Lưu giữ văn hóa dân tộc Mường

Nếu có dịp đến với Thanh Hóa, muốn tìm hiểu rõ hơn về bản sắc văn hóa dân tộc Mường nơi đây, bạn hãy ghé thăm Bảo tàng Thanh Hóa.

Nơi đây, từ nhiều năm trước đã đưa vào hoạt động phòng trưng bày chuyên đề văn hóa dân tộc Mường, với mục đích giúp người xem có cái nhìn đầy đủ và sâu sắc hơn về một dân tộc có dân số khá đông trên địa bàn tỉnh.

Ảnh: Thu Thủy.

Theo thống kê, dân tộc Mường ở Thanh Hóa có khoảng 37 vạn người và còn bảo lưu được những giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc trưng, góp phần tạo nên bản sắc cộng đồng dân tộc Mường ở Việt Nam. Đồng bào Mường sống ở chân núi, bên sườn đồi gần sông suối, làm ruộng nước trong các thung lũng và làm rẫy ở các chân sườn đồi. Ngoài ra họ còn chăn nuôi, săn bắt, đánh cá, hái lượm, làm một số nghề thủ công như dệt, đan lát, mộc…

Trong Bảo tàng Thanh Hóa những nét độc đáo của bản sắc văn hóa dân tộc Mường được thể hiện vô cùng rõ nét. Đó là bộ sưu tập những công cụ dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mường, sản phẩm dệt thổ cẩm của người Mường, trang phục truyền thống của thiếu nữ dân tộc Mường... Những công cụ lao động, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày của người Mường cũng được giới thiệu tại đây như: Tổ hợp gác bếp của gia đình người Mường; đồ dùng đánh bắt cá; đồ dùng săn bắt thú rừng; nhạc cụ của dân tộc; hay có cả bộ Khót - dụng cụ hành nghề của thầy Mo Mường…

Bên cạnh các vật dụng trên, tại Bảo tàng cũng có cả khu giới thiệu đồ chơi truyền thống. Theo giới thiệu tại Bảo tàng, đồng bào Mường thường tổ chức nhiều ngày hội trong năm như: Hội xuống đồng, hội cầu mưa, hội Pồn Pôông... Trong các ngày hội thường tổ chức ném còn, bắn nỏ, đi cà kheo, uống rượu cần. Đặc biệt, dân tộc Mường ở Thanh Hóa có một kho tàng văn hóa dân gian phong phú, đa dạng. Các bộ sử thi Mường, ca dao, truyện thơ Mường cùng với các nhạc cụ đặc sắc như trống đồng, cồng chiêng... đã tạo nên nét đặc trưng của người Mường Thanh Hóa.

Một góc trưng bày tại Bảo tàng Thanh Hóa.

Trung tâm của các gian trưng bày văn hóa dân tộc Mường là cây hoa - loại cây dùng trong lễ hội Pồn Pôông của đồng bào dân tộc Mường. Cây hoa cao 3,6m, gồm 7 tầng, 49 cành, tương đương với 2.392 bông hoa, được làm từ gỗ cây chạng bạng, nứa, luồng, ruột cây sắn, phẩm mầu... Trên cây hoa trang trí các loại động vật, công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt.

Theo bà con người Mường tại Thanh Hóa cho biết: Lễ hội Pồn Pôông từ lâu đã trở thành một bộ phận không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Mường xưa. Trọng tâm của lễ hội là cây hoa, người chủ trì là ông Mo, bà Máy - những người chữa bệnh bằng thuốc Nam và nấp dưới bóng thánh (ma nổ) chủ trì cùng với các “con mày, con nuôi” giúp sức tổ chức.

Lễ hội Pồn Pôông được tổ chức hàng năm vào các ngày rằm tháng giêng, tháng ba và tháng bảy hay mùa gặt (gọi là Lễ hội mùa mừng cơm mới). Bộ sưu tập hiện vật văn hóa dân tộc Mường trưng bày ở Bảo tàng Thanh Hóa là niềm tự hào không chỉ của riêng đồng bào dân tộc Mường mà còn là niềm tự hào chung của nhân dân các dân tộc Thanh Hóa.

T.H.

To Top