Người nước ngoài loay hoay khi TP.HCM giãn cách xã hội

Lúng túng khi không thể đặt thức ăn qua dịch vụ, thắc mắc về việc di chuyển trong thành phố là những vấn đề người nước ngoài gặp phải khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16.

Trên hội nhóm của cộng đồng người nước ngoài sinh sống ở TP.HCM, nhiều thành viên đăng tải tình trạng “bị kẹt” từ ngày đầu giãn cách xã hội 9/7. Họ đặt câu hỏi về việc di chuyển trong thành phố, mua thực phẩm hay xét nghiệm Covid-19.

Thông tin về các vấn đề này đều được tuyên truyền rộng rãi đến người dân, tuy nhiên, nhiều người nước ngoài vẫn chưa nắm được.

Không thể đặt đồ ăn hay nấu nướng

Anh Donald MacAndrais cho biết bản thân không thể đặt món qua ứng dụng trực tuyến, trong khi căn hộ không có bếp nên phải ăn tạm thức ăn nhanh những ngày qua.

"Có cách nào để nhận thức ăn chế biến sẵn hay không", "không phải ai cũng có thời gian nấu 3 bữa một ngày", nhiều người cũng có chung vấn đề như Donald.

Nhiều người nước ngoài đang sống ở TP.HCM gặp nhiều khó khăn với lệnh giãn cách xã hội. Ảnh: Y Kiện.

Chính quyền và người dân nhiều phường, quận nội thành có giải pháp cung cấp lương thực, thực phẩm như “đi chợ hộ”, phát phiếu đi siêu thị, tặng đồ ăn, hàng xóm hỗ trợ nhau…

Tuy nhiên, không phải người nào cũng có các thiết bị nhà bếp như tủ lạnh, dụng cụ nấu nướng, nhất là ai lưu trú ở những căn hộ cũ, phòng thuê thời vụ như homestay, Air BnB. Đây là lý do một số người ngoại quốc đưa ra, họ bày tỏ sự cần thiết sử dụng dịch vụ giao thức ăn.

Giải pháp được nhiều thành viên cộng đồng mạng đồng tình là đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi gần nhất mua các món chế biến sẵn, đồ đóng hộp hay thực phẩm không yêu cầu bảo quản lạnh.

“15 ngày sẽ không quá dài, bạn hãy cố gắng vượt qua, nhiều người Việt chúng tôi cũng chịu tình cảnh tương tự”, tài khoản Facebook Yu Yung gửi lời động viên.

Trường hợp ở trong khu dân cư bị phong tỏa, người nước ngoài được gợi ý nhờ phiên dịch nhắn lực lượng bảo vệ, người dân, chủ nhà giúp đỡ họ mua đồ. Nếu không có tiền mặt có thể mượn hàng xóm hoặc chuyển khoản ngân hàng.

Oái oăm hơn, anh Anatole Ghio (người Colombia) bị đau răng rất khó chịu, muốn đi nha sĩ nên đăng bài hỏi cộng đồng mạng liệu có nơi nào nhận khám chữa. Đau răng được cho là tình trạng không khẩn cấp.

Lời khuyên được đưa ra là anh Anatole có thể phải sử dụng các biện pháp khắc phục tại nhà như tự mua thuốc giảm đau, chườm ấm hoặc liên hệ một số phòng khám, bệnh viện nếu đau quá.

Di chuyển thế nào?

Một khúc mắc khác của những người nước ngoài trong thời điểm này là việc di chuyển nội đô.

Anh Jarred Srot (người Nam Phi) muốn đến một siêu thị lớn ở quận khác để mua nhiều thực phẩm hơn và vài đồ gia dụng cần thiết cho gia đình. Vài người nói có thể, một số nói không thể, anh Jarred Srot hơi phân vân.

Nhiều bài đăng hỏi về ôtô đi đến và từ sân bay trong khi thành phố tạm ngừng hoạt động xe taxi dịch vụ, trừ trường hợp cấp thiết như cấp cứu.

Chuẩn bị sẵn hộ chiếu, thông tin chuyến bay đi hoặc cuống vé máy bay vừa đáp khi từ sân bay Tân Sơn Nhất về, là phương án Bradley Doran (người Anh) gợi ý cho người bạn lo bị công an giữ lại.

