Ngày của cha - Người đi săn trong cánh rừng cổ tích!

Khi gia đình tôi đi sơ tán những năm chiến tranh 1964- 1965, chúng tôi từng sống ở cạnh một cánh rừng già rất đẹp. Đó là nơi ở và nơi làm việc ngay trong cơ quan sơ tán do cha tôi làm thủ trưởng – Trụ sở Ty Giáo dục. Chính ở nơi sơ tán ấy, giữa một cánh rừng già rất đẹp và hàng ngày tôi được nghe ríu ran những tiếng chim rừng hót vang mỗi sớm mai.

Tranh: Phạm Thị Phương Thảo

Cánh rừng cổ tích của tôi là những cánh rừng có thật trong suốt tuổi thơ của mình. Rừng xanh ở miền núi Lào Cai, vùng Tây Bắc quê tôi luôn đẹp đẽ và gọi mời với muôn vàn bí ẩn. Tôi gọi đó là cánh rừng cổ tích, vì cho đến nhiều năm sau này, dù tôi từng may mắn đi nhiều, được đặt chân đến nhiều nơi đẹp đẽ và thậm chí được thả hồn thăm những cánh rừng xanh tươi ngay giữa lòng thành phố của vài đất nước xa xôi khác, tôi vẫn thấy cánh rừng tuổi thơ của mình ở Lào Cai khi xưa là đẹp nhất!

Những khu rừng ấy luôn rậm rạp, nườm nượp những cây vầu, cây nứa lên xanh tốt và cao ngút. Măng rừng đua nhau mọc lên lởm chởm sau những cơn mưa. Mùi lá cây ẩm mục hăng hắc, những thứ hương thơm ngan ngát đặc trưng của hoa dẻ và nhiều loại hoa dại có màu sắc ma mị. Tôi nghĩ, chắc chỉ có lũ trẻ con sống nơi heo hút gần kề với rừng rú , tít nơi biên viễn của những miền núi cao Tây Bắc như lũ trẻ con chúng tôi ngày xa xưa mới có được những thứ “đặc ân “ ấy của thiên nhiên!

Những tàng cây cổ thụ âm u và rậm rịt luôn tỏa bóng chở che mát rượi. Dây leo xoắn xuýt trong tầng tầng bóng lá. Ánh mặt trời mỗi khi khi xuyên qua kẽ lá hình thành nên từng vệt khói nhiều sắc màu và lấp lánh mỏng tang. Những con suối trong rừng tuy bé nhỏ thôi mà luôn róc rách đêm ngày. Nước trong vắt, mát lạnh. Nhớ những tảng rêu đá xanh óng, trơn trượt. Nhớ những chùm hoa dại rực rỡ sắc màu luôn gọi mời bướm ong đến nô đùa và mải mê hút mật. Riêng lũ côn trùng trong rừng thì nhiều vô kể. Rừng xưa luôn đẹp, mát rượi, xanh thẳm, bí ẩn và quyến rũ lạ lùng! Tôi đặc biệt thích được nghe những tiếng chim rừng hót ríu ran vào mỗi sớm mai.

Mỗi khi cha tôi đi săn về, lủng lẳng trong tay là cả một túm chim rừng nhiều màu sắc. Tôi khoái chí khi được tận mắt quan sát vẻ đẹp của những chiếc lông chim óng ánh. Đến bây giờ tôi vẫn còn nghe thấy trong ký ức vang lên những tiếng chim rừng hót ríu ran vào mỗi ban mai. Tôi vẫn ngửi thấy mùi hương thơm của những loài hoa cỏ dại. Vẫn thấy hình ảnh những cánh rừng xa xưa ấy đang trở về, đang tỏa hương và ngân lên xào xạc trong nỗi nhớ không nguôi vềnhững ký ức êm đềm suốt tuổi thơ của mình.

