'Luồng gió mới' trong công tác tuyên truyền dân tộc thiểu số và miền núi

Mảng phim về đề tài dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi là vùng đất màu mỡ, đa dạng để khai thác. Thời gian qua, một tín hiệu đáng mừng là cứ mỗi bộ phim về chủ đề này được phát sóng đều để lại những ấn tượng khó phai trong lòng công chúng và gặt hái được những thành công nhất định. Đây có thể có thể coi là hướng đi mới trong công tác thông tin, tuyên truyền về vùng DTTS và miền núi.

Điện ảnh góp phần quan trọng trong công tác tuyên truyền về đề tài DTTS và miền núi (Hình ảnh trong bộ phim “Lặng yên dưới vực sâu”). Ảnh: Tư liệu

Ở những thập niên trước, nhiều bộ phim về đề tài DTTS và miền núi cũng đạt được những thành công lớn như: "Vợ chồng A Phủ", "Đất nước đứng lên", "Chiếc vòng bạc", "Chuyện của Pao", "Đàn trời", "Đỉnh núi mờ sương", "Tình thắm Sa Pa", "Chim Phí bay về nguồn cội", "Đi về phía mặt trời"... Những bộ phim trên khi được phát sóng đều đạt được những tiếng vang nhất định. Thông qua các bộ phim giúp người xem hiểu hơn về cuộc sống, văn hóa của đồng bào các DTTS, từ đó, tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc.

Những năm gần đây, với công nghệ hiện đại, cộng thêm tư duy của lớp đạo diễn mới, điện ảnh Việt Nam đã xuất hiện nhiều bộ phim ấn tượng về đề tài DTTS và miền núi. Gần nhất, một trong những bộ phim khai thác về đề tài này để lại trong lòng người xem nhiều cảm xúc chính là bộ phim “Mùa Xuân ở lại”. Đây là bộ phim không chỉ ấn tượng ở mảng đề tài này, mà còn là bộ phim nổi bật trong làng phim Việt Nam thời gian qua. “Mùa Xuân ở lại” là bộ phim do Trung tâm Sản xuất phim truyền hình, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, đã được công chiếu trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 trên VTV. Sau khi công chiếu, bộ phim đã được rất nhiều khán giả yêu thích bởi nội dung hay, hình ảnh đẹp, chân thực, bối cảnh quay mới lạ...

Phim “Mùa Xuân ở lại” lấy chủ đề về việc lựa chọn tương lai của một thế hệ trẻ khi đứng trước những ngã rẽ. Đó là câu chuyện của Hòa, 23 tuổi, tốt nghiệp Đại học Sư phạm, quyết định lên miền núi dạy học để 3 năm sau trở về quê, có công việc ổn định hơn và kết hôn với người mình yêu... Nhưng khi gắn bó với vùng đất biên giới và những học trò, cô lại dần thấy khó khăn khi đưa ra quyết định của mình - Một bên là quê nhà, người yêu ngóng đợi; một bên là học trò vượt mọi khó khăn để học cái chữ. Vào đúng dịp mùa Xuân, cô phải đưa ra quyết định và cuối cùng cô đã chọn "Mùa Xuân ở lại"...

Không chỉ gây ấn tượng với nội dung sâu sắc, cảm động, bộ phim “Mùa Xuân ở lại” còn khiến người xem đắm chìm trong vẻ đẹp thiên nhiên vùng cao tại huyện Phong Thổ, huyện Tam Đường, thành phố Lai Châu và các điểm du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, phục dựng các lễ hội truyền thống, các trò chơi dân gian, các nét văn hóa của cộng đồng các dân tộc tỉnh Lai Châu.

Hình ảnh trong bộ phim “Mùa xuân ở lại”. Ảnh: Tư liệu

Tương tự như bộ phim “Mùa Xuân ở lại”, với độ dài 32 tập phim, bộ phim “Lặng yên dưới vực sâu” cũng khai thác hiệu quả về đề tài DTTS và miền núi. Bộ phim kể về câu chuyện tình trắc trở của đôi trai gái người Mông ở vùng cao, họ luôn tìm cách vượt lên cuộc sống khắc nghiệt để tìm đến hạnh phúc đích thực. Bộ phim đã mang lại nhiều thành công cho đoàn phim, đặc biệt là giải thưởng Cánh diều Bạc.

Từ hiệu ứng của một số bộ phim trên, có thể thấy rằng, vấn đề sử dụng điện ảnh trong công tác thông tin, tuyên truyền sẽ đạt những hiệu quả đặc biệt, đặc biệt đối với vùng DTTS và miền núi. Bởi điện ảnh có sức hấp dẫn và tác động mạnh mẽ tới người xem bằng những hình ảnh, âm thanh sống động.

Để khẳng định rõ hơn vai trò của các chương trình phản ánh về đề tài DTTS và miền núi, năm 2020, tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 40, ngoài các giải thưởng như mọi năm, lần đầu tiên có thêm hai giải thưởng: Đó là giải thưởng về đề tài dân tộc - miền núi và giải thưởng "Tương tác nội dung số". Trong đó, lần đầu tiên, tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc, 14 tác phẩm xuất sắc về đề tài dân tộc - miền núi được trao giải. Giải thưởng phụ này do Ủy ban Dân tộc phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam trao tặng. Với hạng mục giải thưởng này, có thể thấy vai trò của các chương trình về đề tài DTTS và miền núi đã và đang dần được khẳng định chỗ đứng.

Có thể thấy rằng, việc lồng ghép tuyên truyền qua các bộ phim nói riêng và qua các chương trình đa phương tiện trong bối cảnh hiện nay sẽ có những hiệu quả nhất định đối với đồng bào DTTS nói riêng và người dân ở khu vực miền núi nói chung. Chính vì vậy, các Trung tâm Sản xuất phim với các cơ quan, đơn vị làm công tác dân tộc cần sự phối hợp, kết nối chặt chẽ hơn nữa để xây dựng những chương trình mang ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, những “món ăn tinh thần” bổ ích phục vụ đồng bào.

Ngoài ra, ở khía cạnh các nhà quản lý, cần phải có một chiến lược phát triển lâu dài cho phim về đề tài DTTS và miền núi, trong đó, có cần ưu tiên cho dòng phim này. Còn đối với các nhà làm phim, phải thay đổi cách nghĩ, cách làm phim mới; các câu chuyện, vấn đề, bài học đặt ra cần phù hợp với tâm lý, nhận thức của mỗi dân tộc để cuốn hút được người xem.

Hiểu rõ được tầm quan trọng đó, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành kế hoạch sản xuất các chương trình phục vụ đồng bào DTTS và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo năm 2021 với nhiều nội dung đa dạng, phong phú.n

Theo số liệu điều tra thực trạng kinh tế-xã hội 53 DTTS Việt Nam năm 2019, ti vi đã trở thành một loại thiết bị sinh hoạt phổ biến của các hộ đồng bào DTTS, với 81,5% hộ sử dụng. Tỷ lệ hộ DTTS có sử dụng điện thoại cố định, di động, máy tính bảng là 92,5%. Tỷ lệ hộ DTTS sử dụng máy vi tính (máy bàn, laptop) là 10,3%.Tỷ lệ hộ được tiếp cận Internet đã được cải thiện đáng kể, chiếm 61,3% tổng số hộ đồng bào DTTS.

Hồng Minh

To Top