Lan tỏa nét văn hóa ngày Tết

Tết là dịp những giá trị văn hóa được thể hiện và tôn vinh đầy đủ, sinh động nhất. Ở Cần Thơ những năm gần đây, nét đẹp văn hóa Tết cổ truyền vẫn luôn được giữ gìn và lan tỏa.

Học sinh trải nghiệm tập múa lân trong chương trình “Sắc xuân trên phố”.

Sau nhiều năm tổ chức chương trình “Sắc xuân miệt vườn”, dịp giáp Tết năm nay, Bảo tàng TP Cần Thơ thay đổi bằng chương trình “Sắc xuân trên phố”. Tên gọi có khác nhưng ý nghĩa vẫn vậy, vẫn góp phần giới thiệu và tôn vinh các di sản văn hóa Nam Bộ, thuần phong mỹ tục ngày xuân. Gần chục năm trình diễn dệt chiếu, dì Hai Ðẳng, nghệ nhân ở làng nghề dệt chiếu Cái Chanh (quận Cái Răng) vẫn ấn tượng với những đoàn khách tham quan lạ lẫm, thích thú nhìn dì dệt ra những chiếc chiếu tinh tươm. Dì Hai Ðẳng nói: “Coi vậy chớ mọi người còn thích những sản phẩm truyền thống như vầy lắm”.

Cũng ngần ấy năm tham gia “Sắc xuân miệt vườn” rồi “Sắc xuân trên phố”, bác Chín Hoằng và bác Năm Mới, hai lão nghệ nhân trưng kết trái cây, hoa kiểng tạo hình ở quận Bình Thủy vẫn nôn nao mỗi khi tháng Chạp về. Hai bác vui vì lại được kể và trình diễn cho thế hệ bây giờ xem, biết những tập tục tốt đẹp của thế hệ hồi trước.

Nét đẹp Tết cổ truyền, nét sinh hoạt thảo thơm ngày Tết ở miền quê Nam Bộ dần trở thành “đặc sản”. Quả vậy, cứ hễ cận Tết, khắp nơi từ cơ quan, doanh nghiệp đến điểm du lịch, trường học... đều tái hiện nét Tết xưa, những hình ảnh quen thuộc của ngày Tết. Tưởng cũ nhưng thật hiện đại, du khách vẫn tìm đến chụp ảnh, tham quan như một cách để thưởng thức nét đẹp ngày xuân. Một số điểm phục dựng không gian Tết miền Tây như Làng du lịch sinh thái Ông Ðề (huyện Phong Ðiền), phim trường - cà phê Căn nhà màu tím, Phố xuân Sắc màu - Phố Ông Chảnh (quận Cái Răng)... đều thu hút nhiều khách tham quan. Em Châu Thúy Quỳnh, du khách đến từ Hậu Giang, chụp ảnh tại phim trường Tết miền Tây của Làng du lịch sinh thái Ông Ðề, nói: “Bây giờ ở quê em cũng hiếm những cảnh đẹp như vầy. Khu du lịch phục dựng lại được thì hay quá”.

Những giá trị văn hóa trong ngày Tết cổ truyền đang được tôn vinh một cách xứng đáng, trở thành “trào lưu Tết” của giới trẻ hiện nay. Việc tạo lập những không gian văn hóa Tết, dù phục vụ cộng đồng hay mang tính thương mại, đều đáng ghi nhận, bởi qua đó, văn hóa Nam Bộ được lan tỏa một cách tự nhiên, bền bỉ.

Tết Nguyên đán là dịp cho những nỗ lực lan tỏa tình yêu với văn hóa truyền thống trỗi dậy mạnh mẽ, thu hút cộng đồng tìm về cội nguồn dân tộc. Trải qua thời gian, cách đón Tết, ăn Tết của người Nam Bộ có nhiều thay đổi, song với ý thức gìn giữ, bảo tồn, phát huy tinh thần Tết cổ truyền trong đời sống đương đại, những giá trị nhân văn của Tết Việt sẽ mãi là nét đẹp trường tồn.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

To Top