Lấy nước đầu năm - Nét văn hóa đẹp của người Tày, Nùng

Nhằm mục đích cầu cho một năm mới ấm no, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, tục lấy nước đầu năm là một nét văn hóa đẹp của đồng bào dân tộc Tày, Nùng.

Lấy nước đầu năm đem lại nhiều may mắn cho gia đình

Người Tày, Nùng quan niệm rằng nước cũng như muối, mắm, gạo… vào những ngày đầu năm là những thứ không thể thiếu để cầu mong cho một năm mới mưa thuận, gió hòa, làm ăn thuận lợi. Vì vậy, đến nay đồng bào Tày, Nùng ở một số tỉnh Đông Bắc như Cao Bằng, Tuyên Quang vẫn giữ gìn được phong tục lấy nước đầu năm.

Trước khi đi lấy nước, gia chủ sẽ thắp hương lên bàn thờ tổ tiên xin phép, sau đó cử một thành viên trong gia đình đại diện đi lấy nước đón lộc đầu năm. Người Tày, Nùng ở đây quan niệm, những ai lấy nước sớm nhất sẽ càng nhận được nhiều may mắn nên có nhiều người đi từ rất sớm. Ngoài ra, người đi lấy nước cần mang theo hương được thắp sẵn tại nhà, nếu nhà xa có thể mang hương đến mỏ nước rồi mới thắp và ống tre, xô, chậu… để đựng nước mới.

Nước đem về từ đầu nguồn, được đồng bào đặt trước bàn thờ để báo cáo tổ tiên phù hộ cho con cháu một năm mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi. Sau đó, một phần nước sẽ được đun sôi pha trà dâng cúng tổ tiên, phần còn lại để rửa mặt.

Theo quan niệm, khi nước mới được đưa về nhà là khi mọi người bỏ qua hết mọi điều không may của năm cũ và đón nhận mọi điều mới mẻ của một năm mới. Hy vọng về một năm sức khỏe dồi dào, làm ăn phát đạt, gặt hái nhiều thành công.

To Top