Cánh rừng cổ tích của tuổi thơ tôi còn là những khu rừng già ngát xanh và rậm rạp bóng lá ở khu sơ tán ở Nam Cường, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Cái ngày mà tôi còn nhỏ xíu. Một cô bé lên năm tuổi, rồi lên sáu, bẩy, tám tuổi... vẫn là tôi, túm tóc vểnh đuôi gà và rất ngây thơ khi đó. Vẫn còn xanh tươi mãi trong tôi những kỷ niệm về vùng đồi núi cho đến tận sau này. Đôi khi trong nỗi nhớ tuổi thơ, tôi vẫn thấy những cánh rừng ấy thở khẽ trong rập rờn cây lá. Chúng rì rầm cùng gió và chỉ cần chúng chạm vào ký ức tôi là muôn vàn thứ hoa thơm cỏ lạ lại tỏa hương!

Khi gia đình tôi đi sơ tán những năm chiến tranh 1964- 1965, chúng tôi từng sống ở cạnh một cánh rừng già rất đẹp. Đó là nơi ở và nơi làm việc ngay trong cơ quan sơ tán do cha tôi làm thủ trưởng – Trụ sở Ty Giáo dục. Chính ở nơi sơ tán ấy, giữa một cánh rừng già rất đẹp và hàng ngày tôi được nghe ríu ran những tiếng chim rừng hót vang mỗi sớm mai. Tôi nhớ như in căn nhà tập thể của chúng tôi được lợp bằng bã nứa băm nhỏ và nằm thảnh thơi trên đỉnh đồi. Ngay đầu nhà là một cây me rừng luôn xõa tóc và tòa bóng mát mà tôi từng được nếm cái vị chua chua chát chát của nó. Những thứ hương vị ấy tôi nhớ rất lâu, nhớ suốt cả tuổi thơ của mình. Khi đi dọc theo con mương nhỏ, nhìn xuống ngay đó là khoảnh ruộng nơi chân đồi được cấy lúa rất xanh tốt của hợp tác xã. Một con mương nhỏ uốn quanh mép ruộng lúa và khiêm tốn nằm nép sát lưng đồi. Những búi cỏ lau rậm rạp mà sau này cha tôi từng bắn được những con cuốc lẩn trốn ở đó.

Người đi săn trong cánh rừng cổ tích ấy của tôi chính là cha tôi. Ông có cái thú được vào rừng săn bắn trong những ngày nghỉ vào chủ nhật rảnh rỗi. Cha tôi- Người đàn ông mạnh mẽ, phóng khoáng luôn yêu thiên nhiên. Ông thích được thảnh thơi vào đi rừng săn bắn để cải thiện những bữa ăn đạm bạc cho các con. Ngày ấy trẻ con thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng vì thời kỳ chiến tranh đang ác liệt gian khổ, bữa cơm gạo hẩm và độn sắn khoai, ngô xay... thường chẳng có gì để ăn ngoài món nước mắm và rau xanh tự trồng. Mấy chị em tôi cũng biết trồng rau nuôi gà vịt từ bé và mãi sau này đời sống có khá hơn. Chỉ duy nhất một lần, cha tôi đi săn về mà chẳng thấy ông mang về nhà chú chim rừng nào. Mẹ tôi hỏi tại sao thì thấy cha tôi cười rất tươi mà nói rằng hôm nay nhìn thấy lũ chim đẹp quá nên anh không nỡ bắn! Có thể cha tôi đã nhìn thấy cảnh gia đình chim đang sum họp chăng ? Mãi sau này, khi tôi đã viết bài thơ “ Người đi săn trong cánh rừng cổ tích “ và luôn nghĩ về điều đó. Cha tôi- một nhà giáo yêu văn chương, ông đúng là một người đàn ông lãng mạn!

