Ngày hội xuất bản và văn học của Cuba

Hội sách quốc tế Cuba được đánh giá là một trong những sự kiện thường niên nổi bật từ năm 1982, nơi quy tụ đông đảo độc giả và giới làm sách.

Hội chợ sách quốc tế La Habana (FIL) thường diễn ra vào đầu tháng hai, là cơ hội để quảng bá văn học, sách, văn hóa mang đậm hơi thở của mảnh đất đầy nắng gió bên bờ biển Caribe. Thế nhưng năm nay, người dân nơi đây không khỏi tiếc nuối vì sự kiện này đã không thể diễn ra do tình hình dịch bệnh.

Đến với quốc đảo Cuba dịp đầu năm, không chỉ phong cảnh tự nhiên, du khách sẽ ấn tượng với văn hóa đọc của con người ở xứ “hòn đảo lửa, đảo say” ấy.

Hàng năm, mỗi khi FIL diễn ra, thật khó để tìm được một khoảng trống trên pháo đài rộng lớn San Carlos de la Cabanã, bởi số lượng người yêu sách đến đây nhiều vô kể.

Dòng người tấp nập đổ dồn về pháo đài San Carlos de la Cabanã - nơi diễn ra hội sách FIL. Ảnh: Cultureangulo.

Xuất thân với tên gọi Hội chợ sách quốc tế La Habana, nhưng theo dòng chảy của thời gian và sự phát triển của văn hóa đọc, FIL đã tự chuyển mình để “thay tên đổi họ” với quy mô lớn hơn, tiếp cận bạn đọc nhiều hơn, tự hào trở thành “Hội chợ sách quốc tế Cuba”.

Năm 1959, mảnh đất anh hùng của vị lãnh tụ kiệt xuất Fidel Castro giành được độc lập. Từ năm 1937, Cuba đã tự tổ chức được sự kiện mang tính giới thiệu văn hóa đọc này. Đặt nền móng với những viên gạch đầu tiên cho ý tưởng này chính là hai nhà báo, nhà sử học Cuba: José Luciano Franco và Emilio Roig de Leuchsenring.

Tuy nhiên, những gian sách năm ấy chỉ vỏn vẹn bày biện với quy mô nhỏ hẹp dọc phố đi bộ Prado và bờ đê Malecón. Vì lẽ đó, nó ít gây được tiếng vang, tầm ảnh hưởng đến công chúng cũng không được như mong đợi.

Nhiều năm sau, với sự góp mặt của những triển lãm kết hợp với việc bán sách, FIL đã thu hút nhiều nhà xuất bản Mỹ Latinh tham dự.

1982 là năm đánh dấu mốc cho sự hồi sinh của Hội chợ sách quốc tế Cuba. Kể từ đó, hội sách được tổ chức 2 năm một lần, và đến năm 2000 thì chính thức trở thành sự kiện văn hóa thường niên.

Đến nay, FIL đã trải qua 29 năm. Sức hút mạnh mẽ khiến trụ sở chính của hội phải tổ chức bán vé cho người dân từ trước đó cả tuần.

Không phải là hội chợ sách quốc tế có quy mô lớn nhất Mỹ Latinh, nhưng FIL Cuba lại gây được tiếng vang đến những quốc gia khác trong khu vực.

10 ngày diễn ra sự kiện (từ ngày 6 đến 16/2 hàng năm) là những ngày người dân cả thành phố La Habana và các tỉnh khác nô nức đổ dồn về phía bức tường thành rộng lớn bao quanh pháo đài San Carlos de la Cabanã, nơi có thể đứng từ đó và “mãn nhãn”, choáng ngợp trước cảnh đẹp của toàn thành phố.

Được đánh giá là một trong những sự kiện thường niên nổi bất nhất trong năm của quốc đảo Caribe tính từ năm 1982, FIL luôn là chủ đề chiếm sóng trên các phương tiện truyền thông và tốn không ít giấy mực của báo giới Cuba trong những ngày diễn ra hoạt động. Không chỉ thế, nó còn được ví như ngày hội xuất bản và văn học của “hòn đảo lửa” nói riêng và Mỹ Latinh nói chung.

Trả lời Zing, ông Rafael Grillo - Tổng biên tập tạp chí văn hóa El Caimán Barburo - nhấn mạnh mua sách là mục đích chính của người dân khi đến đây. Bên cạnh đó, nó còn là nơi để các nhà xuất bản, tác giả và các chuyên gia trong nghề gặp gỡ, trao đổi, giới thiệu “đứa con tinh thần mới chào đời” của mình.

“Tiêu chí của hội chợ sách ở đây không chỉ là giới thiệu sách, mà còn là để quảng bá và khuyến khích văn hóa đọc, đặc biệt là cho giới trẻ. Vì lẽ đó, hội chợ luôn trưng bày một khối lượng rất lớn ấn phẩm dành cho tầng lớp thanh thiếu niên nhi đồng”, ông cho biết thêm.

Theo số liệu của ban tổ chức, những năm gần đây, hội sách có sự tham gia góp mặt của hàng trăm nhà xuất bản đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, khoảng 4.000 đầu sách được giới thiệu với hơn 4 triệu ấn phẩm về các đề tài khác nhau, thu hút hàng triệu lượt khách tham dự.

Đặc biệt, mỗi năm FIL Cuba sẽ có một quốc gia khách mời danh dự và sẽ vinh danh một nhà văn, nhà thơ hay một nhân vật văn hóa nổi tiếng. Năm 2020 vừa qua, FIL lần thứ 29 diễn ra thành công tốt đẹp với sự tham gia của Việt Nam dưới tư cách khách mời danh dự.

Chủ tịch Cuba thăm gian hàng của Việt Nam tại hội sách năm 2020. Ảnh: TTXVN.

FIL Cuba là cơ hội lớn để quảng bá văn hóa đọc, tình yêu đối với sách của người dân quốc đảo nói riêng và của Mỹ Latinh nói chung. Không chỉ thế, còn là dịp để các quốc gia tham dự có thể học hỏi lẫn nhau cũng như tìm cho mình cơ hội hợp tác với các nhà xuất bản khác trên thế giới.

Huế Trần

To Top