Nét đẹp văn hóa tri ân

Lễ giỗ liệt sĩ tổ chức tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Khương (H. Hòa Vang) vào ngày 25-7-2021.

Gần 10 năm qua, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày Thương binh- Liệt sĩ 27-7, các địa phương ở vùng nông thôn Hòa Vang (TP Đà Nẵng) lại đồng loạt tổ chức "Lễ giỗ liệt sĩ" trong khuôn viên nghĩa trang liệt sĩ xã. Năm nay, do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh COVID-19, toàn xã hội phải tuân thủ theo khuyến cáo "5K", nên lễ giỗ liệt sĩ chỉ tổ chức đơn giản, tiết kiệm nhưng vẫn diễn ra trong không khí trang nghiêm, nghĩa tình, đậm chất nhân văn và thể hiện lòng tri ân của các thế hệ hôm nay với những người đã hy sinh vì hòa bình, độc lập, tự do của Tổ quốc.

Trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, Hòa Vang là vành đai diệt Mỹ nên bị giặc đánh phá ác liệt, bom đạn cày xới trên từng mảnh đất quê hương, là chiến trường chính của các đơn vị bộ đội chủ lực như: Trung đoàn 31 (Đại đội 25 Đặc công), Trung đoàn 141 (Sư đoàn 2), Sư đoàn 324 (Mặt trận 4), Trung đoàn Pháo binh 575, lực lượng vũ trang của huyện cùng nhiều đơn vị phối hợp. Trên địa bàn Hòa Vang hiện có 11 nghĩa trang liệt sĩ với 5.081 phần mộ, trong đó 2.302 mộ có đầy đủ thông tin, 389 mộ có một phần thông tin, 1.605 mộ chưa xác định được thông tin…

Còn với các cựu chiến binh, lễ giỗ liệt sĩ là những phút giây lắng đọng ký ức không thể nào quên về một thời tuổi trẻ với bao nhiệt huyết và động viên nhau góp sức xây dựng, bảo vệ quê hương. Thương binh Nguyễn Hòa (trú thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong) trải lòng: "Mỗi lần đến dự lễ giỗ liệt sĩ, cảm nhận được sự quan tâm, lòng biết ơn của thế hệ hôm nay, tôi và đồng đội đều chung niềm xúc động, tự hào. Trong số các đồng chí yên nghỉ tại nghĩa trang có nhiều đồng chí quê miền Bắc, ở tuổi mười tám, đôi mươi, các anh đã vào Nam chiến đấu và hy sinh. Năm nào cũng vậy, gặp nhau trong lễ giỗ liệt sĩ, chúng tôi cùng nhau ôn lại ký ức của một thời hào hùng và nhớ thương đồng đội. Điều đáng quý ở lễ giỗ liệt sĩ là tấm lòng, là biểu hiện sinh động cho đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc".

Cũng đầy đủ với các món ăn dân dã giống như cách bày soạn mâm cơm cúng ở các gia đình, nhưng việc giỗ chung tại nghĩa trang liệt sĩ càng có ý nghĩa hơn vì vẫn còn nhiều liệt sĩ vô danh mà người thân không biết thời gian hy sinh để cúng giỗ thì nay đã được cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương quan tâm, chú trọng. Cùng với ngày Giỗ tổ Hùng Vương, lễ giỗ liệt sĩ ngày nay đã trở thành nét đẹp văn hóa tri ân, rất đáng được trân trọng… Theo Bí thư Đảng ủy xã Hòa Khương Đinh Ngọc Thiên, xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm đối với công tác "Đền ơn đáp nghĩa", hằng năm, địa phương vẫn duy trì, tổ chức lễ giỗ liệt sĩ với sự tham dự của các hội đoàn thể, gia đình chính sách. Nhiều thân nhân liệt sĩ chia sẻ, mỗi năm gia đình đều tổ chức lễ giỗ vào ngày hy sinh của người thân nhưng lúc về dự lễ giỗ chung, cùng trò chuyện, chia sẻ với những gia đình khác, họ cảm thấy ấm lòng hơn. "Qua nhiều năm tổ chức theo hình thức xã hội hóa, lễ giỗ liệt sĩ lại được tổ chức trang trọng hơn, ý nghĩa hơn, làm ấm lòng hàng ngàn gia đình chính sách. Qua đó, nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau luôn nhớ về công lao của những người đã ngã xuống, để trau dồi đạo đức, nhân cách và lẽ sống, xứng đáng với sự hy sinh cao cả đó", ông Thiên bộc bạch.

VY HẬU

To Top