Lại kể tiếp câu chuyện người đi săn trong cánh rừng cổ tích. Cha tôi là một tay súng thể thao thiện xạ. Mỗi khi ông đi săn về, là ngày hôm đó chúng tôi được ăn tươi. Đôi khi, cha tôi cùng mấy bác “ thiện xạ “trong cơ quan, cũng may mắn tóm được vài con chồn, con sóc, con dúi hay thậm chí vài con rắn hổ mang nữa. Chủ nhật là ngày nghỉ, cha tôi thích được vào rừng đi săn bắn chim muông cùng mấy chú bác,bạn bè đồng nghiệp thân thiết của ông. Ngày ấy, vào những năm 1965- 1968 chúng tôi còn rất nhỏ và sống trong khu sơ tán tại cơ quan Ty Giáo Dục. Nơi làm việc của cha tôi đóng đô trong một cánh rừng ở Nam Cường, sát với chân đồi, nơi có những thửa ruộng lúa lên xanh mướt.

Cha tôi là người cha khá nghiêm khắc và lịch lãm. Ông là một nhà giáo giỏi, quê gốc người Xuân Trường, Nam Định. Ông từng xung phong lên miền núi cao hẻo lánh, tham gia công tác bình dân học vụ và đi kháng chiến ở Đội Cứu quốc huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang những năm 1947- 1950. Sau đó, cha tôi xung phong lên Lào Cai làm công tác xóa mù chữ cho đồng bào các dân tộc Lào Cai và công tác trong ngành giáo dục từ những ngày ban đầu khi giải phóng Lào Cai cho đến khi mất ( Năm 1972). Một quãng thời gian đẹp đẽ với muôn vàn gian khổ.

Ngày ấy, cha tôi và các cô chú nhà giáo sống trong Ty Giáo Dục ở nơi sơ tán, họ chỉ có những khẩu súng thể thao đơn giản thôi. Nhưng khá nhiều tay súng thiện xạ đã lập nên những kỳ tích. Có hôm cả cơ quan được ăn liên hoan khi các bác săn bắt được con thú gì đó. Có hôm thì mấy bác trong cơ quan làm món thịt rắn vừa bắt được ngay trong góc nhà và mời cha tôi đi uống rượu Bắc Hà để ăn mừng chiến thắng. Trong mắt một đứa trẻ lên năm, sáu tuổi là tôi khi ấy, hình ảnh lãng mạn và gan góc về họ đến mãi sau này khi lớn lên, tôi vẫn không thể nào quên. Những ký ức đẹp đẽ về người cha đã ăn sâu trong tâm trí tôi.

Thi thoảng, có ngày cha tôi còn săn bắn được lũ chim cuốc khi ông ngồi làm việc ngay trong phòng. Cơ quan bố trí cho cha tôi một gian phòng làm việc ở phía cuối dãy nhà lá. Lũ chim cuốc luôn ẩn náu trong các bụi rậm có cỏ mọc um tùm cao lút đầu người. Ngay sát nơi bờ mương với những thửa ruộng còn có cả chim ngói và cò nữa. Căn nhà tập thể đơn sơ của chúng tôi ở lưng chừng đỉnh đồi. Đôi khi ngồi trong nhà nhìn ra, cha tôi quan sát có những con chim cuốc đang náu mình trong bụi rậm, ông liền lấy khẩu súng thể thao kê lên chấn song cửa sổ và ngắm bắn rất chính xác. Chúng tôi chạy theo cha đi ra phía con mương và cánh đồng để thu hoạch “ chiến lợi phẩm”. Những con chim cuốc đang cặm cụi kiếm ăn, có cặp chân dài, chiếc mỏ cũng dài, lông đen mướt mà lông ngực lại trắng muốt. Cũng có loại cuốc đen tuyền vẫn sống ẩn náu trong những bụi cỏ và lau sậy cạnh đầm lầy hay ven ruộng, như một loài sinh vật hiền lành và tiếng kêu cuốc, cuốc cứ vang lên trong những đêm đầu hè thì ai nghe thấy cũng buồn đến não ruột!

