Lão buôn tranh

Thế rồi, như mọi cuộc chơi, lão biến nhu cầu của mình thành cuộc chơi để vừa học vừa kiếm tranh treo. May mắn, lão có đám bạn cũng vào hùa, họ cũng có tiền để bắt đầu cuộc chơi, thậm chí còn có cả chuyên gia về nghệ thuật nữa, đúng là đủ để xuất phát.

Cuộc sống thực là lắm chuyện! Lão thường ở nhà, có cái quán cà phê ngay bên cạnh, bạn bè, đàn em thường sáng sáng đến cà phê. Cuộc sống cứ vậy trôi qua mà cũng được đến hơn chục năm! Lão trải qua vô số chuyện trên đời, đi làm chán thì nghỉ. Đi chơi khắp nơi trên thế giới, có chỗ nào thích là đi. Đi du lịch, đi nghe hòa nhạc, đi thăm bạn bè, đi nghỉ, đi phượt… kiểu gì lão cũng chơi.

Đang yên lành, cái quán cà phê nó đóng cửa, bạn bè ngại đến nhà, mà lão cũng không khoái lắm, nên thành ra đang rảnh lại thêm rảnh. Ngồi nghe nhạc, dọn chuồng vẹt, mãi cũng chán. Việc ngồi ngẫm nghĩ cuộc đời thì lão nghĩ mãi chán cả rồi, chả cần ngẫm gì nữa. Thế rồi bỗng nhiên, ngứa tay, lão đi dọn nhà. Sắp sắp, xếp xếp các tủ sách, đĩa, và rồi tự nhiên phát hiện ra điều lớn lao. Nhà lão cũng nên treo tranh trên các mảng tường trống kia!

Kể ra thì lão chơi cũng gớm, đủ thứ từ ảnh, máy ảnh, âm thanh, đồ hàng độ âm thanh hàng khủng, phượt, băng đĩa nhạc các kiểu. Không chỉ chơi, lão còn túm tụm bạn bè tạo trend để chơi và còn giao lưu buôn bán được. Đủ các thứ, nhưng tranh thì lão chưa biết như nào. Kể ra chưa biết thì hơi ngoa, lão trải nghiệm lắm, đi nhiều bảo tàng, nhìn vô khối tranh Đông, Tây, Kim, Cổ, tuy nhiên cụ thể nếu cấn phải mua thì làm gì thì lão chưa nghĩ ra, nhất lại là với tranh Việt nam nữa chứ.

Thế rồi, như mọi cuộc chơi, lão biến nhu cầu của mình thành cuộc chơi để vừa học vừa kiếm tranh treo. May mắn, lão có đám bạn cũng vào hùa, họ cũng có tiền để bắt đầu cuộc chơi, thậm chí còn có cả chuyên gia về nghệ thuật nữa, đúng là đủ để xuất phát. Một tranh, một tranh và một tranh, nhà lão cứ là điều chỉnh, xê chỗ nọ, dịch chỗ kia, khoan khoan, cắt cắt để treo tranh. Qua quan hệ, qua bạn bè, chả mấy chốc nhà lão kín chỗ treo tranh mà tranh vẫn có nhu cầu đến. “Hay là ta buôn tranh nhỉ?” Lão chợt nghĩ và làm luôn.

Cái cộng đồng của lão hay ho phết, tranh cứ đến nhà lão là ra đi, thực ra thì lão chả phải để kiếm tiền từ việc này, mà có việc thì làm tới thôi. Một tác giả, một tác giả, lại một tác giả. Lão cứ trung gian và tranh đi qua, công khai, vừa chửi bới chê vừa bán hàng, duyên bán hàng mọi thứ của lão làm cho thế giới tranh sôi động. Ban đầu,từ tranh rẻ tiên, nhưng đến lúc nức tiếng đến tai các danh họa, tranh đắt dần lên làm lão lại đảo tranh tại gia. Các họa sĩ lại còn tặng lão tranh, vẽ chân dung lão nữa chứ. Đúng là tranh làm người ta hưng phấn. Thị trường bống sôi hẳn lên. Nhiều nhóm sưu tập tranh âm thầm cũng cảm thấy bị cạnh tranh và ganh tị với lão.

