Ngôi đình cổ nơi địa đầu Tổ quốc

Vùng đất Trà Cổ (thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) không chỉ nổi tiếng với bãi biển Trà Cổ, mà còn có nhiều di tích, thắng cảnh được nhiều người biết tới, trong đó có đình Trà Cổ. Đây không chỉ là nơi thực hành các tín ngưỡng văn hóa dân gian của cư dân làng biển, mà còn như cột mốc văn hóa, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Đình Trà Cổ. Ảnh: Thanh Thuận

Mái đình làng biển

Đình Trà Cổ tọa lạc trên trên một khu đất rộng hướng ra Biển Đông, thuộc phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, cách mũi Sa Vĩ 6km, cách biên giới Việt Nam - Trung Quốc khoảng 4km theo đường chim bay. Có lẽ nằm ở vị trí đặc biệt nên đình Trà Cổ mang trong mình sứ mệnh thiêng liêng, được coi là “cột mốc tâm linh” nơi địa đầu Tổ quốc.

Ghé thăm đình Trà Cổ có thể thấy, bề ngoài của ngôi đình mang vẻ đẹp của đình làng cổ truyền thống. Đình nổi bật với kiến trúc cổ bề thế, mái lợp ngói mũi hài, bốn góc đầu đao cong cong theo phong cách đình cổ truyền thống. Vì kèo được chạm trổ tinh xảo hình rồng, phượng, hổ. Những nét khắc, nét chạm trổ tài hoa của nghệ nhân dân gian chế tác khiến những hình ảnh được chạm trổ hiện lên sống động. Đình có 32 cây cột gỗ lim được kê trên đá tảng, đều được sơn son thiếp vàng.

Đình được xây dựng gồm 5 gian 2 chái đường và 3 gian hậu cung, với 48 cột đỡ bằng gỗ lim, sơn son thiếp vàng, được kê trên đá tảng. Trên các vì kèo đều được chạm trổ tinh xảo với nhiều hình ảnh khác nhau. Gian chính điện nổi bật với bức hoành phi ghi 4 chữ “Nam sơn tịnh thọ” (có nghĩa là nước Nam bền vững). Hiện nay, đình Trà Cổ còn lưu giữ được rất nhiều hiện vật, gỗ rất quý có giá trị về mặt nghệ thuật và điêu khắc

Theo thủ từ Chế Kim Tuyến, đình Trà Cổ được xây dựng từ thời vua Lê Thánh Tông (1461). Đình thờ các vị thành hoàng Giác Hải, Không Lộ, Huyền Quốc, Nhân Minh, Quảng Trạch, Ngọc Sơn (thần núi), Bạch Điểu Tước (thần chim), thờ quận He Nguyễn Hữu Cầu - một lãnh tụ nông dân khởi nghĩa thời Lê - Trịnh và 6 vị tiên công có công khai khẩn, lập ra vùng đất Trà Cổ.

Tương truyền, vào thời Hậu Lê, có 12 gia đình ngư dân từ Đồ Sơn (Hải Phòng) đi đánh cá ở vùng biển xa, trong một lần gặp sóng to, gió lớn đã dạt vào vùng cửa biển. Hồi đó, nơi đây chỉ là bãi hoang, mọc toàn cây sú, vẹt và lau sậy. Thấy vậy, 6 gia đình lên thuyền quay trở về quê cũ. Còn 6 gia đình quyết ở lại bám trụ, khai khẩn bờ bãi hoang, lập ra làng mới, đặt tên là Trà Cổ. Từ khi chỉ là 6 ngôi nhà đơn sơ, dần dần nơi đây đã trở thành một xóm làng trù phú.

Sau khi tạ thế, 6 người đàn ông chủ các gia đình này đã được nhân dân Trà Cổ tôn làm thành hoàng làng và được thờ tại đình. Vì lẽ đó, người Trà Cổ vẫn thường truyền nhau câu nói “Dân Trà Cổ tổ Đồ Sơn” để nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn của mình. Hiện nay, trong gian chính giữa của đình vẫn còn đôi câu đối “Đồ Sơn ngật nhĩ kinh hương địa/ Trà Cổ nguy nhiên kỷ niệm từ” (nghĩa là Đồ Sơn là đất cố hương, người Trà Cổ làm đình tưởng nhớ.

Bảo tồn và phát huy giá trị của đình cổ

Hơn 5 thế kỷ qua, đình Trà Cổ đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa nhưng vẫn giữ được nguyên vẹn kiến trúc đình truyền thống Việt Nam. Bên cạnh đó, nhân dân Trà Cổ cũng ý thức gìn giữ, bảo tồn lễ hội truyền thống đình Trà Cổ. Hằng năm, lễ hội đình Trà Cổ được tổ chức quy mô lớn với rất nhiều hoạt động, trong đó, độc đáo là hội thi “ông Voi” và lễ rước Vua ra bể.

“Ông Voi” ở đây chính là những chú lợn được 12 “Cai đám” nuôi với chế độ chăm sóc đặc biệt. Bởi những chú lợn này được coi là linh vật của thần. “Cai đám” là 12 người (ứng với 12 vị tiên công lập nên làng Trà Cổ xưa) được dân làng bầu chọn ra, là những người đàn ông trung niên, khỏe mạnh, có đạo đức tốt, gia đình không vướng tang ma.

Trong những ngày lễ hội đình, các “Cai đám” sẽ phải túc trực ở đình, cùng Ban tổ chức lo việc cúng lễ. Trong chiều 30-5 âm lịch, các “Cai đám” rước “ông Voi” đến đình dự thi. “Ông” nào thân dài, vòng cổ to, đẹp và nặng nhất sẽ giành giải Nhất và được chọn để làm lễ vật dâng cúng tổ tiên ngày 1-6.

Lễ rước Vua ra bể (còn gọi là rước vua ra miếu, ngôi miếu lâu đời nằm sát bờ biển Trà Cổ), diễn ra vào ngày 1-6 âm lịch, cũng là ngày chính hội với những nghi thức rất trang trọng. Lễ hội đình Trà Cổ kết thúc vào ngày mùng 6-6 âm lịch với nghi thức múa bông, cầu cho nhân dân đánh bắt được nhiều cá tôm, buôn bán phát đạt, trồng, cấy cây tươi tốt, cuộc sống ấm no. Chính vì vậy, lễ hội đình Trà Cổ được người dân nơi đây coi trọng mỗi năm.

Trong quy hoạch định hướng phát triển ngành du lịch tỉnh Quảng Ninh, Trà Cổ được xác định là một trung tâm du lịch, trong đó, đình Trà Cổ đã được chính quyền địa phương huy động các nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, quảng bá đến du khách trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh. Trà Cổ đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách gần xa.

Cùng với một số di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Trà Cổ, đình Trà Cổ cùng với lễ hội truyền thống hằng năm thực sự gắn bó với người dân nơi đây, trở thành “cột mốc văn hóa, tâm linh” nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc, là điểm tựa giúp nhân dân thành phố Móng Cái giữ vững độc lập, chủ quyền đất nước.

Thanh Thuận

To Top