Nét đẹp văn hóa người Ê Đê xưa và nay ở buôn đầu nguồn

Akô Dhông là buôn người Ê Đê giữ được những nét văn hóa truyền thống, lề lối sinh hoạt của dân tộc mình với nét vừa cổ xưa, vừa hiện đại trong nếp nhà dài, bến nước, cồng chiêng, ẩm thực, thổ cẩm... Trước cuộc sống đang đổi thay từng ngày, nơi đây được ví như một mô hình xã hội Ê Đê thu nhỏ hoàn hảo từ phát triển kinh tế đến văn hóa xã hội.

Buôn Akô Dhông nằm cuối đường Trần Nhật Duật, thuộc phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh ĐắkLắk. Theo tiếng của người Ê Đê, Akô Dhông có nghĩa là đầu nguồn mạch nước, cực kỳ quan trọng, được coi như chốn thiêng, cũng là mạch nguồn của cuộc sống. Hiện nay, với diện tích hơn 62ha, buôn có 278 hộ sinh sống với 1.042 nhân khẩu. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số là 68 hộ với 332 nhân khẩu.

Già làng Ama H'rin khi còn sống (ảnh tư liệu).

Giữa phố Buôn Ma Thuột nhộn nhịp, đặt chân tới buôn Akô Dhông bên cánh rừng nguyên sinh huyền bí, nhịp sống như chậm lại với khung cảnh hài hòa dọc đường cây xanh, hoa cỏ được cắt tỉa gọn gàng. Cây cổ thụ trong buôn được bảo vệ nghiêm ngặt, ai chặt cây lớn sẽ bị phạt rất nặng, cỏ cây và kiến trúc cổ đặc trưng của người Ê Đê được thể hiện rõ nét. Dọc các đường chính của buôn, ở mỗi nhà dân đều có một căn nhà dài truyền thống – ngôi nhà tượng trưng cho văn hóa của dân tộc Ê Đê phía trước, những ngôi nhà xây hiện đại ở phía sau. Ngoài nhà dài, người dân buôn Akô Dhông vẫn giữ được những nét truyền thống như phụ nữ học dệt thổ cẩm, con trai say mê đánh cồng chiêng, nhà nhà học cách làm rượu cần. Các gia đình đều gìn giữ được bộ cồng chiêng, các ché, gùi và trong mỗi gia đình đều có những bộ trang phục của người Ê Đê. Và trong đó, họ luôn gìn giữ những lời kể khan, lời ca tiếng hát ông bà xưa để lại. Cứ đến dịp lễ hội hoặc ngày Tết, người dân trong buôn diện trang phục truyền thống, hòa mình xuống đường phố tạo những bức tranh rất đẹp, độc đáo riêng.

Ngôi nhà dài của già Ama H’Rin.

Theo Nghệ nhân ưu tú Ama H'Loan, một người dân trong buôn Akô Dhông, với người Ê Đê, nhà dài chính là máu thịt, là trái tim, điều gần gũi và thiêng liêng nhất. Ngôi nhà dài không chỉ là nơi sinh hoạt của cả gia đình mà còn là không gian văn hóa, nơi tổ chức các nghi lễ cúng của người Ê Đê. Đặc biệt, các nhà dài của mỗi hộ trong buôn có khung như nhau, nhà thẳng tắp, không quá cao hoặc quá thấp, cửa sổ của 5 – 6 nhà có thể nhìn thấy nhau. Trong nhà dài, nhà có bao nhiêu người con sẽ có bấy nhiêu phòng. Tùy vào hoàn cảnh gia đình, những gia đình khấm khá thì có cầu thang dẹp còn gia đình nghèo hơn thì có cầu thang tròn. Mỗi nhà đều có một cầu thang đằng trước, một cầu thang đằng sau. Khi con gái lớn lên, lấy chồng (chế độ mẫu hệ), bố mẹ nối nhà thêm một căn nữa, cứ như vậy nối thành nhà dài.

Căn nhà dài truyền thống, phía sau là ngôi nhà hiện đại tạo nên nét đẹp văn hóa xưa và nay

Cũng như nhiều người các buôn khác, bà con trong buôn đã tính phá bỏ những ngôi nhà dài để xây nhà hiện đại, khi người dân trong buôn giàu lên nhờ cây cà phê. Thấy vậy, già Ama H'Rin đã cùng với chính quyền đề ra hương ước, quy ước quy định các hộ xây nhà mới theo phong cách hiện đại thì xây ở phía sau, nhà dài truyền thống ở phía trước, từ đó trong buôn không còn ai có ý nghĩ xóa bỏ nhà dài (già Ama H'Rin là một già làng quá cố, buôn trưởng, người có công đi tìm vùng đất mới, khai hoan lập làng. Mảnh đất mà ông chọn là đầu nguồn con suối lớn nhất Buôn Ma Thuột có tên Ea Nuôl. Ông cũng là người khi đất nước đổi mới chia đều toàn bộ 40ha cà phê của mình cho bà con, tiếp tục hướng dẫn họ kỹ thuật, nhằm tạo ra những hạt cà phê chất lượng. Sau đó, ông lại lặn lội đi tìm khách hàng, ký hợp đồng bao tiêu thu mua cà phê cho bà con).

Quán cà phê ở buôn Akô Dhông thu hút du khách bởi cảnh yên bình.

Bí thư Chi Đoàn buôn Akô Dhông chị H'Tít Alêo chia sẻ, H'Tít tự hào vì được sinh ra và lớn lên tại buôn Akô Dhông. Là một cô gái Ê Đê, thuộc chế độ mẫu hệ, H'Tít tự nhủ phải là một trong những người tiếp tục gìn giữ và phát triển văn hóa của người Ê Đê để các buôn khác học hỏi, gìn giữ theo.

LÊ NHUẬN

To Top