Nét văn hóa xưa và nay ở Phong Cốc

Được hình thành từ thời Lê sơ (năm 1434), trải qua bao biến động thăng trầm của thời gian, phường Phong Cốc (TX Quảng Yên) vẫn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống lâu đời, đặc trưng. Sự giao thoa giữa nét văn hóa đặc sắc xưa với văn hóa ngày nay đã tạo nên nền văn hóa phong phú cho địa phương vùng đảo Hà Nam.

Ông Lê Công Bình (giữa), Chủ tịch Hội đồng dòng họ Lê (phường Phong Cốc, TX Quảng Yên) giới thiệu danh sách hiếu học trong sổ vàng truyền thống của dòng họ.

Nhắc đến văn hóa ở Phong Cốc, không thể không nói đến văn hóa dòng họ ở mảnh đất này. Bởi Phong Cốc có nhiều dòng họ Tiên công tiêu biểu, với nhiều nét văn hóa được người dân bảo tồn, lưu giữ lâu đời. Hiện phường có 10 dòng họ, trong đó 5 dòng họ được xếp hạng di tích văn hóa quốc gia, gồm: Lê, Nguyễn, Vũ Văn, Vũ Trọng và Ngô. Ngoài việc xây miếu thờ thì con cháu các dòng họ còn lập từ đường thờ các thủy tổ là Tiên công. Với những nét văn hóa đặc sắc, các từ đường không chỉ là nơi lưu giữ bản sắc, di sản văn hóa của dòng họ, mà còn trở thành điểm du lịch hấp dẫn mang tính giáo dục trên địa bàn.

Là một trong những dòng họ Tiên công tiêu biểu ở Phong Cốc, hiện từ đường họ Lê vẫn giữ được nét kiến trúc cổ với những tác phẩm điêu khắc có giá trị được chạm trổ công phu như mảng chạm khắc của vì kèo, đầu dư, đầu bẩy, cửa võng, án gian… Ngoài ra, từ đường còn có các bản gia phả, sắc phong và các đại tự, hoành phi, câu đối ca ngợi công đức của Tiên công canh, khai sáng đồng điện. Nhịp sống hiện đại ngày một thay đổi, song từ đường dòng họ Lê vẫn giữ được gốc tích xây dựng từ 600 năm về trước; trở thành nơi con cháu tề tựu, báo công với tiên tổ.

Cùng với những giá trị lịch sử to lớn ấy, dòng họ Lê cũng là dòng họ có truyền thống hiếu học điển hình của địa phương. Ông Lê Công Bình, Chủ tịch Hội đồng gia tộc họ Lê, cho biết: Theo thống kê chưa đầy đủ do con cháu rải rác khắp cả nước rất lớn, dòng họ có 6 tiến sĩ, 45 thạc sĩ, trên 300 cử nhân và nhiều cháu đang theo học các bậc học cao. Hằng năm, dòng họ luôn quan tâm khen thưởng con cháu học giỏi. Những cháu có thành tích xuất sắc đều được ghi tên sổ vàng truyền thống của dòng họ.

Từ đường dòng họ ở Phong Cốc là một trong những di tích lịch sử được xếp hạng. Ảnh chụp tại từ đường dòng họ Lê.

Phong Cốc cũng là địa phương phục dựng, bảo tồn được nhiều lễ hội truyền thống diễn ra xuyên suốt trong năm. Các lễ hội lớn là lễ chạp tổ, lễ hội Tiên công, lễ hội đình làng… Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND phường Phong Cốc, cho biết: Công tác quản lý, tổ chức lễ hội được phường đặc biệt quan tâm. Hầu hết lễ hội được tổ chức trang trọng, thiết thực, tiết kiệm và vui tươi; mọi hoạt động diễn ra trong lễ hội được đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, du khách thập phương về tham dự. Thông qua lễ hội đã gắn kết bó tình đoàn kết cộng đồng dân cư, đáp ứng về nhu cầu đời sống văn hóa tâm linh của người dân; giữ gìn được giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ.

Đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân Phong Cốc từng bước được cải thiện. Toàn phường có 7/7 khu giữ vững danh hiệu văn hóa; 1.415/1.474 gia đình đạt danh hiệu văn hóa, chiếm 96%. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao phát triển mạnh. Công tác quản lý các hoạt động dịch vụ văn hóa được tăng cường. Các phong tục, tập quán lạc hậu dần được xóa bỏ, thay thế. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang cũng có nhiều chuyển biến, có hiệu quả tích cực.

Hoàng Anh

To Top