Nghệ sĩ Trúc Linh: Mong câu vọng cổ không chìm trong dòng chảy đương đại

Ngay từ bé, từng câu vọng cổ đã ngấm vào hồn của nghệ sĩ Trúc Linh, vì thế cô luôn mong muốn được giữ gìn và phát huy hết những nét đẹp của nghệ thuật đờn đờn ca tài tử - món ăn tinh thần không thể thiếu của vùng đất Nam bộ.

Sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo thuộc xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Từ nhỏ, cô bé Bùi Thị Trúc Linh (SN 1985) đã được đắm mình trong lời ca tiếng hát của đờn ca tài tử, của điệu vọng cổ buồn thắc thỏm hò, xự, xang, xê, cống…

Ở nông thôn Nam Bộ vào những dịp hội hè, giỗ chạp hay đơn giản hơn chỉ là những đêm trăng thanh gió mát, những buổi nông nhàn, xóm giềng xúm xít hàn huyên thì không thể thiếu tiếng đàn bầu của đờn ca tài tử, của điệu vọng cổ bật lên tí tách nhịp song loan như tiếng hạt lúa nảy mầm. Có thể nói, hơn cả một nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, đờn ca tài tử và 6 câu vọng cổ đã góp phần hình thành tính cách người miệt vườn Nam Bộ hào sảng, hiếu khách, trọng nghĩa tình.

Vào những buổi như vậy, cô bé Trúc Linh hay nép vào cánh cửa nhà sau say mê nghe cha và các cô, các chú trong xóm ca hát. Riết rồi cái hồn cốt của bộ môn nghệ thuật dân gian này thấm vào máu thịt cô hồi nào không hay. Trong một dịp tình cờ, phát hiện chất giọng thiên phú trong của cô bé lên 10 này, các “nghệ sĩ miệt vườn” đã rèn giũa, bồi dưỡng thêm và cho Trúc Linh tháp tùng biểu diễn ở các đám tiệc trong vùng.

Nghệ sĩ Bùi Thị Trúc Linh trong buổi trao giải “Điêu Huyền” Phong Điền mở rộng năm 2021.

Khi gánh đờn ca tài tử “Bầu Ấu” (hình thành từ hồi kháng chiến) được Khu du lịch sinh thái Lung Cột Cầu bảo trợ tái hoạt động lại, cũng là lúc giọng ca Trúc Linh đủ độ “chín” để biểu diễn trước du khách trong và ngoài nước, góp phần quảng bá đặc sắc văn hóa quê nhà đến bè bạn gần xa. Có thể nói, nơi đây là một bệ phóng để lời ca, tiếng hát của Trúc Linh vươn cao, vươn xa.

Là một giọng ca đoạt nhiều giải thưởng của địa phương và khu vực như: giải nhì tiếng hát nông dân khu vực ĐBSCL năm 2013, giải ba tiếng hát PTTH Kiên Giang năm 2015, giải nhì Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền 2018, giải nhì Điêu Huyền Phong Điền mở rộng năm 2021… Nghệ sĩ Bùi Thị Trúc Linh cho biết, cô đặc biệt có cảm xúc khi được biểu diễn những bài hát ca ngợi nét đẹp của đất và người Tây Đô và thích nhất là bài “Một thoáng Tây Đô” của soạn giả Nhâm Hùng.

Theo nghệ sĩ Bùi Thị Trúc Linh, nghệ thuật đờn ca tài tử (trong đó có vọng cổ) rất độc đáo. Nếu như âm nhạc phương Tây cần đến 14 tông (gồm 07 tông trưởng, 07 tông thứ) cùng hàng loạt ký tự như thăng, giáng… thì người Việt chỉ cần ngũ cung và 05 dây hò đã tạo nên hàng loạt làn điệu phong phú làm rung cảm trái tim người thưởng thức. Tuy vậy, cái vốn quí của âm nhạc dân gian Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị mai một khi một bộ phận người Việt (nhất là lớp trẻ) không còn mặn mà với đờn ca tài tử, thậm chí còn tỏ vẻ khó chịu khi tình cờ nghe một câu vọng cổ.

Đứng trước thực trạng đó, nghệ sĩ Trúc Linh quyết định đăng ký với Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh quận Cái Răng để tham gia thường xuyên các buổi biểu diễn cho du khách đến tham quan di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia “Văn hóa Chợ nổi Cái Răng”.

Nghệ sĩ Bùi Thị Trúc Linh trong một chương trình biểu diễn.

Trúc Linh tâm niệm: “Miễn sao có nhiều người nghe và cảm nhận được nét độc đáo của bộ môn nghệ thuật dân gian đặc sắc vùng đất Nam Bộ này là tốt rồi. Chợ nổi Cái Răng như một điểm nhấn trên bản đồ du lịch TP Cần Thơ nói riêng, khu vực ĐBSCL nói chung nên biểu diễn tại nơi đây sẽ tạo được sự tương tác rộng rãi và giao thoa văn hóa giữa các vùng miền”.

Những buổi biểu diễn trước du khách tham quan chợ nổi Cái Răng, nghệ sĩ Trúc Linh thật sự xúc động khi chứng kiến những giọt nước mắt lăn dài trên đôi má du khách trẻ khi nghe cô hát những bài hát về mẹ. Hay có du khách đến từ thủ đô Hà Nội mời cô hát chung một bài vọng cổ và một điều rất ngạc nhiên là du khách này hát rất chuẩn và luyến láy một cách điệu nghệ những làn điệu phương Nam. Nó như một tín hiệu cho thấy những “điệu buồn phương Nam” vẫn mãi tồn tại trong tâm thức Việt.

Trong buổi trò chuyện, nghệ sĩ Bùi Thị Trúc Linh cứ nhắc mãi câu nói của nhà thơ Thanh Thảo: “Vọng cổ buồn, nhưng vọng cổ đi vào lòng người, thấm sâu lắm. Vọng cổ buồn nhưng không kéo con người xuống thấp, không làm con người rã rời. Một nỗi buồn thanh sạch, đầy chia sẻ”.

Ông Đặng Ngọc Nhẫn, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh quận Cái Răng nhận định: “Trúc Linh là một nghệ sĩ có chất giọng tốt, biết dấn thân và sống chết với nghề. Cô ấy đã rất tích cực tham gia các hoạt động do Trung tâm tổ chức nhằm quảng bá nét đẹp đất và người miệt vườn Cần Thơ đến du khách trong và ngoài nước mà không hề đòi hỏi thù lao hay đặt điều kiện gì”.

To Top