Mỹ công bố chiến lược chống chủ nghĩa khủng bố trong nước

5 tháng sau vụ bạo động ở Điện Capitol, Nhà Trắng công bố chiến lược quốc gia chống lại chủ nghĩa khủng bố trong nước.

Tác giả David Smith đưa tin trên thời báo The Guardian về nội dung của chiến lược được công bố vào hôm thứ Ba bởi Hội đồng An ninh quốc gia, diễn tả mối đe dọa từ bên trong nghiêm trọng và nguy hiểm không kém các cuộc tấn công tiềm tàng từ nước ngoài, nhưng không quên nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ quyền tự do cùa người dân.

Cuộc bạo động ở Điện Capitol ở Washington, Mỹ ngày 6 tháng 1 năm 2021 (Ảnh:Jose Luis Magana)

Bên cạnh đó, chiến lược này cũng cẩn trọng khi đưa ra đề xuất chủ nghĩa khủng bố trong nước phải được giải quyết theo cách “trung lập về mặt tư tưởng” nhằm tránh vấp phải sự phản đối từ phía đảng Cộng hòa khi họ cho rằng tổng thống Joe Biden có thể sử dụng các biện pháp chống khủng bố để chèn ép những người ủng hộ Donald Trump.

Nhiều vụ bạo lực điển hình của hiểm họa chủ nghĩa khủng bố được trích dẫn, có thể kể đến "một phần tử cực đoan chống chính quyền" đã phục kích, bắn và giết hại năm cảnh sát ở Dallas vào năm 2016; vụ xả súng làm 4 người bị thương tại một buổi tập bóng chày của Quốc hội vào năm 2017; hay mới nhất là "cuộc tấn công chưa từng có" vào tòa nhà Quốc hội ngày 6 tháng 1 vừa qua.

Dẫn lời một quan chức cấp cao trong một cuộc họp báo trên phương tiện truyền thông: “Tất cả các hành vi trên đã đi quá mọi giới hạn chính trị. Chúng không giúp thúc đẩy bình ổn chính trị hay củng cố bất kỳ hệ tư tưởng quan trọng nào đối với chúng tôi, cũng như không đem lại giá trị đối cho chiến lược chống khủng bố lẫn việc thực hiện chiến lược. Chúng đơn giản là những bất bình chính trị biến tướng thành các hành vi bạo lực, và chúng tôi đang tập trung giải quyết các vấn đề này”.

Chiến lược được bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Merrick Garland chính thức công bố vào thứ Ba, theo lệnh của tổng thống Biden, trong ngày đầu tiên làm việc tại văn phòng để xem xét lại các nỗ lực của chính phủ nhằm giải quyết chủ nghĩa khủng bố trong nước, được mô tả là “hiểm họa khủng bố nhức nhối nhất mà Hoa Kỳ đang phải đối mặt”.

Trong bản tóm tắt được công bố vào hồi tháng 3 vừa rồi được cung cấp bởi các cơ quan tình báo và thực thi pháp luật, đánh giá chung của nhiều chuyên gia về mối đe dọa khẳn định hai yếu tố nguy hiểm nhất của nó là “những kẻ cực đoan da trắng” và “những kẻ cực đoan bạo lực chống chính phủ”.

“Đặc biệt, chúng tôi phát hiện những kẻ cực đoan bạo lực đề cao tính ưu việt của chủng tộc da trắng có mối liên hệ xuyên quốc gia, nhiều khả năng thường xuyên tiếp xúc với các phần tử kẻ cực đoan khác ở nước ngoài diễn ra không chỉ mới gần đây thôi”

“Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhấn mạnh là nghiên cứu do ODNI - Văn phòng Tổng cục Tình báo Quốc gia - cung cấp cho chúng tôi không tìm thấy ràng buộc chặt chẽ giữa chủ nghĩa khủng bố trong nước và các tác nhân nước ngoài. Vấn đề này có thể hiểu từ quan điểm nguyên nhân chủ yếu phát sinh từ phía trong nước, không phải từ bên ngoài giật dây, mặc dù chúng tôi ý thức được nhiều phe đối lập vẫn đang tìm cách gieo rắc sự chia rẽ trong xã hội của chúng ta”

Chiến lược chống khủng bố mới sẽ bao gồm bốn trụ cột chính:

Một, nỗ lực tìm hiểu và chia sẻ thông tin liên quan đến đầy đủ các mối đe dọa khủng bố trong nước.

