Lấy ý kiến lập Ban Dân vận ở đảng bộ cấp trên cơ sở thuộc Khối các cơ quan Trung ương

Tại tọa đàm, hầu hết các ý kiến phát biểu đều cho rằng đã vận dụng và thành lập Ban Dân vận để trực tiếp tham mưu, giúp việc cho cấp ủy về công tác dân vận trong đảng bộ mình. Vì vậy, các ý kiến cho rằng, cần thiết lập Ban Dân vận tại các đảng ủy cấp trên cơ sở trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.

Tọa đàm khoa học lấy ý kiến về việc lập Ban Dân vận ở các đảng bộ cấp trên cơ sở thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương

Sáng 23/3, tại Hà Nội, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tổ chức buổi Tọa đàm khoa học lấy ý kiến về việc lập Ban Dân vận ở các đảng bộ cấp trên cơ sở thuộc Đảng bộ Khối. Các đồng chí: Đỗ Việt Hà, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; Đinh Xuân Tùng, Trưởng ban Tổ chức Đảng ủy Khối; Hà Thị Trang, Trưởng ban Dân vận Đảng ủy Khối chủ trì buổi Tọa đàm.

Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, Trưởng ban Dân vận Đảng ủy Khối Hà Thị Trang cho biết, Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương hiện có 61 đảng bộ trực thuộc, trong đó có 35 đảng bộ cấp trên cơ sở, 26 đảng bộ cơ sở với gần 82.000 đảng viên. Những năm qua, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương cùng các cấp ủy nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác dân vận, đặc biệt trách nhiệm của người đứng đầu, vai trò, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và người lao động đối với công tác dân vận.

Công tác dân vận của Đảng bộ Khối đã có những chuyển biến quan trọng và đạt những kết quả tích cực, tuy nhiên, công tác dân vận của Đảng bộ Khối có những điểm khác biệt so với các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương. Đảng ủy Khối không có chính quyền cùng cấp, không gắn với địa bàn dân cư như ở địa phương. Theo Quy định hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng số 29-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, đảng bộ cấp trên trực tiếp tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Đảng ủy khối Trung ương không thành lập Ban Dân vận, nhiệm vụ này, được giao cho 01 đồng chí cấp ủy viên phụ trách (vì không có cơ quan tham mưu giúp việc cho cấp ủy và nên triển khai tổ chức thực hiện các nội dung của công tác dân vận gặp rất nhiều khó khăn, đôi khi việc triển khai chưa kịp thời và hiệu quả).

Trưởng ban Dân vận Đảng ủy Khối Hà Thị Trang cho rằng, Điều 26 tại Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị được ban hành theo Quyết định 290-QĐ/TW ngày 25/2/2010 của Bộ Chính trị quy định: “Các tỉnh, thành ủy, huyện, thị ủy và tương đương phân công 01 đồng chí ủy viên ban thường vụ phụ trách công tác dân vận và trực tiếp làm trưởng ban dân vận”…

Hiện nay, trong Đảng bộ Khối có 11/35 đảng bộ cấp trên cơ sở đã vận dụng và lập Ban Dân vận để trực tiếp tham mưu, giúp việc cho cấp ủy về công tác dân vận trong đảng bộ mình, song về cơ bản là kiêm nhiệm. Tuy nhiệm, hiện có nhiều đảng bộ cấp trên cơ sở trong Đảng bộ Khối có số lượng đảng viên lớn nhưng không có Ban Dân vận, như: Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường với gần 10.000 đảng viên, Đảng bộ Bộ Giao thông vận tải có gần 8000 đảng viên, Đảng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với gần 4000 đảng viên, Đảng bộ Bộ Tài chính với gần 5000 đảng viên. Đặc biệt, Đảng bộ Bộ Ngoại giao hiện quản lý gần 1,3 vạn đảng viên sinh hoạt tại 600 tổ chức đảng ở trong và ngoài nước…nếu không được thành lập ban dân vận sẽ rất khó khăn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện công tác dân vận.

Tại buổi tọa đàm, trên cơ sở từ thực tiễn chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác dân vận của các đảng bộ trong thời gian qua, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận những thuận lợi, khó khăn, bất cập trong việc triển khai và thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận tại các đảng bộ khi không có ban dân vận của cấp ủy. Đồng thời đề xuất, kiến nghị với Ban Dân vận Trung ương và Ban Tổ chức Trung ương xem xét trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng sửa đổi Điều 14 khoản 1 tại Quy định số 29-QĐ/TW ngày 25/7/2016 về thi hành Điều lệ Đảng để lập Ban Dân vận tại các đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, đại diện Đảng ủy Bộ Ngoại giao cho biết, Đảng bộ Bộ Ngoại giao hiện quản lý gần 1,3 vạn đảng viên sinh hoạt tại 600 tổ chức đảng ở trong và ngoài nước, trong đó, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có khảng 4,5 triệu người làm việc, sinh sống và học tập ở 109 quốc gia và vùng lãnh thổ… Thời gian qua, để triển khai công tác dân vận theo đúng định, Đảng ủy Bộ đã phân công 1 đồng chí Ban Thường vụ phụ trách, đồng thời thành lập bộ phận phụ trách công tác dân vận trên cơ sở chưa được thành lập Ban giúp việc để tham mưu, thực hiện công tác dân vận ở Bộ Ngoại giao. Việc thực hiện, tuy có những thuận lợi trên cơ sở phối hợp Ban Công tác quần chúng của Bộ, nhưng quá trình triển khai, phối hợp có rất nhiều khó khăn trong công tác tham mưu, trong cơ chế phối hợp.

“Nếu không được thành lập ban dân vận sẽ rất khó khăn trong việc lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện công tác dân vận nhất là công tác vận động quần chúng và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Nếu mô hình được tổ chức lại, sẽ có cơ sở pháp lý để thành lập Ban Dân vận của Đảng ủy Bộ Ngoại giao”, đại diện Đảng ủy Bộ Ngoại giao nói.

Có cùng với quan điểm Đảng ủy Bộ Ngoại giao, đồng chí Lê Văn Hoạt, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chia sẻ, thực tế qua thời gian qua ở Bộ Lao động Thương binh và Xã hội không có bộ phận phụ trách công tác dân vận nên công việc có nhiều khó khăn, công việc được giao cho 1 đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy kiêm nhiệm. Thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Đảng về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Đảng ủy Bộ phân công 1 đồng chí Ủy viên Thường vụ phụ trách và lập Tổ công tác Dân vận để tham mưu, giúp việc về công tác dân vận.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thống nhất cao với đề xuất cho phép thành lập Ban Dân vận ở cấp Đảng bộ cấp trên cơ sở Khối các cơ quan Trung ương. Đồng chí Lê Văn Hoạt cho rằng, nếu có thành lập về tổ chức nhân sự không thay đổi mà chỉ thêm bộ máy và chế độ phụ cấp…

Tại tọa đàm, hầu hết các ý kiến phát biểu đều cho rằng đã vận dụng và thành lập Ban Dân vận để trực tiếp tham mưu, giúp việc cho cấp ủy về công tác dân vận trong đảng bộ mình, song về cơ bản là làm kiêm nhiệm nhưng trong thời gian qua đã làm rất tốt và rất hiệu quả trong việc tham mưu, triển khai thực hiện về công tác dân vận của cấp ủy, giúp cấp ủy kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các tổ chức đảng và đảng viên. Vì vậy, các ý kiến cho rằng, cần thiết lập Ban Dân vận tại các đảng ủy cấp trên cơ sở trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.

Tin, ảnh: Minh Khuê

To Top