Nghệ sĩ ba lê Nguyễn Đức Hiếu: Khi múa, tôi tìm thấy bản thân mình

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, tình yêu, niềm đam mê khiêu vũ thể thao của chàng trai trẻ Nguyễn Đức Hiếu được nhen nhóm từ thơ ấu. Sau khi học chuyên nghiệp tại Học viện Múa Việt Nam và ra nước ngoài tu nghiệp, hiện anh là gương mặt đầy triển vọng của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam.

- Cơ duyên nào đưa Hiếu đến với ba lê?

- Hồi nhỏ, gia đình muốn tôi học một môn thể thao để được khỏe mạnh, linh hoạt hơn. Vô tình hôm đăng ký học võ lại không có lớp, trong khi ngay cạnh có lớp khiêu vũ. Bố mẹ hỏi: “Con có thích nhảy không?", tôi ậm ừ rồi bén duyên với nhảy. Sau 3 năm học tại Nhà văn hóa huyện Từ Liêm, năm thứ 4 tôi bắt đầu theo chuyên nghiệp và có những thành tích đầu tiên.

Năm 2013, tôi học múa chuyên nghiệp tại Học viện Múa Việt Nam. Tôi là người không thể ngồi im một chỗ. Khi nhảy múa tôi được giải phóng cơ thể và quan trọng hơn hết là tìm thấy tính cách của mình. Nghệ thuật múa luôn cần sự cầu toàn, chỉn chu nhưng vẫn có gì đấy làm cho tâm hồn mình thoải mái. Ba lê không có nhiều bước như múa đương đại, không nhiều tiểu tiết như múa dân gian nhưng vì sao múa ba lê lại là quy chuẩn của cả thế giới và đa số người muốn hướng tới đỉnh cao lại chọn múa ba lê? Tại vì nó rất toán học, rất hàn lâm nhưng lại mang tính văn học trong đó.

- Đó là lý do Hiếu chọn múa ba lê?

- Vâng, múa ba lê không bao giờ là đủ, và không có buổi biểu diễn nào là hoàn hảo, chỉ có buổi biểu diễn cận hoàn hảo và thành công so với bản thân mình. Cảm giác ngày hôm nay anh có thể giơ chân cao nhưng ngày mai lại là một trạng thái khác, chuyển đổi liên tục. Làm sao để mình là người chuyên nghiệp, cảm giác cơ thể ngày nào cũng như ngày nào mới là điều quan trọng nhất. Duy trì sự chuyên nghiệp ấy trong 10 năm mới là điều quan trọng của một vũ công ba lê.

- 10 năm ấy chính là thời gian vàng của những ai theo múa?

- Vâng, đời của diễn viên múa chỉ ngắn thế thôi, qua 30 tuổi đã là chuyện khác. Khi đó cơ thể mình đã bắt đầu trì trệ. Hơn nữa ở nước ta chưa có một chế độ dinh dưỡng và môi trường phù hợp để hỗ trợ tối đa cho nghệ sĩ múa. Điều tôi có thể làm là bảo vệ cơ thể mình, ăn uống cẩn thận, tránh bị bệnh dạ dày. Cuộc đời của diễn viên múa trôi qua rất nhanh, làm sao để trong vòng 10 năm mình lên được như một con phượng hoàng thì cần phải giữ cơ thể lúc nào cũng tỉnh táo. Anh vừa có sức trẻ, vừa có kinh nghiệm vào những năm 25 - 27 tuổi. Sau 27 tuổi, thể lực kém đi thì chỉ còn kinh nghiệm.

- Ngắn ngủi và khắc nghiệt như vậy, tại sao Hiếu vẫn kiên định với nghệ thuật múa?

- Thật ra, hầu hết diễn viên múa đều hạnh phúc với nghề. Khi tu nghiệp tại Mỹ, thầy giáo của tôi vẫn bảo: “Múa làm cho chúng ta phản xạ nhanh trong đời sống”. Múa luyện cho con người phong thái tự tin.

Khi múa, tôi thỏa mãn chính bản thân mình. Tôi quan niệm, khi mình thấy cái gì, mình múa như thế nào, mình cảm nhận bản thân mình ra sao thì khán giả cảm nhận được như thế. Chỉ khi nào mình làm mọi thứ dễ dàng, như một cuộc dạo chơi nghiêm túc thì khi ấy mới gọi là chuyên nghiệp. Đó là khi từng vòng quay mình có cảm xúc, mỗi bước chân của mình đều khiến người khác vỗ tay.

- Năm nay 21 tuổi, Hiếu hiện đang ở trong giai đoạn đầu của 10 năm đỉnh cao sự nghiệp. Hiếu đã chuẩn bị cho giai đoạn này như thế nào?

- Tôi mong mình trưởng thành sớm trong múa, để có thể làm việc trong phong thái đỉnh cao ấy lâu hơn. Muốn làm được điều đó, mình phải hiểu lịch sử, rút ra những gì tốt đẹp trong quá khứ, đồng thời sáng tạo ra những cái mới. Để làm được điều đó thì mình phải biết mình đang ở đâu? Thời điểm này như thế nào là đẹp? Kỹ thuật như thế nào là đủ?... Tôi chưa thành công lắm nhưng tôi hiểu bản thân mình. Tôi là người khá cầu toàn và luôn có kế hoạch cụ thể, chắc chắn.

- Cảm ơn nghệ sĩ Nguyễn Đức Hiếu đã chia sẻ!

Thúy Đinh

To Top