Các thành viên trong cộng đồng cũng đã chia sẻ một số địa chỉ thuê tài xế riêng đưa đón sân bay. Đồng thời họ khuyên hành khách nên gửi cho tài xế ảnh chụp hoặc bản sao thông tin chuyến bay. Việc này có thể hỗ trợ tài xế thông hành nếu bị lực lượng chức năng kiểm tra, khi trên đường đón khách hoặc lúc trả khách quay về.

Người nước ngoài không biết di chuyển thế nào khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16. Ảnh: Phương Lâm.

Ngoài ra, Jose Carlos Lis (người Tây Ban Nha) cùng vài thành viên trình bày nhu cầu thực hiện xét nghiệm Covid-19 bằng phương pháp PCR trước chuyến bay, nhưng không biết địa điểm và chi phí, mong muốn được lấy mẫu tận nhà.

Anh Jose chưa biết thông tin hành khách có thể xét nghiệm Covid-19 trả phí tại sân bay Tân Sơn Nhất từ 11/7.

Bên cạnh đó, một số người hỏi về việc gia hạn thị thực, cách xử lý giấy tờ ở cơ quan hành chính, chính sách thuê nhà.

Những chính sách, quy định về đi lại, mua sắm, giải quyết một số trường hợp cần thiết trong thời gian giãn cách xã hội đều được tuyên truyền rộng rãi toàn dân. Nhưng việc nhiều cư dân nước ngoài thắc mắc như trên phản ánh vấn đề họ chưa tiếp cận sâu sát thông tin.

Cần thông tin đáng tin cậy bằng tiếng Anh

“Tôi theo dõi báo đài và biết về việc phong tỏa nghiêm ngặt toàn thành phố trong 15 ngày. Tuy nhiên tôi không nhận được bất kỳ thông tin nào từ chủ nhà hay người có thẩm quyền, khi khu tôi sống bị chặn cục bộ”, anh Michal Sabik (người Slovakia) chia sẻ.

Ngày 9/7, anh Michal Sabik muốn đến máy ATM rút tiền và mua đồ ở cửa hàng tạp hóa, tuy nhiên lối ra khỏi hẻm đã bị căng dây chặn. Người này muốn nhận được thông tin đáng tin cậy từ chính quyền, ít nhất là thông báo tại nhà, để có kế hoạch giải quyết.

Trong khi đó, tại phường Thảo Điền (TP Thủ Đức), không ít người nước ngoài đã vi phạm lỗi ra ngoài không cần thiết như đi bộ tập thể dục, đạp xe, dắt chó đi dạo… mấy ngày qua.

Một số người nước ngoài mong muốn địa phương gửi thông tin bằng tiếng Anh đến cửa nhà. Ảnh: Phương Lâm.

Đại diện tổ công tác phòng, chống dịch của phường cho biết địa bàn có đến 1/4 dân số là người ngoại quốc nên việc tuyên truyền, cung cấp thông tin gặp khó khăn. Vì vậy, UBND phường Thảo Điền đã phát tờ rơi tuyên truyền bằng hai thứ tiếng Việt và Anh, đồng thời cử người phiên dịch để nhắc nhở họ thực hiện theo quy định giãn cách.

“Tôi cũng mong địa phương gửi thông tin bằng tiếng Anh đến cửa nhà. Không chỉ tôi mà nhiều người bạn nước ngoài ở gần khu phố Tây cũng cần biết tình hình xảy ra quanh khu vực họ sống”, Ruslan (người Nga, ngụ phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) bày tỏ.

Cũng vì vấn đề ngôn ngữ, một số người ngoại quốc lo sợ bị lừa đảo khi nhận được cuộc gọi từ số 18001119 có đọc tên của họ.

"Tôi đã tìm trên mạng mới biết đây là số tổng đài hỗ trợ khai báo y tế chính thống ở Việt Nam. Nếu tổng đài có nói tiếng Anh, tôi sẽ hiểu và sẵn sàng cung cấp thông tin, và không muốn bị lỡ tin quan trọng", một thành viên trong cộng đồng cư dân nước ngoài cho biết.

Ỷ Linh

To Top