Từ tranh mà lão tiếp xúc nhiều hơn, đi gặp nhiều hơn, xem triển lãm và các giao dịch làm lão biết thêm nhiều về tranh, thứ mà từ lâu lão nghĩ khó nhằn. Tranh làm mọi người háo hức. Lão đi chơi, đi du lịch bắt đầu khác trước, đến đâu cũng nhòm tranh, so sánh, đánh giá, và dù đang làm việc khác hay đi chơi, lão vẫn không quên các giao dịch tranh ở nhà. Tranh cứ đến và đi đủ loại. Lão bắt đầu thành chuyên gia thẩm tranh, từ tranh tĩnh vật, tranh phong cảnh, trừu tượng, ấn tượng các kiểu. Biết nhận ra tranh của ai và của ai, và dần còn biết định giá tranh nữa chứ. “Đúng là mình có năng khiếu, tranh hóa ra cũng dễ thẩm và dễ buôn.” Có lúc lão tự nghĩ vậy. Tranh cả của danh họa lẫn ranh họa lão đều xử lý được hết.

Đang sùng sục, bỗng có hôm có người bắn tin cho lão: “anh ơi, bức tranh của anh có y chang bức tranh của em…” lão chột dạ, bấy lâu nay hưng phấn, lão quên mất tranh là thứ nhiều chuyện nhất trên đời. Có lẽ nào các chuyện đó nó đến với lão chăng? Kiểm tra và so, đúng là tranh y chang nhau, có khác tí ti về chút màu. Một hôm nữa, lão đang khoái chí vì có mớ tranh danh họa thì có người báo: “Anh ơi, bộ tranh kia có mấy bức cần kiểm tra.” Rồi lại có người báo: “Anh ơi, tranh của anh sao có mô tip y chang loại này thế?” Lại có đứa báo: “Anh ơi, mấy bức của anh sao giá trên mây thế?”

Lão bắt đầu đi kiểm tra, đi hỏi, xem và đúng thế, có tranh thì nhân bản, có tranh thì bắt chước mô tip dân gian, có tranh bắt chước người này người kia, chưa kể tranh giả lẫn vào tranh thật. Như chợt tỉnh, lão văng tục: “M. nó, mớ tranh như cứt vẹt mà cũng gọi là tranh danh họa đã thế còn làm bậy…” Ban đầu, lão nghĩ mình không biết về tranh Việt nam nên đánh giá xấu, không thèm xem. Rồi gặp gỡ, rồi nghe nhiều các mỹ từ, và rồi, lão nghĩ, “hay là tranh nó hay thật nhỉ?” thế nhưng giờ thì lão thấy, rất nhiều tranh đúng là bị mỹ từ bao bọc thay cho giá trị chả có gì của tranh. Lão cũng nghĩ, “Thôi, trở về công việc cũ dọn cứt vẹt, tranh với pháo lừa bịp.” Bực mình, lão cảm giác như bị lợi dụng, sự ngây thơ, trong trắng của lão về tranh bị lừa lọc, lợi dụng. Cứ như người bước đi bị tụt một chân xuống rãnh vậy. May là lão từng trải nên không bị tổn thương mấy...

Lão thử quay lại với âm thanh. Chỉ một sợi dây đồ, lão có thể mua cả tranh danh họa loại xịn, to. Với tranh ranh họa, sợi dây đó lão có thể mua vô khối tranh luôn. Lão quyết định quay về cuộc sống xưa, quên đi câu chuyện tranh vớ vẩn này…

Tuy nhiên, không dễ như thế, ngoài những ranh họa, những vụ việc bậy bạ kia, thực sự vẫn nhiều họa sĩ chân chính, có tác phẩm chân chính đáng trọng, hơn nữa, thời gian dù không dài với giới tranh, nhưng cộng với trải nghiệm đủ thứ của lão, nó cho lão có cái nhìn về tranh đã khác xưa và hơn hết, lão cũng khó mà dứt khỏi cái chuyện tranh này được, chắc lại nhấc chân lên bước tiếp thôi?

Hôm qua lão nhắn tin cho đám bạn: “Quán cà phê bên hàng xóm lại mở cửa rồi, to đẹp hơn!” Ngồi ngẫm nghĩ sau thời gian sôi sục tranh, vẫn dọn cứt vẹt và vẫn cuộc sống như vậy. Với cà phê mở lại, liệu cuộc sống của lão có như xưa? Tranh cứ vảng vất, luấn quấn mọi lúc, liệu lão có dứt được cái nghiệp tranh dù mới bước vào không được bao lâu…

Đặng Vân Phúc

To Top