Hai, nỗ lực ngăn chặn những kẻ khủng bố trong nước tuyển mộ, xúi giục và vận động người Mỹ thực hiện bạo động.

Ba, nỗ lực ngăn chặn và làm gián đoạn hoạt động khủng bố trong nước trước khi xảy ra bao lực

Cuối cùng, các vấn đề tồn đọng góp phần hình thành chủ nghĩa khủng bố trong nước cần phải được giải quyết để đảm bảo rằng mối đe dọa này bị loại bỏ dần theo thời gian.

Quang cảnh ngổn ngang bên trong Điện Capitol ở Washington, Mỹ sau vụ tấn công ngày 6 tháng 1 năm 2021. (Ảnh: Shawn Thew / EPA)

Các khía cạnh phòng ngừa sẽ bao gồm tập trung làm việc với các công ty công nghệ lớn như Facebook, vốn đã bị chỉ trích mạnh mẽ vì cho phép các nhóm thù địch cánh hữu phát triển và phối hợp với nhau, diễn ra ngay cả trước khi cuộc bạo động ngày 6 tháng 1 nổ ra.

Dẫn lời một quan chức: “Chúng tôi cũng như chính phủ nhìn thấy những khác biệt mà hầu hết công ty công nghệ chưa thể nhìn ra. Bất kỳ công ty công nghệ nào cũng nắm rất rõ về nền tảng của mình, tuy nhiên khác biệt chính là phía chính phủ có thể nhìn ra những vấn đề như mối đe dọa bạo lực được sử dung thông qua các nền tảng đó.”

Ngân sách của chính quyền Biden cho năm tài chính 2022 bao gồm hơn 100 triệu đô la của các nguồn lực bổ sung cho các nhà phân tích, điều tra viên, công tố viên cũng như nhiều nguồn lực và nhân sự khác nhằm ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố trong nước.

Chính phủ Mỹ cho biết họ đang cải thiện việc sàng lọc nhân viên để tăng cường các phương pháp xác định những kẻ khủng bố trong nước, những kẻ có thể gây ra "đe dọa nội gián".

Các cơ quan quốc phòng, tư pháp và an ninh nội địa đang theo đuổi nỗ lực “để đảm bảo những kẻ khủng bố trong nước không được tuyển dụng trong quân đội hoặc các cấp thực thi pháp luật, bên cạnh nâng cấp quy trình sàng lọc và kiểm tra”.

Nội dung chiến lược chống khủng bố mới không quan tâm nhiều đến việc liệu có nên đặt ra một quy chế để hình sự hóa chủ nghĩa khủng bố trong nước hay không, mà vẫn để câu hỏi này cho bộ tư pháp tiếp tục xem xét.

Trong một thông cáo gần đây, Nhà Trắng đã đưa ra những dự luật chính của Tổng thống Biden - Kế hoạch Giải cứu người Mỹ, Kế hoạch Việc làm Mỹ và Kế hoạch Gia đình Mỹ - sẽ được sử dụng như quân bài chiến lược giúp chống lại những ngờ vực vào khả năng cung cấp “bình ổn và cơ hội” của nền dân chủ mà nước này đang theo đuổi.

"Chính phủ cũng sẽ làm việc phòng ngừa cục diện căng thẳng bắt nguồn từ tin giả, tin sai lệch và các thuyết âm mưu nguy hiểm trên mạng, hỗ trợ thúc đẩy một môi trường thông tin để đảm bảo những phát ngôn dân chủ lành mạnh."

Nhật An

To Top