch ở trọng điểm, thì đánh chiếm ngay. Hai thời cơ cụ thể trên do anh theo dõi và quyết định. Thời cơ cụ thể thứ ba tôi sẽ kịp thời báo anh khi xuất hiện".

Nhưng những gì xảy ra trên biển đều không hẳn như dự kiến…

(Còn nữa)

Toàn cảnh đảo An Bang hôm nay.

Tổ chức thực hiện: NGUYỄN VĂN MINH - TRỊNH DŨNG

Nội dung: TRỊNH DŨNG-NGUYỄN VĂN MINH

Trình bày, đồ họa: TÔ MINH NGỌC - VĂN PHONG

Video: PHAN THANH HÀ

Ảnh: CHU DŨNG, VĂN PHONG, BÁO HẢI QUÂN VIỆT NAM, TƯ LIỆU...

To Top