Thiên nhiên thật hoang sơ và tươi đẹp ngay ở chính nơi cánh rừng tuổi thơ của tôi, ngày chúng tôi sống trong khu sơ tán Nam Cường từ những ngày thơ bé ấy. Những ngọn đồi lúp xúp và hoang vu đã được các bác, các cô trong cơ quan cha tôi lao động tập thể, đã san gạt và làm nên những dãy nhà tập thể xinh xắn bằng tranh tre nứa lá. Tôi nhớ, những mái nhà ấy toàn được lợp bằng bã nứa rất đơn sơ. Đó là những cây nứa lấy từ rừng về, được cưa đều chằn chặn, rồi được các bác các cô dùng dao băm nhỏ, khía dọc thớ và khéo léo uốn cong để dàn thành những tấm lợp đẹp đẽ. Vách nhà được làm bằng khung tre nứa và trát bằng bùn trộn rơm băm nhỏ. Sau này chúng tôi cũng biết làm theo như thế khi phải huy động đi lao động xây dựng trường sở khi còn nhỏ. Trẻ em miền núi cao biết chăm chỉ làm lụng và khéo tay hay làm, có lẽ một phần do hoàn cảnh mà tự thích nghi.

Biết bao nhiêu là thứ quyến rũ với cây cối um tùm và lũ chim chóc đáng mến vẫn hót ríu ran vào mỗi bình minh. Rừng nơi ấy cũng có quá nhiều thứ độc hại và rất nguy hiểm! Lá ngón, là han và rất nhiều thứ lá cây, rễ cây có thể gây chết người nơi “rừng thiêng nước độc “.Rắn hổ mang và nhiều loại rắn rết tôi đã từng nhìn thấy nhiều lần. Ngày bé chúng tôi ở cạnh rừng nên cũng không thấy sợ hãi lũ rắn như bây giờ. Tuổi thơ tôi chưa từng nhìn thấy lũ hổ báo bao giờ nhưng với lũ ong vò vẽ, rắn rết, lũ đỉa và lũ vắt thì rất hay gặp, khi chúng đeo bám vào bắp chân người đi rừng và chúng hút máu thì rất kinh hãi, cứ là “ đại như đỉa”! Cái lũ “hút máu “ ấy thì thời nào cũng vẫn nhiều lắm!

Ra khỏi khu tập thể Ty Giáo dục, đi bộ ngược về phía núi bên trái chỉ một đoạn rất ngắn là vào đến cửa rừng. Cửa rừng là một khu nghĩa địa hoang vắng và cứ xẩm tối là nhấp nháy những ánh lửa lân tinh lập lòe, đó là lũ ma chơi mà chúng tôi vẫn thường nghe người ta dọa nhau. Ngã ba đi vào rừng ta sẽ bắt gặp một cây gạo già cỗi và cao lớn ngự ở ngay sát cổng nghĩa địa. Có thể vì thế mà những “Cây gạo có ma “là câu nói tôi từng nghe và được hiểu ngay từ lúc còn ấu thơ. Nơi ấy nhìn thì heo hút thế nhưng đi vào thêm chút nữa thì toàn là rừng rậm với cây cối chằng chịt. Gió thổi vù vù bên tai, tiếng dao chặt cây chan chát, đôi khi có những tiếng cười nói ồn ào, nghe cũng râm ran và đôi khi có tiếng trâu kéo gỗ ràn rạt trên đường về làm vang động cả cánh rừng.

Thi thoảng tôi cũng theo các anh chị lớn vào rừng lấy củi. Khi ấy, trẻ con cũng biết đi rừng, bẻ măng, hái rau, chọn lấy những củi cành khô và biết theo nhau tự bó củi bằng dây sắn rừng và cũng biết vác củi về nhà đến trẹo cả vai. Mệt lắm nhưng cực vui! Rừng xanh là cả một thế giới đầy bí ẩn của tuổi thơ ngày ấy. Vào rừng con được nếm nhiều thứ quả rừng nữa. Hái quả ngõa, quả sung mật, quả lạc tiên.. để ăn ngay tại chỗ, chúng tôi còn thi nhau hái và hút mật hoa dong rừng, hái những quả đùm đũm chín đỏ khuất trong các bụi rậm và bị gai cào xước chảy cả máu tay.. biết bao nhiêu là niềm vui của tuổi thơ ngày ấy. Rừng vẫn luôn đẹp! Suối chảy róc rách, nghe tiếng chim hót “ bắt cô trói cột” vang lên khắc khoải.

