Người gieo niềm vui trên từng trang viết

Đúng dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, tôi phấn chấn nhận được cuốn sách 'Bác Hồ của nhân dân' (tập bút ký – tiểu luận chọn lọc) của nhà báo cao niên Nguyễn Uyển, nguyên Ủy viên Thường vụ, nguyên Trưởng ban công tác Hội – Hội Nhà báo Việt Nam.

Tập bút ký – tiểu luận chọn lọc mới xuất bản của nhà văn, nhà báo Nguyễn Uyển

Cuốn sách dày dặn (gần 450 trang) do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phát hành, gồm 3 phần lớn. Phần 1: Muôn đời noi gương Bác; Phần 2: Bác để thương nhớ cho nhân dân; Phần 3: Bác truyền lẽ sống cho mỗi con người.

Tôi đã được đọc khá nhiều công trình nghiên cứu và các bài viết của nhà báo, nhà văn, nhà khoa học… về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Song, qua những trang viết của Nguyễn Uyển trong cuốn sách này, tôi trân trọng cách tiếp cận vấn đề, cách thể hiện nội dung khá sinh động và hấp dẫn thông qua việc tác giả đi tới nhiều địa danh đất nước mang dấu ấn Bác Hồ, gặp gỡ và trò chuyện với nhiều lớp người cụ thể ở nhiều vùng miền của Tổ quốc, từ đỉnh Lũng Cú (Hà Giang) tới vùng đất Chín Rồng vựa lúa, đã và đang bằng hành động thiết thực thể hiện ý thức Học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Những trang viết nhẹ nhàng, hầu như rất ít trích dẫn tư liệu, nghị quyết, chỉ thị…, mà tự mỗi câu chuyện, mỗi việc làm của công nhân, nông dân, trí thức, nhà báo, nhà văn… toát lên tình cảm mênh mông của Bác đối với nhân dân; công lao trời biển của Bác đối với cách mạng Việt Nam; phong cách gần gũi, yêu dân, trọng dân, luôn coi Dân là chủ nhân của đất nước… Những nội dung nêu trên được thể hiện sinh động thông qua các bài Phong cách Hồ Chí Minh – tinh hoa của thời đại (trang 7), Đọc “Tự tôn châm” – Ngẫm lời Bác dạy (trang 24); Làm theo lời Bác dạy (trang 42); Phê bình và tự phê bình (trang 66); Quyền lực và phẩm chất quyền lực (trang 82) và nhiều bài khác…

Trong Phần 2 là những trang viết thấm đẫm hơi thở cuộc sống, được hình thành từ những chuyến đi cơ sở, sống cùng với nhân dân, ra nương rẫy xem bà con làm việc và chuyện trò; vượt đường xa vạn dặm đến các di tích lịch sử mang tình cảm sâu nặng của nhân dân đối với vị Cha già dân tộc: Đền Hùng ngày hội mở (trang 99); Đền thờ Bác ở Long Đức (trang 106); Dư âm Điện Biên – Hồ Chí Minh – Võ Nguyên Giáp (trang 115); A Pa Chải – thế trận lòng dân (trang 123); Về bên Tây Trường Sơn (trang 158)…

Nhà báo Nguyễn Uyển

Tôi dành thời gian đọc kỹ Phần 3 vì đề cập trực diện công việc và sứ mệnh cao cả của nhà báo cách mạng thông qua các tấm gương của một số nhà báo lão thành, như Hoàng Tùng, Phan Quang, Hồng Chương, Trần Công Mân, Hữu Thọ, Trần Bá Lạn… Thật ra, những nhà báo tài danh này, đã có không ít người đề cập, nhưng cái tài của Nguyễn Uyển là đã sử dụng nhuần nhuyễn giữa nguồn tư liệu sẵn có cộng với việc lắng nghe, đối thoại trực tiếp với các nhân vật, nên đã tạo ra dấu ấn riêng, gọi đúng “bản chất” phong cách và sự cống hiến của từng người đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam: “Nhà báo Hoàng Tùng – Niềm ngưỡng mộ trong tôi (trang 237); Phan Quang – Cuộc đời tràn đầy năng lượng với nghề (trang 259); Hồng Chương – Mẫu mực và bản lĩnh (trang 273); Trần Công Mân – Người cầm chịch đổi mới báo chí (trang 278); Nhà báo Hữu Thọ - trọn đời để tâm để đức cho nghề (trang 297); Trần Bá Lạn – Thầy truyền lửa nghề báo (trang 303), v.v…

