Mỹ tăng cường chính sách đối phó Trung Quốc

Quan hệ giữa hai cường quốc có dấu hiệu 'nóng' trở lại trước tin các nhà lập pháp ở Washington chuẩn bị 'hồi sinh' dự luật buộc Bắc Kinh chịu trách nhiệm cho các hoạt động kiểm soát và đe dọa ngày càng gia tăng ở nước ngoài.

Tổng thống Biden (giữa) cùng các thành viên nội các họp trực tuyến với lãnh đạo Canada hôm 23-2. Ảnh: Reuters

Theo bản dự thảo, dự luật yêu cầu Tổng thống Mỹ thành lập lực lượng đặc nhiệm liên ngành trực thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia, có vai trò giám sát và giải quyết những vấn đề liên quan hành vi kiểm duyệt hoặc đe dọa của Trung Quốc đối với công dân hoặc doanh nghiệp Mỹ. Các nhà soạn luật cũng đề nghị báo cáo những lĩnh vực chịu sức ép nghiêm trọng về tự do ngôn luận, bao gồm truyền thông và điện ảnh. Kêu gọi cách tiếp cận cứng rắn hơn, một số nghị sĩ cho biết cần thiết có thêm biện pháp hỗ trợ người lao động Mỹ dễ dàng khởi kiện nếu bị sa thải do áp lực từ Trung Quốc, hoặc đòi hỏi các trường đại học trong nước tiết lộ quan hệ tài chính với hệ thống Viện Khổng Tử do Bắc Kinh hậu thuẫn.

Thời gian gần đây, các quan chức ở Washington liên tục lên tiếng về tình hình Trung Quốc đẩy mạnh kiểm duyệt luồng thông tin tiêu cực bằng cách ép buộc các công ty Mỹ - từ chuỗi nhà hàng, khách sạn, hãng hàng không đến các nhà sản xuất phim Hollywood - tán thành quan điểm của Bắc Kinh. Trong bài phát biểu năm ngoái, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ khi đó là William Barr đã chỉ đích danh một trong những “ông lớn” Hollywood là Walt Disney cùng nhiều “đại gia” công nghệ như Apple, Google và Microsoft thường xuyên “nhượng bộ” để làm mát lòng nhà nước Trung Quốc. Trước đó, Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Mỹ (NBA) đã phải dừng phát sóng ở Trung Quốc sau khi người quản lý đội Houston Rockets ủng hộ biểu tình dân chủ ở Hong Kong. Năm 2018, Bắc Kinh cũng gây áp lực buộc các hãng hàng không cùng chuỗi khách sạn toàn cầu liệt kê Ðài Loan là một phần của Trung Quốc và đe dọa trừng phạt nếu họ không tuân theo.

Nói với Hãng tin Reuters, trợ lý một thượng nghị sĩ đảng Dân chủ xác nhận thực trạng trên là vấn đề nhạy cảm đối với doanh nghiệp và Quốc hội muốn thông qua dự luật mới để hỗ trợ Nhà Trắng giải quyết nguy cơ công ty Mỹ tiếp tục bị “cưỡng bức kinh tế”. Ðây là một phần trong loạt văn bản luật khác mà Washington đang xem xét với mục tiêu nhắm vào Trung Quốc. Ðược biết hôm 23-2, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer đã chỉ đạo các nhà lập pháp soạn thảo dự luật giúp củng cố lĩnh vực công nghệ chống lại sự trỗi dậy của Bắc Kinh. Cùng ngày, có tin Tổng thống Joe Biden sẽ ký sắc lệnh hành pháp đẩy nhanh kế hoạch xây dựng chuỗi cung ứng chip và những sản phẩm chiến lược khác thông qua hợp tác với các đồng minh nhằm giảm nguy cơ bị gián đoạn do thảm họa hay lệnh trừng phạt từ những quốc gia “không thân thiện”.

Loạt động thái trên được đảng Dân chủ thúc đẩy sau khi phe Cộng hòa tại Quốc hội liên tục gây sức ép với mong muốn Tổng thống Biden tiếp tục sách lược cứng rắn mà người tiền nhiệm Donald Trump thực thi với Bắc Kinh. Trong tín hiệu duy trì áp lực, ông Biden đã lên tiếng phản đối hành vi thương mại “cưỡng bức và không công bằng”; đồng thời ủng hộ quan điểm của chính quyền Trump về vấn đề Tân Cương. Trong cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 23-2, chủ nhân Nhà Trắng còn tái khẳng định cam kết hợp tác giữa hai nước để chống lại ảnh hưởng của cường quốc châu Á. Cùng ngày, Quốc hội Canada đã bỏ phiếu nhất trí lên án hành động của Trung Quốc với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương là tội “diệt chủng”, kêu gọi áp đặt biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc và chuyển Thế vận hội Mùa đông sắp tới khỏi Bắc Kinh.

Trong xu hướng xích lại gần Mỹ do lo ngại các toan tính địa chính trị của Trung Quốc, nhiều quốc gia châu Âu cũng bắt đầu ngăn chặn sự can dự của Bắc Kinh đối với kinh tế nước nhà. Thay đổi này mặt khác làm gia tăng căng thẳng trong Liên minh châu Âu bởi các nước lớn chủ yếu vẫn tán thành hợp tác thương mại với Trung Quốc.

Sau phiên điều trần gay cấn với những câu hỏi hóc búa về mức độ có thể đối đầu Trung Quốc, bà Linda Thomas-Greenfield đã được Thượng viện xác nhận cho vai trò đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) theo đề cử của Tổng thống Biden. Với hơn 30 năm hoạt động, các chuyên gia cho rằng kinh nghiệm của nhà ngoại giao da màu 69 tuổi là cần thiết trong nỗ lực đưa Washington trở lại sân khấu toàn cầu và ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong hệ thống các cơ quan LHQ.

MAI QUYÊN (Theo Reuters, Politico)

To Top