Trong ký ức của một đứa trẻ mới lên bẩy , lên tám tuổi là tôi khi đó, những hoa lá, những cỏ cây và những loài chim chóc...xung quanh mình, cái gì cũng đầy lạ lẫm. Thế giới tuổi thơ của tôi chủ yếu là tự chơi với hoa lá cỏ cây, mà toàn là những thứ hoa rừng và hoa cỏ dại mọc xung quanh nhà. Cha mẹ nhà nào cũng đều bận bịu đi làm từ sáng đến tối, bọn trẻ con tự chơi, tự học và còn biết lao động từ nhỏ. Con suối nhỏ xíu chảy ngang qua khu rừng đó rồi đổ ra những thửa ruộng phía chân đồi. Rừng núi hoang sơ ngày xa xưa ấy cũng tiềm ẩn khá nhiều nguy hiểm. Rắn rết nhiều vô kể và có khi vừa ngủ dậy ta nhìn thấy rắn nằm khoanh tròn ngay dưới gậm giường! Dù thế nào thì rừng vẫn luôn đẹp đẽ và mang theo muôn vàn bí ẩn trong ký ức tôi. Rừng góp phần gìn giữ môi trường sống, bảo vệ khi hậu, đất đai và cung cấp sản vật để nuôi sống con người. Đồi núi trập trùng và những cánh rừng xanh ngát ấy đã mất dần và đến bây giờ có lẽ chỉ còn lại trong ký ức chúng ta mà thôi!

Nói về lũ chim rừng cũng rất khoái. Tôi vẫn còn nhớ, mỗi khi cha tôi khoác khẩu súng săn thể thao đi vào rừng là khi về ông xách theo lủng lẳng một túm chiến lợi phẩm. Đó là một chùm mấy chú chim chào mào đầu đỏ và vài loại chim rừng khác nữa. Còn mấy bác “thợ săn” đều là các chiến hữu, các thầy cô giáo và các chú đồng nghiệp của cha tôi ở Ty Giáo Dục ngày ấy. Các loài chim rừng được cha tôi săn mang về nhà, có nhiều loại nhìn màu sắc và hình dáng cũng rất đẹp. Những con chích thì nửa trắng nửa đen. Bụng thì trắng mà phần đầu và mỏ thì màu đen. Chúng được gọi với cái tên chích chòe than. Còn loại chích chòe lửa mới thực sự quyến rũ bởi chiếc đuôi thật dài và cứ vươn vểnh lên ở phía sau. Đầu và cánh có màu lông đen bóng, phần bụng chim lại có màu nâu đỏ. Chích chọe lửa nhỏ hơn chích chòe than nhưng nhìn rất đẹp. Nhất là mỗi khi ánh nắng chiếu lên mình chúng, ánh lên màu lửa trong màu khói xám, nhìn khá là ma mị. Có thể vì thế mà người ta gọi chúng là chích chòe lửa chăng ?

Sau này, mỗi khi nhớ lại, tôi thấy cuộc sống của các nhà giáo ngày ấy sao mà đơn sơ , đẹp đẽ và lãng mạn đến thế. Tôi đã viết bài thơ “ Người đi săn trong cánh rừng cổ tích” và “Tủ sách của Cha” từ những hình ảnh của cha tôi. Sau này những ký ức đẹp đẽ ấy về người Cha còn tiếp tục được tái hiện lung linh trong nhiều bài thơ và tản văn của tôi. Đôi khi tôi nhớ hình ảnh cha tôi khoác khẩu súng săn thể thao vào rừng và mang về nhà lủng lẳng một túm chiến lợi phẩm là mấy chú chim chào mào đầu đỏ và vài loại chim rừng khác nữa mấy “thợ săn” là các chiến hữu thầy cô giáo và các chú ở Ty Giáo Dục ngày ấy.

