Làm cống ngầm kết hợp cao tốc dọc sông Tô Lịch: Lại dự án trên trời?

Dự án sử dụng nguồn vốn viện trợ từ phía Nhật Bản nhưng lại chưa thể tính được tổng mức đầu tư cũng như mục đích của nhà đầu tư. Nhiều chuyên gia cho rằng đó là sự viển vông, xa rời thực tế.

Tổng mức đầu tư chưa thể tính được

Mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (Cty JVE) vừa có thêm đề xuất lập quy hoạch hệ thống cống, cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch (TP Hà Nội) để chống ngập, đây là đơn vị đã từng tham gia xử lý mùi hôi thối trên sông Tô Lịch, bãi rác Nam Sơn bằng Nano-Bioreactor, đồng thời từng công bố ý tưởng cải tạo toàn bộ sông Tô Lịch bằng đề án "Công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh Tô Lịch".

Theo đề xuất, dự án mong muốn sẽ giải quyết được 3 vấn đề dân sinh của Thủ đô. Đó chính là ô nhiễm môi trường nước, ùn tắc giao thông nội đô xảy ra hàng ngày và úng ngập khi mưa bão.

Mặt cắt ngang hệ thống hầm ngầm khổng lồ chống ngập kết hợp cao tốc ngầm chống ùn tắc.

Công ty JVE cho biết, hệ thống hầm ngầm khổng lồ chống ngập kết hợp cao tốc ngầm chống ùn tắc nội đô trong đó cao tốc ngầm thiết kế hai tầng, tầng trên bố trí chiều xe chạy theo hướng đường vành đai 3 - Võ Chí Công - sân bay Nội Bài. Tầng dưới bố trí chiều xe chạy theo hướng đường Võ Chí Công - đường vành đai 3 - Linh Đàm.

Mỗi tầng được thiết kế với 3 làn xe, trong đó 2 làn di chuyển chính với tốc độ tối đa cho phép là 80 và 60km/h và 1 làn dừng xe khẩn cấp. Giúp giảm tải lưu lượng xe ô tô lưu thông ở trên tuyến đường để giảm ùn tắc.

Bên dưới đường cao tốc ngầm sẽ là một hệ thống chống ngập khổng lồ bao gồm các giếng thu nước, hầm ngầm thoát nước (đặt phía dưới tầng cao tốc ngầm) và bể điều áp khổng lồ, góp phần giải quyết tận gốc vấn đề ngập úng trong khu vực nội đô. Bao gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, một phần quận Tây Hồ, một phần huyện Thanh Trì với tổng diện tích lưu vực là 77,5km2.

Hai hệ thống trên được bố trí trong một đường hầm khổng lồ có đường kính 16,8m chạy dài khoảng 11,65km dọc Công viên Tô Lịch và được thi công bởi máy đào hầm TBM hiện đại nhất hiện nay từ Nhật Bản. Dự kiến độ sâu trên 30m và không ảnh hưởng đến kết cấu công trình, dòng chảy hiện có.

"Việc xây dựng công trình này không chỉ giải quyết được vấn đề hiện tại về úng ngập nội đô mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an toàn không bị ngập úng cho các công trình hạ tầng ngầm hiện đại trong tương lai như hệ thống các tuyến tàu điện ngầm của thành phố" - ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch JVE Group cho biết.

Thậm chí, khi trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch JVE Group cho biết, tổng mức đầu tư của dự án chưa thể tính được trong giai đoạn này vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, dự án sẽ sử dụng nguồn vốn viện trợ từ phía Nhật Bản, không phải dự án BOT nên sẽ không thu phí sử dụng của người dân.

Viển vông và khác xa thực tế

Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng, Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho rằng, vào mùa mưa, Hà Nội có nhiều điểm ngập lụt cục bộ do hệ thống thoát nước của Thủ đô chưa hợp lý và chưa tốt.

Việc đề xuất lập quy hoạch hệ thống cống, cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch để chống ngập cần phải xem xét, đánh giá toàn diện sao cho có phù hợp với quy hoạch tương lai của hệ thống giao thông ngầm, điện, cáp ngầm...Đặc biệt, có mang lại hiệu quả kinh tế hay không hay lại gây lãng phí?

“Tôi ủng hộ Hà Nội xem xét các loại đề xuất, ý tưởng, còn việc ủng hộ dự án hay không còn phụ thuộc vào tính thuyết phục của nó. Nhưng cũng cần phải tuyên dương về một ý tưởng, đề xuất trên vì họ cũng có thiện chí với môi trường, giao thông đô thị Hà Nội. Chính quyền Hà Nội cần phải xem xét thật kỹ sao cho phù hợp với kinh tế, kỹ thuật và môi trường” – Tiến sĩ Đồng chia sẻ.

Nhiều chuyên gia cho rằng dự án là bất khả thi và viển vông

Chia sẻ trên Tạp chí Kinh tế Môi trường, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông, người có hơn 30 năm nghiên cứu về giao thông đô thị Hà Nội nhận định, nếu như dự án này thực hiện được thì rất tốt vừa giải quyết triệt để được ngập úng và tắc đường tồn tại nhiều năm qua ở khu vực nội đô Hà Nội. Tuy nhiên, ý tưởng này tỏ ra rất viển vông và khác xa thực tế.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy phân tích, đây là ý tưởng viển vông bởi vì tiền đâu mà làm, chi phí xây dựng cho dự án này rất lớn. Nếu như xây dựng một dự án cao tốc trên cao mất khoảng 10 đồng thì xây dựng dự án ngầm dưới đất sẽ mất 30 đồng thậm chí là hơn. Nếu như được viện trợ nguồn vốn từ phía Nhật Bản thì quá tốt, tiện cho việc đi lại của người dân nhưng liệu rằng có thực hiện hóa được hay không?

KTS Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường trực ban chấp hành Hội Kiến trúc sư Hà Nội cũng đã từng khuyến cáo bản chất dòng sông Tô Lịch là “công sản” nhưng được gia tăng giá trị bằng dự án thoát nước và xử lý nước thải của Hà Nội do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA tài trợ vốn tới 1,5 tỷ USD, đang gánh vác hai nhiệm vụ chính là thoát nước và xử lý nước thải của Thủ đô.

Do đó, cần làm rõ nhiều nội dung bao gồm việc các nhà đầu tư tiếp vào đó thì sẽ thành sở hữu của ai, vì lợi ích của ai? Hay dự án sau đó biến thành sở hữu tư nhân, đem lại lợi ích cho nhóm đầu tư giống như bài học xương máu của kênh thoát nước Nghĩa Đô và kênh phố Phan Kế Bính.

Mời quý độc giả xem thêm video: Công nhân môi trường “oằn” lưng vì rác Tết

Nguồn: ANTV

Hiểu Lam

To Top