LƯU GIỮ MẠCH NGUỒN VĂN HÓA DÂN TỘC

Hơn 64.000 lượt xem sau gần một tuần 'lên sóng' mạng xã hội YouTube 'Dân ca và nhạc cổ truyền', dự án 'Ngâm Kiều toàn truyện' được coi là thành công bước đầu của một loại hình diễn xướng nghệ thuật dân tộc khá kén người nghe.

Đây là sự kiện mới mẻ trong đời sống văn hóa đương đại, khi lần đầu tiên có một dự án giới thiệu “Truyện Kiều” theo đúng lối ngâm Kiều (hay còn gọi là lẩy Kiều) độc đáo. Tác phẩm văn học kinh điển của Đại thi hào Nguyễn Du đã tiếp cận giới trẻ theo đúng xu hướng thời 4.0, khiến “Truyện Kiều” vừa mang hơi thở thời đại nhưng lại đậm nét truyền thống.

Việc làm mới một tác phẩm di sản như “Truyện Kiều” để đưa đến công chúng, đặc biệt là giới trẻ, từ nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long và ê kíp nghệ sĩ có nhiệt huyết bảo tồn và phát huy văn hóa nghệ thuật truyền thống đang nhận được sự hưởng ứng tích cực. Khi nghe “Ngâm Kiều toàn truyện”, nhiều người dễ dàng nhận ra những câu thơ quen thuộc từ “Truyện Kiều” trong sự trải nghiệm âm nhạc mang ý tứ của tác phẩm văn học kinh điển đầy xúc cảm và thú vị.

Các nghệ sĩ đang trình diễn ngâm Kiều. Ảnh: nhandan.com.vn

“Truyện Kiều” thể hiện rõ tâm hồn, vẻ đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam. Trải qua mấy trăm năm, đến nay, “Truyện Kiều” vẫn là "viên ngọc sáng" của văn học dân tộc. Đã có rất nhiều loại hình nghệ thuật dựa theo “Truyện Kiều”, phóng tác, lấy ý tưởng trên nền tác phẩm để sáng tác nên những tác phẩm sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật... Ngôn từ trong "Truyện Kiều" được dùng rộng rãi, đa dạng và phong phú trong các sinh hoạt văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân như ngâm Kiều, vịnh Kiều, lẩy Kiều, bói Kiều...

Tổng thống Mỹ Bill Clinton trong chuyến thăm lịch sử đến Việt Nam năm 2000 đã từng ngâm nga hai câu Kiều “Sen tàn cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”, mở ra một mốc mới trong quan hệ hai nước. Giữa năm 2015, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden lại tiếp tục “gây sốt” trong giới chính khách khi lẩy hai câu Kiều: “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”, để nói về mối quan hệ Việt-Mỹ trong tương lai khi tiếp đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Washington.

Việc hai chính khách hàng đầu Mỹ vận dụng những áng thơ Kiều trong các sự kiện quan trọng giữa hai quốc gia cho thấy giá trị bất hủ, cũng như tầm ảnh hưởng của “Truyện Kiều” như một phương cách giao tiếp văn hóa rất sinh động và vượt thời gian.

Trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, hành trình lưu giữ, lan tỏa những giá trị văn hóa dân tộc vẫn luôn được các thế hệ nghệ sĩ, những người tâm huyết với nghệ thuật và nhiều bạn trẻ thực hiện theo những cách rất sáng tạo. Xuất hiện ngày càng nhiều các nhóm bảo vệ, bảo tồn di sản phi lợi nhuận đã có những tiếng vang nhất định như: Chèo 48h-Tôi chèo về quê hương, S.River, MyHaNoi... Bằng nhiều hình thức, các nhóm đã mang các loại hình văn hóa nghệ thuật cổ truyền như chèo, tuồng, hát văn, hát xẩm đến với công chúng trong đời sống đương đại; đưa người xem đến với kho tàng văn hóa dân gian trên không gian mạng bằng hình thức số hóa; tìm hiểu lịch sử qua các trò chơi dân gian...

Thông qua những không gian văn hóa mới mẻ, giới trẻ không chỉ tiếp cận, làm mới những tác phẩm đỉnh cao của dân tộc mà họ “chạm” tới cả những giá trị văn hóa gần gũi nhất với người dân. Tận dụng sức mạnh công nghệ, bức tranh của nền văn hóa đất nước trong quá khứ, hiện tại và tương lai đã được giới trẻ kết nối, hòa cùng dòng chảy văn hóa nhân loại.

Tin rằng, khi thật sự hiểu, thật sự yêu, có cùng khát vọng và mục đích nhân văn, mỗi chúng ta sẽ sống trọn vẹn với những giá trị văn hóa tốt đẹp mà ông cha ta để lại. Có thế, hồn cốt dân tộc mới được lưu truyền, giữ được mạch nguồn và lan tỏa giá trị văn hóa Việt trường tồn.

THU HÀ

To Top