Lại nói về vùng núi Sapa! Trong trí nhớ của mình, tôi chỉ còn nhớ mang máng hình ảnh ngày xa xưa. Khi ấy tôi mới lên 5 tuổi và cả bà nội và 4 chi em tôi đi sơ tán, rời thị xã Lào Cai vào sống ở Sa pa năm 1964 thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất. Gia đình tôi chia mấy ngả. Mấy chị em tôi cùng bà nội đi sơ tán, còn cha mẹ tôi bận công tác ở Lào Cai. Bây giờ, mỗi khi ngắm lại những bức ảnh ngày xa xưa khi cha tôi bế cô em út mới mot tuổi và chụp với mấy bà cháu tôi ở Sa pa năm 1964, tôi lại rưng rưng xúc động.

Tôi yêu mảnh đất ấy, con người ấy-những con người miền núi giản dị, chân thật và giàu tâm hồn, có nét phóng khoáng và chút lãng tử...với tất cả tình cảm máu thịt của mình. Cha tôi luôn là một hình ảnh đặc biệt mỗi khi tôi nhớ về quê hương tuổi thơ của mình.

. “Người quê tôi quanh năm cõng núi...” là những câu thơ tôi từng viết. Có lẽ vì thế mà tôi thích viết về miền núi, yêu miền núi và gắn bó với núi rừng, sông suối, ấn tượng về những tiếng chim hót ríu ran vẫn còn đập cánh trong tôi cho đến tận báy giờ. Biết ơn cha mẹ và quê hương Lào Cai đã nâng cánh ước mơ và khát vọng cho tôi từ những ngày thơ ấu.

Cha tôi mất sớm năm tôi 13 tuổi! Thật đau xót và đáng tiếc. Ký ức về Cha không nhiều. Ảnh chụp với cha ngày ấy cũng quá ít. Chỉ còn lại dăm bức ảnh đen trắng có mặt lũ trẻ con chúng tôi chụp bên cha. Ngày ấy cả nước gian truân vất vả, lại chiến tranh liên miên. Cha tôi bận rộn và đi vắng suốt. Những hình ảnh về cha còn lại trong tâm trí tôi tuy ít ỏi nhưng rất ấn tượng. Người cha của tôi yêu văn chương và ham đọc sách vô cùng. Tủ sách của cha tôi khá đẹp và được cha gìn giữ nâng niu từ trang đầu cho đến tận trang cuối cùng. Mỗi cuốn sách đều được cha tôi bọc bìa cẩn thận và ghi ngày tháng mua sách và ký tên rất đẹp. Ngay từ bé tôi đã được tiếp xúc với sách qua tủ sách ấy.Thường là đọc trộm những cuốn sách dày cộm - đó là những tập tiểu thuyết kinh điển lớn, dù lúc ấy, một đứa trẻ như tôi cũng chưa thể hiểu hết sách nói gì. Tôi thường say mê đọc sách trong những lúc cha mẹ đi vắng, vì cha mẹ tôi không cho phép trẻ con đọc tiểu thuyết quá sớm. Tôi khi ấy cũng không có gì để đọc ngoài những cuốn sách trong tủ sách của cha. May là toàn sách văn học rất hay!

Nhớ cha! Người đi săn trong cánh rừng cổ tích! Người đã nuôi dưỡng hình hài và nuôi dưỡng cả tâm hồn thơ ấu của tôi!

( Phạm Thị Phương Thảo - Viết trong “ngày của Cha “ - 15/6/2020- 20/6/2021

Phạm Thị Phương Thảo

To Top