Lần đầu tiên đạo diễn Việt 'bóc phốt' diễn viên: Bệnh sao, bảo sao…

Hình như lần đầu tiên trong lịch sử phim ảnh Việt có chuyện đạo diễn 'bóc phốt' diễn viên. Lời lẽ đầy đau xót: 'Có diễn viên chính nào mà không đăng PR poster, trailer, nhạc phim… Những cái đăng thì toàn phải năn nỉ ỉ ôi và đăng toàn những thứ đi ngược lại với kế hoạch truyền thông của ê-kíp.

Nhã Phương khóc và xin lỗi khi đến muộn họp báo phim Song song hai tiếng

Có diễn viên chính nào không cho lịch ra mắt phim tại Hà Nội, ra mắt phim trong Sài Gòn, em báo chỉ đến tham dự rồi 19h45 đi. Vậy sao kết thúc phim chào khán giả, sao phỏng vấn báo chí sau đó? Có diễn viên chính nào báo lịch cinetour từ sớm mà cho lịch có một ngày duy nhất? Một ngày làm sao đi? Đi rạp nào? Không cho lịch phỏng vấn báo chí, không cho lịch giao lưu fan, không cho lịch giao lưu các chương trình điện ảnh, dù tất cả những điều này có trong hợp đồng và đã báo từ trước. Suốt quá trình bấm máy em đủ chiêu đủ trò, anh cũng im lặng giữ cảm xúc để (chỉ đạo) diễn xuất. Còn bây giờ là thời khắc quan trọng, em như vậy thì không thể chấp nhận..,".

Đáng chú ý là một số bạn nghề tỏ ra đồng cảm với Nhất Trung. Chẳng hạn Nguyễn Phương Điền: “Thương và hiểu em. Anh cũng bị bé đó hành hạ một tháng trời, cho dù anh chỉ là người làm phim truyền hình”. Ban đầu đạo diễn phim sắp ra rạp 1990 nói phiếm chỉ, sau đó chỉ thẳng mặt: Nhã Phương- gương mặt được đánh giá vừa có nhan sắc, vừa thực lực của phim Việt những năm gần đây, mặc dù cô thực sự chưa có vai nào gọi là để đời.

Tất nhiên cũng có khán giả lên tiếng bênh vực Nhã Phương, cho rằng Nhất Trung thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp đi triệt hạ sự nghiệp của cô. Đúng là Trung có những lời lẽ nặng nề, rất đụng chạm. Cũng có người cho rằng Trường Giang (từng bị đạo diễn Lưu Huỳnh “tố” bệnh ngôi sao) ảnh hưởng xấu tới bà xã.

Đành rằng có phim bom tấn hoặc được giải lớn là thước đo cho đẳng cấp hiện thời của ngôi sao. Nhưng một người chỉ chắc chắn là sao khi được ghi nhận bằng những giải kiểu như “thành tựu trọn đời” hoặc đơn giản liên tục có những vai nặng ký từ khi xuân sắc đến tận lúc về già. Meryl Streep chẳng hạn. Ngoài tài năng nổi trội, những nhân vật như thế bằng sự nghiệp bền vững còn khẳng định họ có chỉ số EQ và năng lực hợp tác cùng đồng sự rất đáng nể. Bởi diễn viên “sao” ở đâu chứ lại “sao” với chính những người giúp mình làm nghề thì thật không hợp logic tí nào. Tất cả hào quang bạn có được đều có sự hỗ trợ của họ kia mà.

Điện ảnh Việt Nam càng về sau này càng ít có những diễn viên làm nghề bền như Trà Giang, Như Quỳnh… trước đây. Tuổi nghề của các diễn viên ngày càng ngắn. Tất nhiên là có vô số lý do. Làm sao có thể có diễn viên lớn nếu không có những đạo diễn lớn, biên kịch “khủng”.

Nhưng một trong các lý do cũng chính là bệnh ngôi sao. Nhà sản xuất, đạo diễn Lý Hải mới đây giải thích vì sao các diễn viên từng đóng Lật mặt với anh hiếm khi xuất hiện trở lại trong các phần kế tiếp. Đó là sau mỗi kỳ Lật mặt thành công về doanh thu thì diễn viên khi được mời lại cũng thường “lật” cát-xê. Tức là họ lấy thù lao không căn cứ vào vị trí của bản thân mà vào số tiền nhà sản xuất kiếm được từ phim.

Ngôi sao sáng nhất của màn ảnh Việt những năm 1990, Việt Trinh từng cho hay vô cùng hối hận vì thói ngạo mạn coi mình là trung tâm khi đang ở đỉnh cao danh vọng. Nhưng có thể thấy cho dù có thay đổi tâm tính thì cái duyên làm nghề của cô cũng không thể lấy lại. Nữ diễn viên từng nhận thù lao 10 cây vàng đành chuyển qua làm nghề từ vị trí đạo diễn.

Bên ca nhạc có một giọng nữ từng rất “hot" trong các thập niên trước, chỉ vì hét cát-xê quá cao mà các nhà sản xuất đồng loạt tẩy chay khiến cô mất nghiệp luôn. Tất nhiên thời đó các ông bà bầu quyền lực hơn bây giờ.

Do đặc thù công việc nên ca sĩ, diễn viên thường có cơ hội đặt lòng yêu nghề và thu nhập lên bàn cân. Và tùy theo đó mà họ sẽ có việc để làm khi về già: ngồi đếm tiền hoặc đếm vai diễn, album, liveshow… Nhưng nếu không chăm chỉ, tâm huyết với nghề thì lấy đâu ra tiền để đếm, và càng không có căn cứ gì để tỏ ra ta đây “sao”.

N.M.Hà

To Top