Mô hình làm việc trên núi mùa dịch hấp dẫn người lao động tại Ấn Độ

Sáng kiến mới về du lịch triển khai trên dãy Himalaya (Ấn Độ) dần thu hút sự quan tâm của những nhân viên phải giam mình làm việc tại nhà trong đại dịch COVID-19.

Nhà sáng tạo nội dung Arnav Mathur làm việc từ một nhà nghỉ tại Manali trên dãy Himalaya. Ảnh: Arnav Mathur

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), mô hình mới này không chỉ đem đến môi trường làm việc mới cho người lao động mà còn giúp các doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ vượt qua những tổn thất nặng nề do đại dịch COVID-19 gây ra.

Hàng năm, với những đỉnh núi phủ tuyết trắng xóa cùng khung cảnh hùng vĩ đến nghẹt thở, dãy Himalaya tại Ấn Độ thu hút nhiều khách du lịch cả trong lẫn ngoài nước.

Những chuyến bay tiện lợi, chi phí vừa phải cùng những tuyến xe khách chạy thông đêm từ các thành phố Ấn Độ tới 3 điểm đến hấp dẫn – Shimla, Dehradun và Manali – đã khiến cho số lượng du khách tăng vọt trong một vài năm trở lại đây. Theo Chính phủ Ấn Độ, năm 2019, quốc gia này có trên 16,8 triệu khách du lịch tới bang Himachal Pradesh. Ngành du lịch đóng góp 7% GDP cho bang này.

Mọi thứ đã thay đổi đột ngột từ tháng 3 năm ngoái, khi Ấn Độ áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt kéo dài 70 ngày trên toàn quốc nhằm ngăn chặn COVID-19 lây lan. Số lượng khách du lịch tới bang Himachal Pradesh sụt giảm mạnh. Các chủ khách sạn buộc phải đóng cửa.

Song hiện nay, khu vực này lại thu hút trở lại với sáng kiến “Làm việc trên núi” (WFM).

“Những khách sạn nhỏ không kinh doanh được. Tại các thành phố, mọi người cũng không được ra ngoài trong nhiều tháng. Họ cảm thấy ngột ngạt. Ngay cả sau khi dỡ bỏ lệnh phong tỏa, nhiều công ty vẫn yêu cầu nhân viên làm việc tại nhà. Thế nên tôi chợt nghĩ, tại sao không đưa họ lên núi – nơi họ có thể tập trung làm việc trong một môi trường hoàn toàn khác biệt. Đó cũng không phải là một kỳ nghỉ thông thường khi bạn tìm cách ngắt kết nối với thế giới bên ngoài”, ông Kiki Mathawan – người sáng lập WFM – bày tỏ.

Khi lên núi làm việc, những nhân viên lựa chọn làm việc từ xa đều mong muốn có đường truyền Internet ổn định. Chính vì vậy, Mathawan đã liên hệ với các nhà nghỉ, khách sạn để nâng cấp đường truyền mạng, thay đổi một số nội thất trong trường hợp cần thiết. Thậm chí đối với một số khách sạn nhỏ, Mathawan thuê mặt bằng, trả cho chủ khách sạn phí thuê và trả lương cho nhân viên.

Homestay phục vụ mô hình WFM tại bang Himachal Pradesh. Ảnh: SCMP

Lúc đầu khi trình bày sáng kiến, Mathawan đã vấp phải ý kiến trái chiều. Nhiều người dân địa phương tại khu vực Himalaya lo sợ khách du lịch đến sẽ phát tán virus SARS-CoV-2.

“Dân làng lo sợ khách du lịch tới sẽ mang theo virus. Nhưng giờ mọi người phải thích nghi với tình trạng bình thường mới. Dân làng thay đổi suy nghĩ khi họ nhận ra khách du lịch đem tới nguồn thu nhập ổn định cho họ”, Mathawan giải thích. Ông đã hỗ trợ cho 500 nhóm khách tới đây để làm việc.

“Mô hình này dần nở rộ thành xu hướng phổ biến. Mọi người thuê cả căn hộ hoặc nhà để ở lâu hơn. Rảnh rỗi, họ có thể tới các quán café, nhà hàng, thưởng thức văn hóa café trên núi chưa từng biết đến”, Arnav Mathur – một nhà sáng tạo nội dung kỹ thuật số tại thủ đô Delhi – bước sang tháng thứ hai sống tại Manali.

Theo Mathur, xu hướng này đang thay đổi bộ mặt du lịch ở dãy Himalaya. Trước đây, khách du lịch trong nước – phần lớn là các gia đình - thích tham quan với sự sắp xếp của một công ty lữ hành chỉ trong vài ngày ngắn ngủi.

Giờ đây, nhiều người muốn biến đây trở thành ngôi nhà thứ hai của mình. “Họ tham gia các cuộc họp qua Zoom, kiểm tra email và làm việc. Khi rảnh rỗi, họ sẽ đi khám phá khu vực. Điều này diễn tả chính xác khái niệm về du lịch chậm. Bạn ở một nơi lâu hơn và đắm mình trong đó”, Mathur nói.

Đối với anh Mohit Gosewade – nhà tư vấn quản lý dự án tại Pune, một chuyến du lịch kéo dài 4-5 ngày/tháng là điều cần thiết để mang lại sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Nhưng khi COVID-19 tấn công, Gosewade cùng gia đình phải giam mình trong nhà.

“Chúng tôi thức dậy, làm các công việc hàng ngày và bắt đầu công việc trong khi con gái chúng tôi lên mạng học trực tuyến. Quy trình lặp đi lặp lại. Chúng tôi cần được giải thoát. Khi nhìn thấy bài giới thiệu về mô hình này trên Facebook, tôi nghĩ mình cần phải tham gia ngay”, Mohit chia sẻ.

Gia đình Mohit đã lái xe hơn ba ngày để đến homestay đầu tiên ở Kullu trong tháng 10 năm ngoái. Tiếp đến, họ chuyển sang một homestay khác cùng chủ và ở đó đến 40 ngày. Chi phí ăn ở một tháng tại đây mất 55.000 rupee (13 triệu đồng).

“Tôi không thực sự nhớ về cuộc sống tại thành phố. Đôi lúc đường truyền Internet là một trở ngại nhưng trên núi, bạn như sống ở ngoài trời và tự do hơn. Điều quan trọng nhất là khi du lịch chậm, bạn gặp được tri kỉ và tạo dựng được những mối quan hệ khăng khít”, Mohit cho hay.

Bảo Hà/Báo Tin tức

To Top