Múa rối nước cố bật lên

Sau các đợt phòng chống dịch Covid-19, múa rối nước tại TP HCM đã sáng đèn đón khán giả trở lại vào những ngày cuối tuần

Múa rối nước tại TP HCM đã góp phần tích cực trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc của Việt Nam, qua đó quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Thả hồn theo con rối

Sân khấu múa rối nước Rồng Phương Nam ở Bảo tàng Lịch sử TP HCM vào những ngày cuối tuần sáng đèn 2 suất/ngày, với 2 chủ đề "Trâu vàng nghinh tiếp" và "Cá chép hóa rồng". Điều đáng ghi nhận ở Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam chính là khẳng định thế mạnh của một đơn vị công lập sở hữu đội ngũ diễn viên giỏi, có tư duy sáng tạo và luôn đi đầu trong việc tìm kiếm hình thức dàn dựng mới lạ.

Theo đạo diễn Lê Diễn, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, ra đời trong xã hội nông nghiệp với "con trâu đi trước, cái cày theo sau", trải qua lịch sử hàng ngàn năm hình thành và phát triển, nghệ thuật múa rối nước tồn tại như một trò chơi dân gian, một hình thức giải trí mang đến niềm vui cho người lao động sau những giờ làm việc. Múa rối nước là một trong những loại hình nghệ thuật dân tộc cần phải được đầu tư gìn giữ và quảng bá sâu rộng.

"Nhà hát quyết tâm tìm bản sắc riêng, làm mới và phát triển đúng hướng loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc này" - đạo diễn Lê Diễn bộc bạch.

Chương trình múa rối nước của Sân khấu Rồng Phương Nam tại Bảo tàng Lịch sử TP HCM

PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái cho biết nghệ thuật múa rối dân gian Việt Nam bao gồm nhiều loại hình như: múa rối cạn, múa rối nước, rối bóng, rối que, rối dây, rối tay, rối mặt nạ… Chính yếu tố lấy mặt nước làm sàn sân khấu, các con rối nước được chế tác công phu kết hợp kỹ thuật điều khiển điêu luyện của người nghệ sĩ, qua đó mỗi tiết mục đều mang đến những thông điệp đầy nhân văn về tình người, tình đời giữa thiên nhiên và cuộc sống.

Từ cách tạo hình con rối đến âm nhạc ngũ cung, đặc biệt là khai thác đờn ca tài tử - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO công nhận, Sân khấu Rồng Phương Nam đã truyền tải đến khán giả những dấu ấn đẹp.

Các tiết mục ở đây được dàn dựng hài hòa, quyện với âm nhạc dân tộc giữa không gian trong lành, khoáng đạt, mái đình uốn cong, sân khấu rối nước hiện lên bên Bảo tàng Lịch sử TP HCM tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp.

Tiến bộ nhờ áp dụng công nghệ, nhưng...

Từ sau cuộc kết hợp giữa rối nước và cải lương của đạo diễn Hồng Phúc, đến nay đã có thêm một số dự án của các đạo diễn trẻ muốn "xe duyên" rối nước với nhiều loại hình nghệ thuật khác. "Xã hội ngày càng phát triển, nhờ sự quan tâm của nhà nước trong việc đưa văn hóa Việt Nam vươn tầm thế giới, các bộ môn nghệ thuật, trong đó có múa rối nước, được đầu tư nhiều hơn. Múa rối nước khi được áp dụng cùng với công nghệ sẽ trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều tầng lớp dân chúng trong nước và sự yêu thích từ bạn bè quốc tế" - NSND Trần Minh Ngọc nêu ý kiến.

NSND Vương Tất Lợi - chuyên gia tạo hình múa rối dân gian - đồng tình với ý kiến của NSND Trần Minh Ngọc và bổ sung thêm: "Giờ đây, múa rối nước không chỉ ở các tỉnh miền Bắc mà còn tạo được sức hút tại nhiều vùng miền. Đặc biệt là sự lớn mạnh tại TP HCM, cho thấy đó là tín hiệu đáng mừng: dòng chảy của múa rối nước đã ngày càng được khơi thông, đánh thức những sáng tạo khi người làm nghề biết vận dụng hiệu quả của công nghệ, làm cho các tiết mục lung tinh tỏa sáng, tạo nét đẹp và thăng hoa cảm xúc cho người xem.

Nghệ nhân Phùng Xuân Oánh cho rằng hội nhập về văn hóa đã mang lại nhiều lợi ích cho các bộ môn nghệ thuật, trong đó có múa rối nước. Loại hình này được biết đến nhiều hơn, được quảng bá sâu rộng hơn.

Trước đây, khi chưa xảy ra dịch Covid-19, TP HCM còn có sân khấu rối nước Rồng Vàng của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, sân khấu rối nước tại Vườn Hồng ở khách sạn Rex, sân khấu rối nước tại Công viên Văn hóa Đầm Sen… Các điểm diễn này đã sáng đèn với những tiết mục được dàn dựng mang bản sắc riêng. Nhưng theo nhận định của các nhà chuyên môn, dù nỗ lực sáng tạo tìm bản sắc riêng nhưng cách làm của các sân khấu rối nước tại TP HCM hiện nay chưa thực sự bài bản, vẫn còn đâu đó những bất cập và chạy theo thị hiếu đám đông.

“Cần tìm tòi những đề tài mới, mang tính thời sự, hấp dẫn, ngoài những tích trò cổ, cũ, cần phải cách tân tạo ra những tích trò mới để khán giả trẻ có sự tương tác với nội dung câu chuyện. Múa rối nước không chỉ dừng lại ở yếu tố giải trí mà cần phải được nâng tầm lên thành những tác phẩm mang giá trị tư tưởng, nhân văn. Những trò diễn hóm hỉnh nhưng phải sâu sắc, đọng lại nhiều cảm xúc trong lòng khán giả” - NSND Trần Ngọc Giàu gợi mở.

Bài và ảnh: THANH HIỆP

To Top