Nhà báo Nguyễn Uyển chụp ảnh cùng các đại biểu dự Tọa đàm về nhà báo Phan Quang

Có thể nói, cuộc đời và sự nghiệp của các nhà báo lão thành tiêu biểu nói trên là sự thể hiện sinh động quá trình học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí Hồ Chí Minh - mà mỗi dịp kỷ niệm Ngày sinh của Bác, mỗi người làm báo cách mạng càng tự thấm thía một điều: học Bác - một nhà báo lớn - không phải là điều xa vời; học gương những nhà báo lão thành càng không xa vời, miễn là mỗi người cầm bút nuôi trong mình ý thức cầu thị học hỏi, kết hợp tốt giữa trang sách và trang đời rộng mở - như Nguyễn Uyển đã gián tiếp đúc kết kinh nghiệm làm báo qua những trang viết nặng nghĩa, nặng tình của mình với cuộc đời này, với chế độ này.

Nhà báo Nguyễn Uyển trong chuyến về nguồn tại Thái Nguyên

Nhân đây, cảm ơn nhà báo cao niên Nguyễn Uyển, với hơn 60 năm hành nghề đã cho ra đời hàng chục tác phẩm được công chúng quan tâm với nhiều thể loại: phóng sự, phóng sự điều tra, ghi chép, bút ký, tùy bút, tiểu luận, truyện ngắn... Tôi thật sự nể phục anh bởi lòng đam mê và trách nhiệm với nghề, một lối sống bình dị, hòa đồng với đồng nghiệp; và đặc biệt là niềm lạc quan yêu đời, yêu con người, dù biết rằng, anh đã phải tự vượt lên nhiều cam go, thiếu thốn trong đời sống thường nhật. Điều đó làm tôi trân trọng gọi anh là “người gieo niềm vui qua từng trang viết”.

Nhà văn Nguyễn Uyển ủng hộ những tác phẩm của mình cho tủ sách xã Nghĩa Hưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

Thành tâm chúc anh giữ mãi mạch báo, mạch văn không ngừng tuôn chảy, tiếp tục làm nên những “mùa vui” bội thu trên cánh đồng chữ nghĩa của báo chí và văn chương!

PGS.TS. Nguyễn Hồng Vinh

Xem thêm:

>>> Tiếng quê - Tiếng yêu thương sẻ chia và trách nhiệm

>>> Nguyễn Hồng Vinh - Thơ và đời

>>> Tiếng quê – Mạch nguồn dào dạt của thơ và đời

>>> Cánh chim không mỏi

>>> Bâng khuâng anh đào – Bài thơ hay, mang tinh thần “liên văn hóa”!

>>> Hoa sưa vàng, hoa sưa trắng

>>> Tản mạn nghe nhạc Trịnh từ đất ngàn hoa

>>> Xốn xang tháng Tư

>>> Trò chuyện giữa hai cây hoa ban

>>> Tháng Hai – Những ngày đáng nhớ

>>> Đất quê hương

>>> Thắm sắc hoa ban

>>> Lời mẹ

>>> Từ tấm danh thiếp của xuân

>>> Niềm vui Ngày Tình yêu

>>> Chùm thơ đầu năm của nhà báo Nguyễn Hồng Vinh

>>> Chuyện thời đáng nhớ

>>> Thư gửi người lính biên cương

>>> Lời rừng và biển

>>> Chỉ tình người còn đọng

>>> Thao thức dòng thơ bật mầm!

>>> Những cảm nhận từ “Thơ Nguyễn Hồng Vinh – Tuyển chọn”

>>> Một giọng thơ thấm đẫm nhân văn

>>> Hiệu ứng từ những bài viết

>>> Thêm những cảm nhận về con người và tác phẩm

>>> Thắm tình người Việt Nam

>>> Như những ngọn lửa

>>> Hiệu ứng từ bài thơ chống dịch

>>> Hoa hạnh phúc

>>> Các nhà báo, nhà thơ và độc giả với nhiệm vụ chống dịch

>>> Mỗi người dân là một chiến sĩ!

>>> “Âm hưởng từ một bút ký chống dịch”

>>> Lặng lẽ để hồi sinh

>>> Sức lan tỏa qua bài thơ chống dịch

>>> Nghe bài hát "Hoa hạnh phúc" - nhớ về các "chiến sĩ áo trắng"

>>> Âm hưởng bài hát dành tặng các “chiến sĩ áo trắng”

>>> Sức mạnh của âm nhạc

>>> Sức lan tỏa một tác phẩm âm nhạc

>>> Hồi sinh đang tới!

>>> Sang mùa

To Top