Lắng nghe thiên nhiên từ 'Khúc hát của cây'

Sau Mùa xuân vắng lặng, Đời sống bí ẩn của cây, Niên lịch miền gió cát, Người trồng rừng…, mới đây Phương Nam Book vừa liên kết với NXB Thế giới ra mắt tác phẩm tiếp theo nằm trong tủ sách về đề tài môi trường. Đó là Khúc hát của cây của tác giả David George Haskell, do NY dịch.

Trong tác phẩm của David George Haskell, thiên nhiên được chọn là nhân vật trung tâm, tác giả đã để các loài cây cất lên tiếng nói của mình về trái đất, con người và cả mối quan hệ phụ thuộc của đôi bên. Mà ở đó, con người chỉ đóng vai trò lắng nghe, nghe thật chân thành, những bản nhạc du dương réo rắt và cả những rung động nhỏ nhẹ nhất trong không khí mang nhịp điệu về một cuộc đời.

Với "Khúc hát của cây", tác giả David George Haskell đã trao cho mỗi loài cây cơ hội được giãi bày, cất lên tiếng nói của mình.

Khúc hát của cây gồm 3 chương, mỗi chương là những âm thanh cây cối khác biệt:

Chương 1 gồm Ceibo, Linh sam nhựa thơm, Cọ Sabal, Tần bì xanh, Cây mitsumata. Đây là những loài cây hiện sống tách biệt với đời sống con người nhưng vẫn luôn lặng lẽ giữ sợi dây liên kết với chúng ta suốt chiều dài lịch sử.

Chương 2 gồm Cây phỉ, Hồng sam và thông ponderosa, Cây phong lá đỏ. Đây là những cây mà tàn tích của nó là tương lai của con người. Chẳng hạn như khi gỗ phong được dùng làm đàn vĩ cầm, nó được chuyển hóa sang cuộc đời thứ hai cũng lâu dài và phong phú như cuộc đời thứ nhất.

Chương 3 gồm Cây dương, Lê Callery, Ô liu, Thông trắng Nhật Bản. Đây là những cây sống trong đô thị, nơi mối quan hệ con người - công nghệ tưởng chừng nổi bật hơn mối quan hệ giữa con người và tự nhiên.

Mối thâm giao giữa con người và cây cối không trội nổi lên trên bề mặt đô thị, song chúng vẫn âm thầm quấn chặt những dây leo vào từng ngõ ngách của đời sống văn hóa, tinh thần chúng ta, bền bỉ và không thể cắt đứt.

Mỗi loài cây được trao cơ hội để giãi bày. David George Haskell đặt ống nghe nơi trái tim của tự nhiên, đưa người đọc đến khắp các vùng đất trên thế giới để cùng thấu cảm những giãi bày đó. Đó có thể là tiếng rên chia cắt của cây ô liu ở vùng tranh chấp Trung Đông, là nhịp đập gỗ phong vang lên từ cây đàn vĩ cầm, hay lời kể của cọ Sabal về một câu chuyện cuộc đời không ngừng vận động để tồn tại.

Xuyên suốt quyển sách, David George Haskell khuyên người đọc lắng nghe tự nhiên. Vì chỉ có như thế, ta mới đủ rung động để nghe được những thanh âm đẹp đẽ khác của cuộc đời. Lắng nghe cây cối, những kết nối tuyệt diệu, giúp chúng ta hiểu làm thế nào sống trong các mối quan hệ mang lại nguồn gốc, bản chất và vẻ đẹp cuộc sống.

David George Haskell là một nhà văn, cũng là một nhà quan sát tự nhiên sắc sảo. Quyển sách Khúc hát của cây thành hình từ đôi tai của một nhà thơ và con mắt của một nhà tự nhiên học. Quyển sách bao hàm nhiều kiến thức từ sinh học, lịch sử đến văn hóa… trong khi vẫn giữ được sợi dây văn chương và nhạc tính xuyên suốt.

“Khoa học, trữ tình và đầy suy tư. Khúc hát của cây được xem là bản tình ca về cây xanh, là cuộc thám hiểm vể đời sống sinh học của chúng, đồng thời cũng là bản phân tích mang tính triết học tuyệt vời về vai trò của cây xanh trong lịch sử loài người và văn hóa hiện đại", Science Friday, The Best Science Books of 2017 đánh giá.

David George Haskell là nhà nghiên cứu khoa học, văn chương và tư tưởng về thế giới tự nhiên, ông là Giáo sư Sinh vật học và Môi trường tại Đại học miền Nam và Guggenheim. Cuốn sách đầu tiên của ông, tác phẩm The Forest Unseen (2012) đã lọt vào chung khảo giải Pulitzer (2013), đoạt giải thưởng Sách hay nhất của Viện Hàn lâm Quốc gia (2013), giải Văn chương viết về Môi trường Reed (2013), giải Sách ngoài trời Quốc gia (2012) đồng thời đoạt Á quân giải Văn chương Khoa học PEN E.O. Wilson (2013)...

QUỲNH YÊN

To Top